Dân Việt

Có một "Đồng Tháp Mười" giữa Sài Gòn

Trần Đáng 22/11/2017 12:05 GMT+7
Có một thời người dân TP.HCM ví khu B xã Bình Lợi (Bình Chánh) như một “Đồng Tháp Mười” thu nhỏ, bởi cũng ngập lụt triền miên, cũng phèn chua và hoang hóa.

Để phát triển kinh tế cho khu này, trước nhất phải làm hệ thống đê bao ngăn triều cường, tiêu nước, chống úng, rửa phèn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho hàng trăm ha đất nông nghiệp.

Có đê bao, kinh tế phát triển…

img

Tuyến kênh Độc Lập tại khu B xã Bình Lợi đang được xây dựng đê bao chống triều cường. Ảnh: T.Đ

Theo ông Bùi Trọng Thống – Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng huyện Bình Chánh, chủ đầu tư dự án đê bao khu B xã Bình Lợi, tất cả các con kênh thủy lợi trên địa bàn khu B sẽ được xây dựng đê bao chống triều cường. Dự kiến, dự án này sẽ hoàn thành vào cuối năm 2017. 

Những ngày này về khu B rất dễ nhận thấy những chiếc máy Kobe đang vét đất làm đê bao trên đôi bờ của những con kênh thủy lợi. Tại con kênh Độc Lập, một chiếc Kobe đang hối hả múc đất từ dưới lòng kênh vứt lên hai bờ con kênh. Không bao lâu nữa hai bên bờ con kênh này sẽ mọc lên hai con đê rộng 3m, cao gần 1m che chắn không cho nước tràn đồng.

Anh Nguyễn Văn Sáu (ấp 2) – một nông dân đang canh tác ở đây cho biết, sắp tới, khi có đê bao, bà con nông dân sẽ không còn lo ngập lụt uy hiếp cây trồng, vật nuôi nữa. “Trước đây, khi chưa làm đê bao, bà con nông dân ở đây cứ luôn phập phồng không biết lúc nào lúa, cá của mình trôi theo dòng nước. Để trồng hơn 1ha cây ăn trái, tôi phải tự be bờ chống triều cường. Nhưng đôi khi đê bao vẫn vỡ và nước tràn vào vườn cây gây thiệt hại nghiêm trọng” - anh Sáu thổ lộ.

Chính vì lâu nay không có đê bao nên tại khu vực này còn khá nhiều diện tích đất bỏ hoang, cây cỏ mọc um tùm. Theo anh Sáu, khi có đê bao nông dân sẽ không bỏ đất hoang nữa mà sẽ ra sức khai khẩn sản xuất.

“Có đê bao sẽ khai khẩn đất làm nông” cũng là ý nguyện của lão nông Trần Văn Ngọc (ấp 2). Ngôi nhà của ông Ngọc đầu kênh Năm Vọng đang được giài tỏa để Kobe vào đắp đê bao.

Ông Ngọc cho biết, lâu nay khu vực này vì không có đê bao chống triều cường nên ông không dám trồng cây, nuôi cá trên khu đất 2.000m2 cặp kênh Năm Vọng mà lấy ghe đi chở mía bán cho công ty. “Sắp tới, chính quyền sẽ cho làm đê bao ngăn triều cường tại khu vực này. Tôi định sẽ cải tạo khu đất để trồng cây mai vàng. Bên khu A nông dân trồng mai thấy phát triển kinh tế tốt lắm” - ông nói.

Cũng theo ông Ngọc, việc chính quyền cho làm đê bao ngăn triều cường không chỉ giúp nông dân yên tâm sản xuất mà còn tạo điều kiện để nông dân thuận lợi hơn trong vận chuyển nông sản. “Giờ đê bao được thiết kế cũng là con đường nên nông dân sẽ thuận lợi hơn khi vận chuyển bằng đường thủy” - ông chia sẻ.

Nhà nước và nhân dân cùng làm

Lâu nay, trong khi các địa phương lân cận với khu B của xã Bình Lợi được xây dựng đê bao ngăn lũ nên nông dân an tâm sản xuất, phát triển đời sống thì ở khu B khá nhiều diện tích đất phải bỏ hoang, đời sống nông dân khó khăn trăm bề.

Năm 1998, dự án đê bao khu B đã được UBND huyện Bình Chánh chấp thuận. Dự án chủ yếu vận động nhân dân hiến 100% đất nông nghiệp và 40% giá trị diện tích đất ở bị ảnh hưởng bởi công trình. Có gần 90% hộ dân ký tên hiến đất thực hiện dự án. UBND xã Bình Lợi đã có kiến nghị sớm cho khởi công xây dựng đê bao để giải tỏa việc ngập úng cho khu B. Tuy nhiên, dự án vẫn giậm chân tại chỗ.

Một cán bộ xã Bình Lợi cho biết, sự chậm trễ này là do từ khi lập dự án đến khi triển khai thì hiện trạng, vật giá đã có nhiều thay đổi cần phải điều chỉnh lại gần như toàn bộ dự án. Giờ xã Bình Lợi triển khai nâng chất các tiêu chí nông thôn mới và chính quyền cũng “nâng chất” luôn khu B. Từ đầu năm 2017, dự án đê bao chống triều cường cho khu B với kinh phí khoảng 60 tỷ đồng đã được triển khai.

Anh Sáu cho biết, đã đóng góp 380m2 đất cho tuyến đê bao ở kênh Độc Lập. Đổi lại chính quyền hỗ trợ anh 31 triệu đồng (giá trị đất, cây cối). “Tôi chấp nhận hợp tác với chính quyền trên phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm” để có con đê bao chống triều cường” - anh chia sẻ.

Hiện Khu B gồm các ấp 1, 2 có diện tích khoảng 900ha. Theo kế hoạch, khu B là khu tập trung nuôi trồng thuỷ sản của xã Bình Lợi. Hiện có gần 200ha ao nuôi thủy sản được chuyển đổi từ diện tích trồng lúa thấp trũng, năng suất thấp.  Theo ông Trương Thái Ngọc – Chủ tịch UBND xã Bình Lợi, hy vọng sau khi hệ thống đê bao chống triều cường hoàn thành, nông dân sẽ tập trung đầu tư sản xuất nông nghiệp, đời sống người dân khu B sẽ được nâng cao, góp phần vào chương trình xây dựng nông thôn mới của xã.