Tổng hợp các số liệu vĩ mô tháng 10, nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán SSI tiếp tục lạc quan với tăng trưởng của quý 4 và mục tiêu 6.7% là có thể đạt được. Theo SSI, điều cần suy nghĩ vào lúc này đó là làm sao có được tăng trưởng cao từ năm 2018 khi các yếu tố vĩ mô nội tại đang có chiều hướng tốt lên.
Theo báo cáo của SSI, chỉ số công nghiệp tháng 10 có mức tăng trưởng vô cùng ấn tượng, +17% YoY, mức cao nhất 33 tháng và nếu loại trừ yếu tố mùa vụ thì đây là mức tăng cao nhất nhiều năm. Công nghiệp chế biến chế tạo vẫn là động lực chính kéo tăng trưởng chung với mức tăng +22.3%, cao nhất 8 tháng và gấp 2 lần tăng trưởng của cùng kỳ 2016. Bên cạnh đó, khai khoáng quay lại tăng trưởng dương cũng là một nhân tố giúp đẩy cao tăng trưởng toàn ngành.
Báo cáo cũng cho biết, 678 doanh nghiệp niêm yết trên tổng số 721 doanh nghiệp đã công bố KQKD quý 3/2017. Tổng lợi nhuận trong 9 tháng của các công ty đã công bố KQKD là 114.3 nghìn tỷ đồng, tăng +22.2% YoY. Kết quả kinh doanh ngành ngân hàng rất khả quan với tổng lợi nhuận tăng +28.7% YoY.
CPI tháng 10 tăng +0.41%, kéo dài chuỗi tăng của CPI sang tháng thứ 4. CPI tính từ đầu năm đến hết tháng 10 là +2.25%, thấp hơn nhiều mức kiểm soát 4% nhưng yếu tố mùa vụ kết hợp với thời tiết bất lợi và giá dầu tăng sẽ đẩy cao lạm phát của 2 tháng cuối năm. Trong trường hợp giá cả không biến động quá mạnh và việc tăng giá dịch vụ y tế được tính toán dàn trải hơn, CPI cả năm 2017 nhiều khả năng sẽ ở khoảng 3%.
Vốn FDI đăng ký mới và tăng vốn trong tháng 10 cũng tương đối tích cực, 2.25 tỷ USD, cao nhất 4 tháng. Tính từ đầu năm, tổng vốn FDI đăng ký mới và tăng vốn là 23.5 tỷ USD, tăng +34% YoY (cùng kỳ giảm -9%). Giải ngân vốn FDI duy trì ở mức cao, 1.7 tỷ USD trong tháng 10, mặc dù thấp hơn kỷ lục tháng 9 nhưng đây là mức cao thứ 3 trong vòng 19 tháng. Tính chung 10 tháng, giải ngân FDI đạt 14.2 tỷ USD, tăng +11.8% YoY (cùng kỳ tăng +8.3%).
Theo báo cáo này, điểm nhấn đặc biệt của thương mại tháng 10 đó là giá trị xuất siêu 2.18 tỷ USD, cao nhất lịch sử và gần gấp đôi giá trị xuất siêu của tháng 9. Có 2 nguyên nhân chính tạo ra kỷ lục xuất siêu tháng 10, đó là xuất khẩu Điện thoại lập kỷ lục mới và nhập khẩu Máy móc thiết bị giảm xuống mức thấp nhất 8 tháng. Máy móc thiết bị vốn là mặt hàng có giá trị nhập khẩu lớn nhất nhưng nhập khẩu máy móc thiết bị đã giảm liên tục từ 3.45 tỷ USD trong tháng 5 xuống chỉ còn 2.53 tỷ USD trong tháng 10. Nhờ xuất siêu tháng 10, tổng xuất siêu của 10 tháng đã tăng lên 2.5 tỷ USD.
Đặc biệt, tổng thu ngân sách nhà nước tháng 10 đạt 126 nghìn tỷ, tăng mạnh +64% MoM trong khi tổng chi giảm -2.2% MoM xuống 108.6 nghìn tỷ đã giúp cán cân ngân sách tháng 10 chuyển sang thặng dư +17.4 nghìn tỷ sau 8 tháng thâm hụt. Mức thâm hụt ngân sách 10 tháng dừng lại ở 40.6 nghìn tỷ, giảm 21 nghìn tỷ so với 9 tháng.
Báo cáo cũng đánh giá, năm 2017 là một năm rất thành công của chính sách tỷ giá. Sự kiện nổi bật trong tháng là việc NHNN bất ngờ hạ giá mua vào USD liên tục trong 3 ngày từ 22.725 xuống 22.710. So với thời điểm đầu năm, tỷ giá giảm khoảng -0.2% trên thị trường chính thức và -1.2% trên thị trường tự do, trong khi tỷ giá trung tâm đã được điều chỉnh tăng 1.41% lên 22.471đ. NHNN đã nâng dự trữ ngoại hối lên mức kỷ lục 46 tỷ USD, tăng 7 tỷ USD so với đầu năm.
Đặc biệt, chỉ số VN-Index tăng +4% trong tháng 10 và tiếp tục tăng lên trên 900 điểm vào ngày 20/11. Thị trường bị phân hóa sâu sắc khi đà tăng chủ yếu tập trung vào nhóm vốn hóa lớn, đặc biệt 4 cổ phiếu ROS, VIC, SAB và VCB đóng góp tổng cộng 36.6 điểm dẫn dắt VN-Index trong tháng 10, tiếp đó là VNM, VRE và VIC trong giai đoạn đầu tháng 11.
Theo nhóm phân tích đến từ SSI, kết quả trên có được từ cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Về phía chủ quan, sự thay đổi trong tư duy phát triển cùng quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng từ Trung Ương đã tạo ra “luồng gió mới” cho kinh tế Việt nam. Về phía khách quan, thuận lợi về giá cả hàng hóa toàn cầu và sự thành công của Samsung trong phát triển các sản phẩm mới đã tạo cú hích cho sản xuất nông nghiệp và công nghiệp, đặc biệt là trong nửa cuối năm 2017.
Một điểm đáng mừng là tăng trưởng của 2017 không đến từ các giải pháp kích cầu ngắn hạn. Các giải pháp kích cầu ngắn hạn như đẩy nhanh giải ngân tín dụng chắc chắn không kịp thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2017, không những vậy tiềm ẩn những rủi ro rất lớn về lạm phát và nhập siêu.
“Chúng tôi đã liên tục nêu ra quan điểm cần phải thay đổi tư duy kích cầu bằng tư duy kích cung. Trong các giải pháp kích cung, chúng tôi nhấn mạnh việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và sân chơi bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, cùng với đó là sự hỗ trợ tối đa từ cơ quan nhà nước như tạo lập chính sách hay trực tiếp hỗ trợ sản xuất và tiếp thị sản phẩm.
Một số tín hiệu trong năm 2017 đang làm chúng tôi có thêm niềm tin rằng các chính sách phát triển kinh tế Việt Nam đang đi đúng hướng và vì vậy tăng trưởng của các năm tiếp theo sẽ tiếp tục ở mức cao”. – nhận định từ báo cáo cho hay.
“Trong khó khăn của 2017 chúng ta đã tìm ra lối đi để đạt được 6.7% thì không có lý do gì để không đặt mục tiêu cao hơn cho năm 2018 cũng như các năm tiếp theo. Chúng tôi cho rằng cần phải có một mục tiêu hợp lý để định hướng cho toàn bộ hệ thống cùng nỗ lực cố gắng. Việt Nam đã phải trải qua một thời gian rất dài để vật lộn với những điểm nghẽn thì khi thoát ra được, chúng ta cần có chiến lược tăng tốc thay vì chậm rãi đi lên”. - báo cáo nhấn mạnh.