Sở Công Thương TP.HCM vừa công bố tình hình chuẩn bị, sản xuất, dự trữ cung ứng hàng hóa cho hai tháng Tết nguyên đán Mậu Tuất 2018 của các doanh nghiệp trên địa bàn, với giá trị nguồn hàng đạt hơn 17.812 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho rằng, năm nay, với xu hướng người tiêu dùng yêu thích các sản vật địa phương nên thị trường thành phố sẽ có thêm nhiều hàng hóa đặc sản từ các tỉnh. Đồng thời, lượng hàng hóa cũng dồi dào, ổn định, chất lượng cao, giá cả hợp lý hơn.
Người tiêu dùng mua sắm đặc sản địa phương tại một điểm bán hàng của Co.opmart.
TP.HCM cũng thông qua chương trình hợp tác thương mại với các tỉnh, thành phố khu vực Đông - Tây Nam bộ để nắm tình hình nguồn cung lượng hàng lớn cho người tiêu dùng thành phố, đặc biệt là các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang... Qua đó, kết nối để đưa các sản vật địa phương về thành phố nhiều hơn.
Bà Trang cũng cho biết, năm nay nhiều doanh nghiệp có điều kiện mở rộng thị phần và mạng lưới phân phối sản phẩm hơn. Trong tháng 12 tới, hội nghị kết nối cung – cầu dự kiến cũng sẽ được tổ chức nhằm bổ sung thêm nguồn hàng hóa từ các tỉnh. Một số các sản phẩm đặc trưng ngày Tết như hoa, cây kiểng, bánh kẹo, nước giải khát,… cũng đang được các đơn vị tất bật chuẩn bị.
Đơn cử, đối với mặt hàng hoa, dự báo thị trường TP.HCM năm nay sẽ tiêu thụ khoảng 600.000 – 700.000 chậu mai, 250.000 – 300.000 chậu bonsai, 135 triệu cành các loại. Vì vậy mới đây, Sở Công Thương TP.HCM và Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp tạo điều kiện cho thương nhân và nhà vườn ở các địa phương gặp gỡ, trao đổi cùng liên kết cung ứng, thu mua chuẩn bị nguồn cung cho thị trường Tết.
Ngoài ra, từ nay đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, các doanh nghiệp bình ổn thị trường TP.HCM dự kiến phát triển thêm 221 điểm bán hàng bình ổn giá. Các doanh nghiệp và sở, ngành thành phố cũng lên kế hoạch thực hiện hơn 300 chuyến bán hàng lưu động, phục vụ các quận, huyện ngoại thành, Khu công nghiệp - Khu chế xuất, bệnh viện... phục vụ người lao động có thu nhập thấp, không có điều kiện về quê ăn Tết.
Cũng theo Sở Công Thương TP.HCM, lượng hàng hóa mà các doanh nghiệp chuẩn bị phục vụ cho hai tháng Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 tăng hơn 743 tỷ đồng (tăng khoảng 4%) so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, trong đó, giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường đạt hơn 7.044 tỷ đồng.
Riêng trong tháng cao điểm phục vụ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, tổng giá trị hàng hóa của các doanh nghiệp chuẩn bị khoảng 10.601 tỷ đồng. Trong đó, nhiều nhóm hàng chuẩn bị sản lượng lớn, chi phối từ 32% – 55% nhu cầu thị trường như: thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, thịt gia súc, dầu ăn, gạo...
Lượng hàng nhập tại ba chợ đầu mối nông sản thực phẩm là Bình Điền, Hóc Môn và Thủ Đức cũng dự báo bình quân tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 15.000 - 16.000 tấn/ngày.
Năm nay, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 cách nhau 1,5 tháng, thời gian nghỉ Tết dự kiến khoảng 7 ngày, do đó nhu cầu mua sắm Tết dự kiến sẽ tăng cao từ đầu tháng 2.2018 dương lịch.
Theo thống kê, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ lũy kế 10 tháng đầu năm 2017 của TP.HCM đạt hơn 756.667 tỷ đồng, tăng 11,6 % so cùng kỳ. Ước cả năm 2017, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ của thành phố đạt 920.440 tỷ đồng, tăng 10,9% so năm 2016. |