Hội thảo Ứng dụng bức xạ, đồng vị phóng xạ vào 4 lĩnh vực nông nghiệp
Theo báo cáo của Cục Năng lượng nguyên tử Việt Nam, việc ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ được triển khai trong 4 lĩnh vực nông nghiệp, gồm: chọn tạo giống cây trồng; nông hóa, thổ nhưỡng; bảo vệ thực vật; bảo quản và chế biến.
Trong đó, chọn tạo giống đã có những bước tiến đáng kể bằng việc tạo ra và đưa vào sản xuất 61 giống, tính đến năm 2015. Bao gồm 41 giống lúa, 9 giống đậu tương và một số giống hoa, ngô, táo, lạc,… Trong đó, 65% được tạo ra bởi Việt Di truyền nông nghiệp.
Ông Hoàng Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử cho biết, mặc dù Việt Nam bắt đầu chậm hơn so với nhiều nước khác nhưng số lượng giống mới tạo ra đứng thứ 8 thế giới. Và Việt Nam được Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế ((IAEA) xếp vào trong 7 quốc gia đứng đầu thế giới về số lượng giống lúa đột biến và thứ 4 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương về tổng số giống đột biến đã tạo ra. .
Việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ bức xạ vào lĩnh vực thủy hải sản và nông sản, đặc biệt là hoa quả phục vụ xuất khẩu, cũng đã đạt được nhiều kết quả. Doanh thu từ chiếu xạ ở quy mô công nghiệp phục vụ xuất khẩu đối với các mặt hàng thủy, hải sản,… vào các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Úc,… đạt hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Trong năm 2017, lĩnh vực chiếu xạ phục vụ xuất khẩu hoa quả và thủy sản sang thị trường Mỹ, Châu Âu, Úc đã có tăng trưởng đáng kể.
Được biết, năm 2018, Viện Ứng dụng bức xạ Đà Nẵng (thuộc Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam) sẽ đi vào hoạt động tại thôn Đại La, xã Hòa Sơn (Hòa Vang, Đà Nẵng). Viện sẽ có nhiệm vụ nghiên cứu về phóng xạ môi trường và sinh thải biển; nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật hạt nhân, công nghệ bức xạ và các kỹ thuật liên quan đến các lĩnh vực kinh tế-xã hội và đời sống. Đồng thời, được trang bị dây chuyền thiết bị chiếu xạ Vinaga1 đáp ứng nhu cầu khử trùng các vật phẩm y tế, thanh trùng hàng thực phẩm các tỉnh khu vực miền Trung, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đặc biệt là hàng thủy sản.