Mới đây, ông Shivam Misra, Chủ tịch Tiểu ban Rượu vang - rượu mạnh EuroCham, cho biết, việc lật lại hồ sơ kiểm toán hải quan để truy thu thuế các doanh nghiệp nhập khẩu của cơ quan thuế Việt Nam đã khiến nhiều doanh nghiệp bị phạt oan.
Cụ thể như vừa qua, Tổng cục Hải quan tiến hành kiểm toán lại hồ sơ khai báo nhập khẩu và ra quyết định phạt nhiều doanh nghiệp. Chẳng hạn, Diageo Việt Nam bị phạt đến hàng triệu USD vì lỗi kê khai sai về thủ tục hành chính.
“Điều đáng nói là, việc khai sai không làm giảm mức thuế nhập khẩu mà Diageo Việt Nam phải chịu!”, ông Shivam cho biết.
Cho rằng chỉ sai lỗi hành chính, doanh nghiệp “kêu” bị "phạt oan" hàng triệu USD.
Nguyên nhân dẫn đến sai sót, theo ông Shivam, là do mẫu kê khai thuế liên tục thay đổi và có nhiều điểm trong tờ khai thuế không phù hợp với đặc điểm của doanh nghiệp nước ngoài.
“Đây hoàn toàn là lỗi hành chính, chứ không phải doanh nghiệp cố tình gian lận thuế. Các sai sót cũng không làm ảnh hưởng đến giá trị tính thuế. Hơn nữa, hàng hóa đã bán hết, nếu bị phạt thuế từ số hàng này sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp!”, vị này nhận định.
PGS. TS. Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia, Rượu, Nước giải khát Việt Nam (VBA), cho biết việc thay đổi trong thời gian ngắn của các chính sách, đặc biệt là chính sách thuế, đang khiến các doanh nghiệp mất nhiều chi phí cho việc tuân thủ.
Chẳng hạn, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt được Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành vào tháng 10/2015 và lập tức có hiệu lực thi hành từ 01/01/2016. Theo đó, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm bia - rượu tăng từ mức 55% năm 2015 lên mức 60% vào năm 2017; và sẽ tiếp tục tăng lên 65% vào năm 2018.
“Việc tăng thuế cao trong thời gian ngắn có nguy cơ gây tổn hại đến thị trường. Người tiêu dùng sẽ khó tiếp cận các sản phẩm chính hãng được bán với giá cao do thuế tiêu thụ đặc biệt tăng và đây chính là cơ hội cho hàng gian, hàng giả với giá cả và chất lượng thấp xâm nhập vào thị trường, làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng”, ông Việt khẳng định.
Ông Vũ Xuân Hưng, Phó phòng Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP.HCM (VCCI-HCM) cho biết, theo khảo sát của VCCI, có 41% doanh nghiệp gặp phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính thuế. Trong đó, các doanh nghiệp FDI vẫn là nhóm có tỷ lệ gặp phiền hà cao nhất, 53%, kế đến là các doanh nghiệp dân doanh, với tỷ lệ 41%. Các doanh nghiệp do nhà nước năm giữ trên 50% vốn điều lệ, tỷ lệ có gặp phiền hà là 30%.
Ông Hưng cũng cho biết, hơn 60% doanh nghiệp được khảo sát kiến nghị rằng, cần tăng cường công khai minh bạch các chính sách thuế và đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến thuế.
Hiện tại, thời gian thực hiện thủ tục xuất khẩu của Việt Nam là 108 giờ, cơ quan chức năng đặt mục tiêu giảm xuống còn 70 giờ vào cuối năm 2017. Thời gian thực hiện thủ tục nhập khẩu là 138 giờ và mục tiêu sẽ giảm còn 90 giờ. Việc giải quyết tranh chấp hợp đồng tại Việt Nam cũng kéo dài, lên đến 400 ngày. Ngành thuế đặt mục tiêu sẽ kéo giảm thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng xuống còn dưới 300 ngày.