Thoái vốn Sabeco: Cổ phiếu vua SAB xuất ngoại (Ảnh: IT)
Kế hoạch thoái vốn nước rút
Bộ Công Thương cho biết, kế hoạch thoái vốn tại SAB đang bước sang giai đoạn nước rút khi Bộ Công Thương chỉ đạo bộ phận đại diện vốn Nhà nước tại Sabeco giới thiệu cơ hội tìm kiếm đầu tư (roadshow) cho các nhà đầu tư nước ngoài tại hai thị trường lớn là Singapore và Vương quốc Anh.
Đây là lộ trình giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư đầu tiên mà Bộ Công Thương thực hiện với Hãng bia chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam hiện nay - Sabeco sau công bố thoái vốn hôm 15.11 theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Tại các buổi roadshow này, các nhà đầu tư sẽ được đại diện Sabeco giới thiệu chung về tình hình sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Giới thiệu tổng quan về Sabeco; Hệ thống các nhà máy sản xuất; Các công ty con, các công ty liên doanh, liên kết; Mạng lưới phân phối sản phẩm; Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong 3 năm gần nhất; Tình hình tài chính; Hoạt động quảng bá thương hiệu và phát triển thị trường; Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm tiếp theo …).
Trước đó, theo công bố thoái vốn Nhà nước tại Sabeco, phương thức bán vốn sẽ thực hiện theo hình thức chào giá cạnh tranh giữa các nhà đầu tư đủ điều kiện tham gia mua cổ phần theo quy chế chào bán do Bộ Công Thương xây dựng. Mọi tổ chức cá nhân trong và ngoài nước đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và theo quy chế chào bán cạnh tranh đều được tham gia.
Theo Bộ Công Thương, mã cổ phiếu SAB của Sabeco đang là mã chứng khoán thu hút sự chú ý đặc biệt của giới đầu tư trên thị trường chứng khoán. Lợi thế của Sabeco là doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất ngành bia Việt Nam (40,9% thị phần tại Việt Nam), thị trường đã có mức tăng trưởng vượt trội trong nhiều năm qua. Hiện tại, Việt Nam nằm trong top 25 quốc gia tiêu thụ bia hàng đầu thế giới và top 3 quốc gia tiêu thụ bia châu Á.
Trong giai đoạn 2014 - 2016, tình hình cạnh tranh trên thị trường đồ uống diễn ra gay gắt, đặc biệt trong lĩnh vực bia, Sabeco đã có các chiến lược, chính sách phù hợp về chất lượng sản phẩm và thị trường để giữ vững vị thế dẫn đầu trong ngành bia Việt Nam. Vì thế, kết quả sản xuất kinh doanh đạt được trong giai đoạn 2014 - 2016 đều vượt các kế hoạch do Đại hội đồng cổ đông đề ra.
Hiện tại, bia vẫn là lĩnh vực chiếm tỉ trọng lớn nhất, trên 85% tổng doanh thu của Sabeco trong năm 2014, 2015 và 2016. Các sản phẩm bia chủ lực của SAB gồm có Bia Lon Sài Gòn 333, Bia Chai Sài Gòn 355, Bia Chai Sài Gòn 450, Bia Chai Sài Gòn 330, Bia Lon Sài Gòn 330. Ngoài ra, bia cũng là lĩnh vực chính đem lại lợi nhuận chính cho Tổng Công ty khi chiếm khoảng 95% đến 97% lợi nhuận gộp trong giai đoạn 2014 - 2016.
Cũng theo Bộ Công Thương, năm 2015, sản lượng tiêu thụ Bia Sài Gòn các loại đạt 1.466 triệu lít, vượt 8,11% so với năm 2014. Năm 2016, sản lượng tiêu thụ Bia Sài Gòn các loại đạt 1.590 triệu lít, vượt 8,46% so với năm 2015. Đối với lĩnh vực rượu và cồn, sản lượng tiêu thụ rượu và cồn năm 2014 đạt 3,48 triệu lít, năm 2015 và năm 2016 lần lượt đạt 3,19 triệu lít, 3,03 triệu lít. Sản lượng tiêu thụ nước giải khát năm 2015 đạt 30 triệu lít giảm 14,29% so với năm 2014 là 35 triệu lít. Đến năm 2016, sản lượng tiêu thụ nước giải khát tăng mạnh đạt 37,78 triệu lít, tăng 26% so với năm 2015.
Để đảm bảo quá trình thoái vốn, Bộ Công Thương đã đề nghị Bộ Công An, Ủy ban chứng khoán Nhà nước giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình giao dịch mã cổ phiếu SAB trên thị trường (Ảnh: IT)
Bộ Công An kiểm soát giao dịch SAB
Trước đó, Bộ Công Thương cho biết, kế hoạch chi tiết về việc thoái vốn vốn tại Sabeco với số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng sẽ được hoàn tất trong tháng 12 tới. Bộ cũng có văn bản đề nghị Bộ Công an, Ủy ban chứng khoán Nhà nước giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình giao dịch mã cổ phiếu SAB trên thị trường.
Ngoài giá trị thương hiệu, sản lượng tiêu thụ số 1 tại Việt Nam, hãng bia này còn nắm quyền quản lý nhiều bất động sản giá trị lớn, nằm ở những vị trí đắc địa tại Tp.HCM: 4.000 m2 tại số 46 Vân Đồn, lô đất hơn 17.000 m2 và 7.700 m2 tại số 187 - 474 Nguyễn Chí Thanh (quận 10), hơn 2.200 m2 tại Phan Huy Ích. Không chỉ có nhà đầu tư trong nước mà với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư đang kỳ vọng sẽ được chứng kiến một sự kiện thoái vốn thành công rực rỡ của mã cổ phiếu vua SAB. |
Nhìn lại một năm kể từ khi chính thức niêm yết trên sàn, SAB thực sự không hổ danh là cổ phiếu vua.
Cụ thể, sáng nay 6.12, cổ phiếu Sabeco (SAB) chính thức niêm yết trên sàn HOSE với giá tham chiếu là 110.000 đồng/cổ phiếu và biên độ dao động giá trong ngày giao dịch đầu tiên là +/-20%... Ngay đầu phiên giao dịch, cổ phiếu SAB đã nhanh chóng tăng 22.000 đồng/CP, lên 132.000 đồng/CP.
Ấn tưởng của cổ phiếu vua tiếp tục được các nhà đầu tư dõi theo bởi chỉ 3 phiên sau đó, ngày 8.12.2016 SAB vẫn tiếp tục tăng trần lên mức giá 151.000 đồng/cổ phiếu, vượt xa “ông lớn” Vinamilk (mã cổ phiếu VNM) tại thời điểm đó.
Chốt phiên giao dịch ngày hôm qua ( 23.11), cùng với việc lập đỉnh của VN-Index lên 933,7 điểm thì cổ phiếu SAB đã tiếp tục làm cho các nhà đầu tư phải thừa nhận đây chính là cổ phiếu vua ở thời điểm hiện nay khi đạt mức giá 309.000 đồng/cổ phiếu, trở thành cổ phiếu “đắt” nhất trên sàn chứng khoán của Việt Nam ở thời điểm hiện tại.
Hiện tại, phần vốn Nhà nước của SAB là 89,6% cũng đang được một loạt nhà đầu tư nước ngoài để mắt đến. Cụ thể như Asahi Group Holdings và Kirin Holdings (Nhật Bản), Anheuser-Busch InBev (Bỉ), SAB Miller (Mỹ), Heineken (Hà Lan). Cũng có một tên tuổi đến từ Thái Lan là Boon Rawd Brewery. Tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi (Thaibev) đã từng định giá 2 tỷ USD cho 40% cổ phần của Sabeco. Trước đó, ở trong nước cũng từng có hàng loạt “ông lớn” hỏi mua Sabeco như SSI, Masan…