Dân Việt

Luật các TCTD “bỏ quên” chức danh Phó Chủ tịch HĐQT

Trần Giang - Vân Anh 24/11/2017 13:00 GMT+7
Nhắc đến HDBank, ai cũng biết đây là thành viên của gia đình Sovico Holdings do chồng nữ tỷ phú đô la Nguyễn Thị Phương Thảo làm chủ tịch HĐQT. Bản thân bà Thảo vừa là Phó chủ tịch HĐQT HDBank, vừa là Tổng giám đốc Vietjet Air. Vậy nhưng, Luật các TCTD sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua đã “bỏ quên” bà Thảo.

Quốc hội vừa thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng với một vài điểm được làm rõ hơn về điều kiện của lãnh đạo cấp cao ngân hàng như Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc tại khoản 3 và khoản 4, Điều 34.

Tuy nhiên, luật đã bỏ ngỏ chức danh Phó Chủ tịch HĐQT của ngân hàng và Phó Chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp. Ngoài ra, vị trí Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc ngân hàng dù không được tham gia điều hành ở doanh nghiệp nhưng vẫn có thể tham gia điều hành ở TCTD (do luật chỉ cấm làm thành viên HĐQT, thành viên HĐTV, thành viên Ban kiểm soát của TCTD khác).

Bài học từ trường hợp Trầm Bê Sacombank

Với quy định này, trường hợp của bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã bị bỏ lọt. Câu hỏi đặt ra: Phó chủ tịch HĐQT của một ngân hàng có thực quyền không? Đây là câu hỏi không khó để trả lời nếu nhìn vào trường hợp của ông Trầm Bê, cựu phó Chủ tịch HĐQT Sacombank.

img

Nữ tỷ phú đô la Nguyễn Thị Phương Thảo hiện là Phó Chủ tịch HĐQT HDbank (Ảnh: Internet)

Chỉ là Phó chủ tịch HĐQT, nhưng ông Trầm Bê có thể chi phối cả hoạt động tín dụng của Sacombank, từ vị trí điều hành cao nhất là tổng giám đốc đến các chi nhánh và đã khiến ngân hàng này điêu đứng vì nợ xấu tăng quá cao.

Hồi tháng 8 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) đã khởi tố Trầm Bê vì đã “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng Tiên Phong Bank; Sacombank; BIDV và Ngân hàng Xây dựng. Căn cứ kết quả điều tra, tài liệu chứng cứ đã thu thập được trong quá trình điều tra vụ án, hành vi của Trầm Bê, Phan Huy Khang và các đồng phạm đã gây thiệt hại 6.600 tỷ đồng.

Theo cáo trạng của cơ quan điều tra, ông Trầm Bê đã chỉ đạo ông Phan Huy Khang (nguyên tổng giám đốc Sacombank) cho vay nhóm 6 công ty của Phạm Công Danh dù biết đây hợp đồng này không đạt tiêu chuẩn.

Mới đây, sau khi đại gia Trầm Bê bị bắt, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết ông Trầm Bê đang nợ khoảng 43.000 tỷ đồng tại nhà băng này (thực chất là các khoản nợ do ông Trầm Bê nhận trách nhiệm giải quyết).

Sau khi nắm quyền, ông Trầm Bê đã thực hiện sáp nhập SouthernBank vào ngân hàng này khiến Sacombank, từ một ngân hàng khoẻ mạnh thành một ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao. Tại thời điểm 31.12.2016, số dư nợ xấu báo cáo tại Sacombank là 13.745 tỷ đồng (chiếm 6,9% tổng dư nợ). Nếu cộng cả số dư nợ xấu đã bán cho VAMC và 1 số khoản phải thu xấu từ Ngân hàng Phương Nam (đang được ghi nhận là nợ tiêu chuẩn), ước tính tổng giá trị nợ xấu của Sacombank là 59.426 tỷ đồng (chiếm 29,9% tổng dư nợ). Ngoài ra, phần dự thu lãi đang được khoanh vùng và dự kiến phân bổ trong các năm tới là 20.387 tỷ đồng.

Trước tình hình đó, NHNN đã buộc phải tái cơ cấu Sacombank và thay dàn lãnh đạo mới với ông Dương Công Minh làm Chủ tịch HĐQT.

Mối quan hệ giữa HDBank, Vietjet và Sovico

Nhắc đến HDBank và Vietjet Air người ta dễ dàng nghĩ ngay một điểm chung duy nhất đó là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet đồng thời là Phó chủ tịch thường trực HĐQT HDBank.

Tuy nhiên, trong bộ máy lãnh đạo cấp cao của bộ đôi Ngân hàng – Doanh nghiệp này còn có nhiều gương mặt quen thuộc hơn thế. Có thể kể đến như ông Lưu Đức Khánh hiện đang đảm nhiệm vị trí phó chủ tịch HĐQT HDBank và thành viên HĐQT Vietjet Air. Tương tự là ông Chu Việt Cường hiện là thành viên HĐQT của cả HDBank và Vietjet Air.

img

Mối quan hệ giữa HDBank, Vietjet Air và Sovico (Ảnh: Vân Anh)

Sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến ông Nguyễn Thanh Hùng, phu quân của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, cũng đang giữ chức vụ Phó chủ tịch HĐQT Vietjet Air.

Tất cả những thành viên kể trên đều xuất phát từ Công ty CP Sovico (Sovico Holdings) mà hiện ông Nguyễn Thanh Hùng là Chủ tịch Hội đồng sáng lập. Sovico Holdings là cái nôi ra đời của nhiều công ty tiếng tăm như: HDBank, Vietjet Air, Công ty CP Địa ốc Phú Long, Công ty Bất động sản Tài chính Dầu khí…

Là ngân hàng duy nhất trong gia đình Sovico lẽ dĩ nhiên HDBank có vai trò quan trọng việc hỗ trợ tài chính cho các dự án của các công ty thành viên. Mặc dù vậy, không phải công ty nào cũng quan hệ tín dụng tại đây hoặc không chỉ vay HDBank mà còn nhiều ngân hàng khác.

Đơn cử như Vietjet Air, đang trong giai đoạn đầu tư phát triển công ty này cần huy động rất nhiều vốn từ nhiều nguồn trong đó có các TCTD. Công ty duy trì hệ số nợ khá cao đến 48% trong 9 tháng đầu năm 2017, tuy nhiên dư nợ được dàn trải tại 8 ngân hàng khác nhau, trong đó vốn vay tại HDBank ước đạt gần 1.000 tỷ đồng.

HDBank hiện cũng sở hữu 3,54% cổ phần tại Vietjet Air và là khoản đầu tư mang lại hiệu quả tốt cho ngân hàng. Song song với dư nợ, dòng tiền của Vietjet cũng “chảy” một phần về HDBank giúp ngân hàng duy trì nguồn vốn kinh doanh.

Ngoài ra, còn những thành viên “kín tiếng” khác hiện cũng đang quan hệ tín dụng tại HDBank như Công ty CP Đầu tư Bắc Hà với mức dư nợ có thời điểm lên tới hơn 300 tỷ đồng hay Công ty CP Đầu tư Sóng Việt…

Nói “kín tiếng” là vì đây đều không phải là những công ty đại chúng với thông tin được công bố thường xuyên tuy nhiên được biết có tiềm lực hoạt động kinh doanh tốt.

Với mối quan hệ như vậy, việc Luật các TCTD sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua đã bỏ quên nữ tỷ phú đô la Nguyễn Thị Phương Thảo liệu có ảnh hưởng gì tới HDBank?