Dân Việt

Bốn năm và những thay đổi của ông Obama

20/01/2013 17:32 GMT+7
Dân Việt - Ngày 20.1, hơn 30.000 cảnh sát được trang bị mọi phương tiện đã được huy động, rào chắn cấm xe cộ được dựng lên tại hàng chục tuyến phố để bảo đảm an ninh cho lễ nhậm chức nhiệm kỳ hai của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Do tài chính có hạn nên lượng khách mời, cũng như các hoạt động chào mừng năm nay được cắt lược đi nhiều so với lễ nhậm chức của ông Obama cách đây bốn năm. Dự tính lần này chỉ có 800.000 người tham gia lễ nhậm chức của ông Obama ở thủ đô Washington, thấp hơn con số 1,8 triệu người hồi năm 2009. Tổng chi phí cho lễ nhậm chức năm nay cũng dự kiến vào khoảng 14 triệu USD, thấp hơn nhiều con số kỷ lục 170 triệu USD của năm 2009.

img
Ông Obama trong lễ tuyên thệ nhậm chức năm 2009. Ảnh CNN

Cũ và mới

Có một điều chắc chắn, lễ nhậm chức của ông Obama năm nay không tạo nên sự lôi cuốn, hấp dẫn như cách đây bốn năm, bởi người dân Mỹ đã quá quen thuộc với cái tên của nhà lãnh đạo. Điều họ chờ đợi, sau bốn năm lãnh đạo nước Mỹ, và sau lễ nhậm chức này, ông Obama sẽ làm gì để tạo nên cái mới từ chính cái tên đã cũ của mình.

Bốn năm trước, ông Barack Obama là một gương mặt mới, người thậm chí chưa bao giờ làm hết một nhiệm kỳ trọn vẹn tại Thượng viện và trở thành tổng thống trẻ nhất trong lịch sử nước Mỹ từ trước tới nay. Còn nay, ông Obama đã 51 tuổi, tóc đã bạc và gương mặt xuất hiện nhiều nếp nhăn.

Hiến pháp Mỹ quy định lễ nhậm chức của Tổng thống ấn định vào ngày 20.1. Tuy nhiên, ngày 20.1 năm nay rơi vào Chủ Nhật, do vậy Tổng thống Obama phải tuyên thệ nhậm chức hai lần trước Chánh án Tòa án Tối cao John Robert. Lễ nhậm chức lần hai sẽ diễn ra ngày 21.1, tại trụ sở Quốc hội.

Những thay đổi của Tổng thống Obama không chỉ ở vẻ bề ngoài. Khi bước sang nhiệm kỳ hai, ông cũng tỏ ra tự tin hơn, cam kết có quan điểm cứng rắn hơn trong các cuộc đàm phán, tin tưởng nhiều hơn vào các đồng minh đáng tin cậy, hứa hẹn ít hơn và ngày càng chỉ trích mạnh mẽ tính đảng phái tại Washington. Ông cũng đặt niềm tin nhiều hơn vào tầng lớp trung lưu- những người đã góp phần làm nên chiến thắng của ông năm 2008.

Suốt bốn năm làm ông chủ Nhà Trắng, Tổng thống Obama đã trải qua những thăng trầm, có những lúc rạng ngời vì thành công, song cũng có những lúc phải rơi lệ vì tiếc nuối. Có những quyết định của ông đã làm thay đổi cuộc sống của hàng triệu người.

Người dân Mỹ không quên hình ảnh khuôn mặt rạng rỡ với nụ cười vui hết cỡ của ông Obama xuất hiện trên truyền hình khi dự luật cải cách y tế của ông được thông qua. Tuy vậy, một hình ảnh khác, một tổng thống phải rơi lệ tiếc thương những đứa trẻ bị chết trong vụ thảm sát tại một trường tiểu học ở Newtown, bang Connecticut, cũng đã làm nhiều người Mỹ nhói lòng.

Trong bốn năm qua, nước Mỹ đã mạnh mẽ và hiệu quả hơn trong các hoạt động chống khủng bố, khiến người dân Mỹ yên lòng hơn. Obama đã làm được điều đó. So với những lời hứa hẹn trước khi ông được bầu về một sự thay đổi, bốn năm của nhiệm kỳ thứ nhất, Obama đã không làm dân Mỹ thất vọng.

Định hình quan điểm riêng

Kinh nghiệm tích lũy từ việc xử lý cuộc khủng hoảng kinh tế, đấu tranh về chương trình cải cách y tế, thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ, những vụ xả súng đẫm máu trong năm qua, cuộc đấu trí để đưa nước Mỹ tránh vách đá tài chính, cùng với những màn đấu khẩu tay bo với đối thủ nặng ký Mitt Romney trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng mới đây đã có ảnh hưởng tới tính cách của ông và giúp ông định hình quan điểm của riêng mình. So với hình ảnh vị tổng thống trẻ trung, nay ông Obama còn được đánh giá là vị tổng thống mạnh mẽ, có tài “bật” lại đối thủ, có kỹ năng giao tiếp tốt, thân thiện, hiểu biết, chu đáo và đáng tin cậy.

Mặc dù có những thời điểm, tỷ lệ ủng hộ của ông Obama bị giảm sút, nhưng cách xử lý một vụ việc nào đó gần với thời điểm đó lại khiến cho tỷ lộ ủng hộ ông tăng lên. Giới quan sát nhận xét, tỷ lệ ủng hộ ông Obama sau lễ nhậm chức này sẽ tăng lên. Theo thống kê, tỷ lệ ủng hộ ông đã trở lại mức khoảng 50% sau khi bị sụt xuống còn trên dưới 40% vào một số thời điểm trong năm 2011 và 2012.

Tuy nhiên, trong vài tháng đầu nhậm chức nhiệm kỳ hai, con số này vẫn chưa thể đến gần ngưỡng 60 hay 70%. Người dân Mỹ đã nhìn thấy ở ông Obama khả năng sử dụng sức mạnh quyền lực của một vị tổng thống trong các cuộc đàm phán với đảng Cộng hòa vốn nổi tiếng là cứng rắn. Và họ chờ đợi hơn nữa những quyết định có lợi cho dân của ông Obama trong bốn năm tới.