Độc giả Đức Kháng – một người đang công tác tại tỉnh Quảng Ngãi đã gửi đến Dân Việt ý kiến xung quanh vấn đề này.
Quyết định của tỉnh Quảng Ngãi vẫn đang gây tranh luận trong công chức, viên chức địa phương. Ảnh Công Xuân.
Trước hết, nói về hình thức đào tạo tại chức, từ xa, hẳn ai cũng biết rằng, không phải chỉ riêng ở nước ta, mà hình thức đào tạo này đã ra đời từ rất lâu ở nhiều nước trên thế giới.
Bản thân hình thức đào tạo này là rất khoa học, rất phù hợp cho bất kỳ ai, đối tượng nào có ý thức cầu tiến, muốn nâng cao tri thức, trình độ chuyên môn để nâng cao chất lượng, hiệu quả lao động, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện thu nhập của mình, gia đình mình và đóng góp nhiều hơn cho xã hội.
Có điều là, ở ta, đúng như ý kiến của ông Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ đã có đánh giá là rất “nhôm nham” và rất bát nháo. Nguyên nhân chính mà ai cũng thấy, ai cũng biết, không cần phải phân tích, chứng minh dài dòng là do buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng.
Nếu ai không tin hoặc vì lý do gì đó mà cố tình bao biện cho hình thức đào tạo này, cứ đọc mục thông báo tuyển dụng nhân sự trên các báo hằng ngày sẽ tận tường. Chẳng có cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nào lại đoái hoài đến bằng đại học tại chức, từ xa, chỉ duy nhất là bằng đại học chính quy.
Vì sao lại có sự “kỳ thị” và “phân biệt đối xử” này? Nói như ông Thang Văn Phúc là “hiện bằng đại học tại chức, từ xa, vẫn còn bị xã hội nhìn nhận chưa thiện cảm”. Nhôm nham, bát nháo, chất lượng hầm bà lằng mà lại đòi xã hội có “thiện cảm” thì quả là rất không công bằng và cũng chẳng chính xác.
Một số địa phương tại Quảng gãi bổ nhiệm cán bộ khi chưa đủ tiêu chuẩn. Ảnh Công Xuân.
Phải nói thẳng ra là xã hội ta không tôn trọng và chấp nhận bằng đại học tại chức, từ xa mới đúng, chứ hoàn toàn không liên quan gì đến vấn đề cảm tính hay không cảm tính ở đây cả.
Thứ nữa là: ai, thành phần nào đi học tại chức? Chỉ toàn là cán bộ, công chức, viên chức hoặc đang là hợp đồng lao động trong bộ máy. Đời nào lại có con con em nông dân, công nhân, người lao động bên ngoài lại dám bỏ tiền ra (tốn kém hơn đại học chính quy rất nhiều) để mà học xong rồi thất nghiệp.
Trừ một số ít trường hợp có người thân thích đang nắm giữ quyền quyết định tuyển dụng nhân sự trong cơ quan, tổ chức mà thôi. Nói cách khác là bằng đại học tại chức, từ xa chỉ được sử dụng chủ yếu trong bộ máy chứ không nơi nào khác.
Cũng theo ông Phúc, quy định của tỉnh Quảng Ngãi là cứng nhắc và trái quy định của Nhà nước?
Nhưng xin thưa rằng, chừng nào mà đào tạo tại chức, từ xa vẫn còn bát nháo, nhôm nham như lâu nay thì xã hội vẫn “cạch”, và phải sửa ngay Luật Giáo dục đại học và những cái gọi là quy định nhưng đã không còn phù hợp với thực tiễn đời sống.
Làm gì có chuyện chất lượng đại học tại chức, từ xa ngang bằng với đại học chính quy?! Dù ai đó có cố tình tự túm tóc mình để kéo lên thì đó vẫn là chuyện không tưởng. Thử hỏi một bác sĩ học chính quy với một bác sĩ chuyên tu khác nhau về trình độ như thế nào, trừ một tài năng.
Tất nhiên, tôi không đến nỗi cực đoan cho rằng, những ai học đại học tại chức, từ xa đều dốt và kém cả, nhưng trong đó, số người thực sự khá, giỏi là rất hiếm, rất ít.
Mà đã hỗng kiến thức cơ bản, thì có cố học lên cao mấy cũng khó mà đạt được chuẩn trình độ theo yêu cầu. Như vậy, thì quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ của Bộ giáo dục và Đào tạo cũng cần phải xem lại. Bởi ngay cả những cán bộ - người trong cuộc (đã có bằng thạc sĩ) đã tâm sự rất thật lòng với tôi rằng, đi “kiếm” cái bằng này chẳng qua là “vì thời, vì thế” chứ thực ra có học hành gì đâu.
Kể cả nhiều người đã học tại chức, từ xa cũng vậy, chủ yếu là để cải thiện tiền lương và mong có cơ hội được tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm, chứ kiến thức thì có mấy! Thực tế có không ít người học xong, khi cơ quan giao việc đúng chuyên môn đã tìm mọi cách, kể cả các mối quan hệ để từ chối, không dám nhận!
Còn ý kiến cho rằng cần “phải đánh giá đúng năng lực” ư? Quá đúng nhưng cũng quá khó, chẳng khác nào bắc thang lên hỏi ông trời. Các cơ quan có thẩm quyền hãy thử đến một cơ quan, tổ chức ở một cấp nào đó tìm hiểu xem. Chẳng có bản nhận xét, đánh giá nào, cũng chẳng có kết luận nào làm mất lòng ai cả. Chỉ trừ những cán bộ, công chức bị thi hành kỷ luật, còn thì ưu, khuyết điểm na ná nhau hết “từ đầu đến chân”.
Một bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả cần phải có những con người có năng lực giỏi, phẩm chất tốt. Vậy nên quy định của tỉnh Quảng Ngãi là phù hợp với chủ trương trên và cũng đã được đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trên địa bàn rất hoan nghênh, đồng tình.
Thay đổi để tốt hơn, để được lòng dân hơn sao lại phải cấm cản?
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.