Tổng giám đốc Công nghệ Uber toàn cầu: Khởi nghiệp trước hết phải dựa vào chính mình (Ảnh: IT)
Được biết, ông vừa tham dự Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam (Techfest) 2017 với tư cách một diễn giả. Ông đã chia sẻ những gì với cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam?
- Trong khuôn khổ Techfest 2017, tôi đã chia sẻ với cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam hai vấn đề.
Đầu tiên là về tâm thế luôn hợp tác, luôn chia sẻ, nhất là về công nghệ để cùng tồn tại trong một cộng đồng. Có thể chúng tôi và một doanh nghiệp khác cạnh tranh ở mảng này, nhưng có thể cộng tác với nhau trong một mảng khác. Với tôi, đó là yếu tố quan trọng để khởi nghiệp thành công.
Ví như phong trào mã nguồn mở. Đó là công nghệ có thể áp dụng chung cho nhiều ngành. Chính vì áp dụng công nghệ mã nguồn mở mà Uber đã có thể phát triển một cách nhanh chóng. Mong muốn của Uber là làm thế nào để các thế hệ doanh nghiệp tiếp sau thậm chí còn tiến nhanh hơn chúng tôi.
Thứ hai là khả năng vượt qua nỗi sợ của những người mới bắt đầu khởi nghiệp. Chỉ có vượt qua nỗi sợ, chúng ta mới có sự dũng cảm để thử những ý tưởng mới, điều mới. Không nên sợ thất bại mà nên học từ thất bại. Chính việc tích lũy kinh nghiệm từ những bài học đó sẽ giúp chúng ta thành công.
Theo ông, các start-up Việt Nam đã có 2 điều mà ông vừa chia sẻ hay chưa?
- Tôi nghĩ, với hai yếu tố tôi vừa chia sẻ, cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam bắt đầu đề cập và hiểu chúng. Qua trao đổi với nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, tôi thấy nhiều người vẫn còn bày tỏ những lo lắng về rủi ro hay thất bại.
Nhưng cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam đang tiếp cận và chấp nhận những điều này rất nhanh. Đây chính là điều mà chúng tôi thấy rất hứng thú với cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam. Họ dần quan tâm nhiều hơn tới việc hợp tác trong phong trào mã nguồn mở, thay vì “ôm giữ” công nghệ như tư duy truyền thống. Thành công của phong trào mã nguồn mở đã cho thế hệ khởi nghiệp mới thấy rằng, chỉ khi chia sẻ, hợp tác về thông tin, công nghệ thì mới có thể tiến nhanh được.
Tất nhiên, một số ngành nhất định vẫn phải có sự bảo hộ, song sự bảo hộ đó chỉ nên có với những ý tưởng cốt lõi, còn những công nghệ mang tính áp dụng chung, phổ quát thì nên được chia sẻ.
Theo ông, những khó khăn và thuận lợi lớn nhất của các start-up ViệtNam hiện nay là gì?
- Cộng đồng khởi nghiệp ở Việt Nam có điểm chung là khao khát thành công và đầy nhiệt huyết. Đây là điểm cộng rất lớn.
Còn về khó khăn thì tôi nghĩ ở Việt Nam đang có quá ít mô hình thành công. Chúng ta cũng đếm được một vài công ty khởi nghiệp thành công, song nếu như có nhiều doanh nghiệp thành công hơn nữa thì sẽ kích thích cộng đồng khởi nghiệp nhiều hơn. Điều này cũng dễ hiểu vì hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam vẫn còn non trẻ và rất khó để đòi hỏi có ngay nhiều câu chuyện hay mô hình khởi nghiệp thành công.
Cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam có thể phân tích thành công và cả những thất bại của những mô hình khởi nghiệp nằm ngoài hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam như Uber hay Airbnb để rút ra bài học cho mình.
Chính phủ có vai trò gì trong việc thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam?
Trước hết, tôi xin khẳng định lại quan điểm tôi từng chia sẻ hồi tháng 7/2017, khi tôi sang Việt Nam. Đó là, khởi nghiệp thì trước hết nên dựa vào chính mình, thay vì trông chờ vào các nhà đầu tư hay Chính phủ. Vai trò của Chính phủ là tạo môi trường cạnh tranh công bằng, cởi mở để những ý tưởng hay nhất có thể phát triển, để những công ty có năng lực nhất đạt được thành công khi khởi nghiệp, chứ không phải là việc rót vốn.
Tôi vừa có dịp diện kiến các nhà lãnh đạo Việt Nam, tôi cảm nhận được những chuyển biến tích cực trong việc hỗ trợ đối với cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam. Theo cá nhân tôi, đây là những tiến bộ vô cùng quan trọng và đáng ghi nhận.
Ông có thể chia sẻ những hoạt động của Uber nhằm hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam trong thời gian tới?
Chúng tôi sẽ tiếp tục một số hoạt động mà Uber đã và đang thực hiện tại Việt Nam, trong đó có việc tiếp tục gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm với cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang xem xét một ý tưởng khác là kết hợp với các trường đại học tại Việt Nam xây dựng một chương trình mang tính chính thức hơn, cung cấp kiến thức, thông tin về khởi nghiệp cho cộng đồng.