Dân Việt

TP.HCM khan thịt sạch vì lò mổ lung tung "giết" lò mổ công nghiệp

Bảo Anh 29/11/2017 19:15 GMT+7
TP.HCM đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy giết mổ công nghiệp. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp khẳng định dù đang đổ tiền vào đầu tư nhà máy, nhưng chưa thể an tâm vì môi trường kinh doanh, đầu tư quá bất an…

Công nghiệp “chết” vì thủ công

Sáu doanh nghiệp đã, đang đầu tư hàng trăm tỉ đồng xây dựng nhà máy giết mổ hiện đại theo quyết định 3023 của UBND TP.HCM, với mục tiêu đến cuối năm 2017 đi vào hoạt động. Để xây dựng được một nhà máy công nghiệp công suất 2.000 – 3.000 con heo mỗi ngày, trước hết doanh nghiệp phải chi tiền gom đất nông nghiệp, tiến hành làm các bước hợp thửa, nộp thuế chuyển đổi mục đích, sau đó là các bước xin thủ tục đầu tư, đánh giá công nghệ, môi trường, giao thông, chữa cháy, quy hoạch 1/500…

Có những doanh nghiệp, như hợp tác xã (HTX) Tân Hiệp mất tròn mười năm lo hồ sơ, nhưng đến nay vẫn còn vướng do… chưa có đường vào nhà máy. Các nhà máy còn lại, từng trường hợp cụ thể cũng đang vướng vào một mớ lằng nhằng các thủ tục đầu tư, chưa thể “bứt” ra được, do đó, không thể khai trương đúng kế hoạch.

img

Một lò giết mổ công nghiệp do công ty Henaff cung ứng.

Lo liệu các thủ tục nhiêu khê chưa xong, các doanh nghiệp lại đối mặt với bất an khác, đó là môi trường kinh doanh sạch, bẩn lẫn lộn sau khi các nhà máy đi vào hoạt động. Theo quy hoạch mới nhất trong quyết định 3023/2016 của UBND TP.HCM, khi sáu nhà máy công nghiệp hoạt động sẽ chấm dứt giết mổ các lò thủ công trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, còn các lò thủ công hay bán thủ công không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm ở các địa phương khác thì sao? Liệu thịt heo, thịt gia cầm, thịt bò giết mổ ở các cơ sở thủ công này có được phép đưa vào thành phố tiêu thụ? Nếu thành phố chấp nhận, sẽ tạo ra môi trường kinh doanh thiếu bình đẳng, chắc chắn các nhà máy công nghiệp sẽ gặp khó khăn, thậm chí phá sản, vỡ trận quy hoạch do chi phí giết mổ cao hơn nhiều lần so với lò thủ công.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, chủ đầu tư nhà máy công nghiệp An Hạ, cho biết không chỉ có các nhà máy lo lắng, mà nhiều khách hàng đang có ý định hợp tác với công ty để xây dựng chuỗi thực phẩm sạch cũng đặt vấn đề thành phố phải có cơ chế, chính sách bảo vệ các nhà máy công nghiệp, nếu không họ sẽ không làm. “Các khách hàng có ý muốn hợp tác với nhà máy giết mổ, cung cấp thịt heo theo chuỗi, nhưng họ vẫn phân vân sau này liệu thành phố có thả lỏng thịt giết mổ ở lò thủ công, bán thủ công từ tỉnh đưa vào”, bà Thắm nói thêm.

Thường, chi phí giết mổ một con heo ở lò thủ công hoặc bán chưa tới 50.000 đồng, nhưng khi đưa vào nhà máy công nghiệp, với các thiết bị hiện đại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm… phải tốn gấp ba. Đại diện một nhà máy công nghiệp cho biết, quyết định 3023 về quy hoạch giết mổ cũng chưa nêu rõ hành lang pháp lý bảo vệ môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp làm nhà máy công nghiệp.

Tôi đã đọc kỹ bản quy hoạch trong quyết định 2032, chỉ thấy ghi chung chung là thành phố sẽ: “phối hợp với các tỉnh kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, đảm bảo chất lượng nguồn động vật đưa về thành phố để giết mổ và tiêu thụ để cung cấp sản phẩm an toàn cho thành phố”, chứ không thấy yêu cầu gì thêm”.

Cần quy chế kinh doanh thực phẩm

Các doanh nghiệp đang rất cần thành phố ban hành quy chế kinh doanh thực phẩm, đưa mặt hàng này vào diện kinh doanh có điều kiện để bảo vệ những ai làm ăn đàng hoàng. Theo đó, khi nhà máy mới ra đời, thành phố phải quy định thực phẩm từ địa phương khác muốn đưa vào thành phố cũng phải được giết mổ ở nhà máy công nghiệp. Trên cơ sở này, các cơ quan chức năng phải kiểm tra, đánh giá, nếu nhà máy ở địa phương đạt tiêu chuẩn giết mổ công nghiệp (không chấp nhận thủ công hoặc bán thủ công) thì mới cấp phép.

Ngoài vấn đề liên quan đến điều kiện nơi giết mổ, việc yêu cầu kinh doanh thực phẩm theo chuỗi, truy xuất nguồn gốc, bán thịt có thương hiệu, bao bì, nhãn mác, bán thịt trong tủ mát cũng phải được cụ thể hoá bằng các quy định rõ ràng thì mới tạo hành lang pháp lý, bảo vệ doanh nghiệp. Ông Bạch Đăng Quang, phó giám đốc HTX Tân Hiệp, nói khi nhà máy mới ra đời, đơn vị này sẽ kinh doanh thực phẩm theo chuỗi. Tức là, HTX Tân Hiệp sẽ liên kết với các đơn vị chăn nuôi heo, lập ra công thức thức ăn, quy trình chăn nuôi để giám sát từ gốc, đảm bảo truy xuất nguồn gốc đến tay người tiêu dùng.

“Chúng tôi sẽ làm khép kín, heo giết mổ sẽ được pha lóc, đóng gói ngay tại nhà máy để cung cấp vào nhà hàng, siêu thị, cửa hàng. Để giảm nguy cơ lây nhiễm, chúng tôi dự định sẽ đưa thịt heo từ nhà máy thẳng đến các chợ lẻ cho tiểu thương bán chứ không đưa về chợ đầu mối nữa!”, ông Quang nêu kế hoạch.