Dân Việt

Nếu bị tấn công, Mỹ sẽ xóa Triều Tiên khỏi bản đồ bằng "quái vật tận thế"

Mai Đại 30/11/2017 07:51 GMT+7
Trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ - Triều Tiên gia tăng, ngày càng nhiều người lo sợ viễn cảnh chiến tranh hạt nhân sẽ xảy ra. Tuy nhiên, khó có thể phủ nhân dù sở hữu vũ khí "nóng", sức mạnh hạt nhân của Bình Nhưỡng vẫn còn kém xa so với Washington. Nếu Triều Tiên tấn công trước, Mỹ chỉ cần 1 con tàu ngầm là đủ để "thôi bay" nước này.

9 năm sau cuộc tấn công Hiroshima và Nagasaki, nền điện ảnh Nhật Bản cho ra đời Godzilla – con quái vật đến từ biển sâu chuyên tàn phá các thành phố. Những tưởng, câu chuyện về loài bò sát khạc ra lửa khổng lồ sẽ chỉ là chuyện viễn tưởng. Thế nhưng, chưa đến 1 thập kỷ sau, dưới mặt biển đã xuất hiện thứ còn kinh khủng hơn, tàn bạo hơn và hủy diệt hơn: tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Ohio. Đó là những con quái vật biển đời thực, mang theo gần một nửa kho vũ khí hạt nhân của Mỹ, ẩn mình và sẵn sàng mang tới ngày tận thế.

img

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Ohio

Có lẽ, không hệ thống vũ khí nào mà con người từng tạo ra lại có sức hủy diệt tối thượng như tàu ngầm lớp Ohio. Mỗi chiếc tàu dài 170m này có thể mang theo 24 tên lửa đạn đạo Trident II có khả năng khai hỏa dưới mặt nước với tầm bắn hơn 7000 dặm (khoảng 11265 km).

Khi trên đường quay trở lại tầng khí quyển, Trident II đạt vận tốc lên tới Mach 24 (29,400 km/h) khiến cho việc đánh chặn các đầu đạn chỉ là chuyện viễn tưởng. Trong giai đoạn này, tên lửa sẽ tách ra thành 8 đầu đạn hạt nhân, mỗi đầu đạn có sức nổ từ 100-475 kiloton (tương đương 100,000-475,000 tấn thuốc nổ TNT). Điều này có nghĩa là 1 lần khai hỏa toàn lực bao gồm 192 đầu đạn hạt nhân sẽ dễ dàng thổi bay 24 thành phố. Các chuyên gia quân sự gọi tàu ngầm lớp Ohio là “kẻ mang đến tận thế”.

img

Tên lửa Trident II D5

Đối thủ gần “đẳng cấp” nhất với tàu ngầm lớp Ohio là tàu ngầm chủ lực lớp Typhoon của Nga – loại tàu lớn hơn với 20 ống phóng tên lửa đạn đạo. Ngoài ra, Trung Quốc, Ấn Độ, Anh và Pháp đều đang vận hành nhiều tàu ngầm tên lửa đạn đạo được trang bị nhiều loại tên lửa khác nhau với khả năng hủy diệt kém hơn 1 chút so với lớp Ohio của Mỹ.

Tại sao lại tồn tại những “quái vật tận thế” với khả năng khiến toàn bộ 1 quốc gia “bốc hơi”? Thuyết răn đe hạt nhân là không đủ để khiến các quốc gia “chùn tay” hơn khi khai hỏa vũ khí “nóng” của mình?

Các nhà nghiên cứu quân sự đã chỉ ra rằng, lí do mà tàu ngầm tên lửa đạn đạo tồn tại là dựa vào logic của chính thuyết răn đe. Cụ thể, khác với các tên lửa đạn đạo mặt đất và bom hạt nhân trên máy bay vốn có thể bị xóa sổ nếu bị tấn công phủ đầu, tàu ngầm với đặc thù của mình rất khó bị phát hiện và tiêu diệt. Không chỉ có vậy, cho dù kẻ thù có nhắm tới lực lượng tàu ngầm trước tiên thì cũng khó có thể xóa sổ toàn bộ lực lượng. Do đó, bất cứ kẻ nào có ý định tấn công phủ đầu cũng sẽ phải suy nghĩ lại nếu không muốn bị báo thù bởi “cơn mưa lửa tận thế” mà tàu ngầm lớp Ohio mang tới.

Tàu ngầm lớp Ohio được đưa vào biên chế vào những năm 80 để thay thế cho 5 lớp tàu tầm tên lửa hạt nhân trước đó của Hải quân. Với lượng giãn nước lên tới 18,000 tấn, lớp Ohio là tàu ngầm lớn nhất đang phục vụ trong biên chế và là tàu lớn thứ 3 từng được đóng. Ngoài trừ 1 tàu được mang tên cố Thượng nghị sĩ Henry M. Jackson, mỗi con tàu đều mang tên 1 bang của Mỹ - 1 vinh dự mà trước đó chỉ dành cho tàu chiến mặt nước cỡ lớn.

Trong tình huống tấn công-trả đũa hạt nhân, 1 tàu ngầm có thể nhận được lệnh khai hỏa thông qua tần số radio cực thấp. Ngoài việc khó bị nhắm tới giống như tên lửa ở hầm chứa mặt đất, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm còn có thể được gài tọa độ mục tiêu khá nhanh chóng. 8 chiếc tàu ngầm lớp Ohio đầu tiên được đóng để phóng tên lửa đạn đạo Trident I C4 – phiên bản hiện đại hơn của tên lửa Poseidon. Thế nhưng hiện tại tất cả tàu ngầm đều mang theo tên lửa Trident II D5 vốn có tầm bắn rộng hơn 50% và có độ chính xác gần như tuyệt đối, khiến chúng trở thành thứ vũ khí hoàn hảo để tấn công phủ đầu các mục tiêu quân sư.

Ngoài ra, tàu ngầm lớp Ohio còn có 4 ống phóng cỡ 533mm cho ngư lôi Mark 48. Tuy nhiên, những ống phóng này vốn chỉ có mục đích phòng vệ vì công việc của tàu ngầm tên lửa hạt nhân không phải là săn tìm tàu của kẻ địch mà là ẩn mình, tránh bị phát hiện. Lò phản ứng hạt nhân giúp tàu ở dưới nước trong khoảng thời gian rất dài. Đồng thời, lò phản ứng cũng giúp tàu duy trì tốc độ di chuyển khoảng 20 knots (37 km/h) mà không hề tạo ra nhiều tiếng động.

img

Cấu tạo trong thân tàu ngầm lớp Ohio

Khác với các nhánh còn lại của quân đội, lực lượng tàu ngầm hạt nhân thường xuyên duy trì tuần tra và trực chiến. Không chỉ có vậy, tàu ngầm còn hạn chế liên lạc để đảm bảo khả năng tàng hình tối đa. Trên mỗi con tàu là 154 sĩ quan và thủy thủ, chia làm 2 nhóm Xanh và Vàng để luân phiên trực. Được biết, một đợt tuần tra của tàu thường kéo dài 70-90 ngày (kỷ lục hiện tại là 140 ngày của tàu ngầm USS Pennsylvania). Cứ giữa 2 đợt tuần, tàu sẽ nghỉ 1 tháng để tiếp tế dữ trự cho các lần tiếp theo. Hiện tại, Hải quân Mỹ triển khai 9 chiếc tàu ngầm tại Bangor để tuần tra Thái Bình Dương và 5 chiếc tại King Bay để phục vụ các chiến dịch ở Đại Tây Dương.

Sau các hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân với Nga mà mới đây nhất là Hiệp ước START mới có hiệu lực vào năm 2011, Mỹ đang có kế hoạch đem 2 chiếc tàu ngầm lớp Ohio đi đại tu, giữ lại trong biên chế 12 tàu với 240 quả tên lửa Trident II (tương đương 1090 đầu đạn hạt nhân). Tuy ít hơn nhiều so với trước đó, thế nhưng lực lượng “quái vật” này vẫn thừa sức hủy diệt thế giới rất nhiều lần.

img

Thông số tàu ngầm USS Ohio (nguồn: An ninh Thủ đô)

Trong thời điểm hiện tại, tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Ohio sẽ còn tiếp tục phục vụ nước Mỹ cho tới cuối những năm 20 của thế kỷ 21. Từ giờ cho đến lúc đó, các tàu lớp Ohio sẽ còn nhận được nhiều gói nâng cấp tàng hình tiếng động để đảm bảo sức chiến đấu của mình. Sau đó, lớp Ohio sẽ được thay thế bằng tàu ngầm tên lửa đạn đạo thế hệ mới (được cho là lớp Columbia). Lớp tàu ngầm mới có giá cực kỳ đắt đỏ, lên tới 4-6 tỷ/chiếc. Do đó, Hải quân Mỹ có lẽ sẽ đóng mới ít hơn so với lớp Ohio. Bù lại, những người kế nhiệm của lớp Ohio sẽ được trang bị lò phản ứng mới: không yêu cầu sửa chữa tốn kém hay nạp lại nhiên liệu – cho phép phục vụ tới tận năm 2085.