Đoạn văn bản sau khi Tiếng Việt được cải cách theo đề xuất của PGS. TS Bùi Hiền.
Những ngày qua PGS. TS Bùi Hiền, tác giả công trình nghiên cứu cải tiến chữ cái tiếng Việt đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ dư luận, nhiều người nói ông điên và không ít người cho rằng ông "không có việc gì để làm nên rửng mỡ".
Nhiều người đã thực hành theo chữ của PGS.TS. Bùi Hiền để bình luận trên mạng xã hội.
Xung quanh vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Phạm Văn Hảo, Phó Tổng biên tập Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống, Hội ngôn ngữ học Việt Nam.
Thưa ông, mấy ngày qua nhiều người phê phán rất kịch liệt đề xuất cải tiến Tiếng Việt của PGS.TS Bùi Hiền. Họ cho rằng PGS.TS. Bùi Hiền bị điên,… khi đưa ra đề xuất đó. Tuy nhiên, trên mạng xã hội, nhiều người đã thực hành theo chữ cái của PGS. Hiền đưa ra. Ông có suy nghĩ như thế nào khi thấy “hiện tượng” này xuất hiện ngày càng nhiều?
PGS.TS. Phạm Văn Hảo, Phó Tổng biên tập Tạp chí Ngôn ngữ. |
Dư luận phê phán là thể hiện tâm lý một cách tự nhiên. Tuy nhiên, nhiều người thực hành chữ cái của PGS Bùi Hiền, đưa lên mạng xã hội để bình luận, để chế nhạo, để làm trò cười là bất nhã. Tôi phản đối chuyện này.
Với tư cách là người làm công tác nghiên cứu ngôn ngữ tôi cho rằng , ai cũng có thể phê phán nhưng nên phê phán theo hướng góp ý, dựa trên luận cứ khoa học. Đó là những phê phán nghiêm chỉnh.
Do đó, cách phản ứng của mọi người làm sao phải phù hợp, có văn hóa và chấp nhận được.
Chuyện đề xuất, đưa ra cái mới của PGS.TS. Bùi Hiền trong ngành là bình thường. Sở dĩ PGS.TS. Bùi Hiền đưa ra cải cách tiếng, chữ viết tiếng Việt là do ông yêu tiếng Việt.
Vấn đề PGS.TS. Bùi Hiền đưa ra mới chỉ ở góc độ cá nhân. Đúng ra, chúng tôi làm trong nghề phải có ý kiến chính thức nhưng chúng tôi chưa thấy có vấn đề gì lớn nên chưa chủ trương đưa ra bài viết về vấn đề này.
Đây chỉ mới là một nửa đề nghị của PGS. Bùi Hiền. Ông Hiền có nói đến tháng 3/2018 sẽ trình bày nốt phần Nguyên âm (đề xuất này là phần Phụ âm).
Vì vậy, chúng ta cứ bình tĩnh theo dõi PGS.TS. Bùi Hiền trình bày trong Hội thảo tháng 3 tới đây.
Là người nghiên cứu về ngôn ngữ, ông đánh giá như thế nào về đề xuất cải tiến tiếng Việt của PGS Bùi Hiền?
Ở đề xuất này tôi thấy có 2 vấn đề cần đặt ra: Nội dung về mặt khoa học, âm và chữ có thỏa đáng, có khoa học. Tuy nhiên, hệ thống mà PGS.TS Bùi Hiền đưa ra không khả thi và không thực tiễn.
Về căn cứ khoa học, Tiếng Việt trải qua nhiều thế kỷ có sự biến đổi là bình thường, vì thế “cuộc cách mạng” như đề xuất của PGS.TS. Bùi Hiền là không có căn cứ.
Về mặt xã hội, hậu quả của việc cải tiến tiếng Việt mà PGS.TS. Bùi Hiền đưa ra nếu được chấp nhận sẽ vô cùng khủng khiếp. Riêng chuyện làm lại chứng minh thư, làm sổ hộ khẩu, tên đường phố… thì hàng triệu, hàng triệu thay đổi trong khi chữ viết không có gì mắc mớ đến mức phải làm một cuộc cách mạng như thế.
Bên cạnh đó, trong hệ thống con chữ của PGS.TS. Bùi Hiền đưa ra thiếu tính hệ thống.
Vậy tại sao đề xuất này vẫn được đưa ra trong hội thảo khoa học Ngôn ngữ ở Việt Nam – Hội nhập và Phát triển và đã được in thành sách?
Tôi không bất ngờ vì PGS.TS. Bùi Hiền đã đưa vấn đề này ra trước đó. Tôi cũng đã bình luận đề xuất này không không thực tế. Tuy nhiên, ý kiến của nhà khoa học thì chúng tôi phải tôn trọng và có phản biện.
Chúng tôi đưa lên bài viết lên và in thành sách không có nghĩa là chúng tôi chấp nhận đề xuất này.
Theo ông, chữ cái tiếng Việt đã đến lúc phải cải tiến chưa và cá nhân ông có ủng hộ việc thay đổi ngôn ngữ tiếng Việt không?
Như tôi đã nói, tiếng Việt hiện nay không có vướng mắc gì lớn, không cản trở việc giao tiếp xã hội cho nên việc đề xuất này của PGS.TS. Bùi Hiền là ý kiến cá nhân và ra đời không đúng lúc.
Mọi ngôn ngữ đều phát triển, tiếng Việt cũng vậy. Chữ viết và tiếng nói tự nó sẽ thay đổi, tự nó sẽ điều chỉnh, đến một giai đoạn nào đó, nếu cần phải thay đổi tự nó sẽ thay đổi.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Mới đây, cách viết cải tiến tiếng Việt mà PGS.TS. Bùi Hiền (nguyên Hiệu phó trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội) đề xuất trong cuốn sách vừa xuất bản gây nhiều tranh cãi. PGS.TS. Bùi Hiền cho rằng, trải qua gần một thế kỷ đến nay chữ quốc ngữ đã bộc lộ nhiều bất hợp lý, nên cần phải cải tiến để giản tiện, dễ nhớ, dễ sử dụng, tiết kiệm thời gian, vật tư... hơn Theo đó, cách viết tiếng Việt sẽ giống với ngôn ngữ thông thường, không còn các chữ ghép ch-tr-nh… Như vậy "giáo dục" phải viết là "záo zụk", "nhà nước" là "n'à nướk", "ngôn ngữ" là "qôn qữ"... |
Đề xuất cải cách tiếng Việt của ông Bùi Hiền chỉ để tiết kiệm một số giấy in bên cạnh một ít thời gian soạn...