Chiều 28/11, Bộ tư lệnh Thủ đô chủ trì, phối hợp với Bộ tư lệnh Công binh, Cục đường thuỷ và các lực lượng liên quan di dời quả bom dài 2,9m ở gần trụ cầu P13 Long Biên, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội
Ngày 29/11, tin từ Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn thuộc Bộ Tư lệnh Công binh cho biết, quả bom trục vớt được tại khu vực sông Hồng là loại bom M-118 nặng khoảng 1.350kg, tổng chiều dài khoảng 2,9m, chiều dài thân bom 2,1m, đường kính 350mm.
Loại bom này chứa gần 810kg thuốc nổ Tritonal. Đây là loại bom do Mỹ sản xuất và được sử dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam. Công dụng quả loại bom này là phá hoại công trình, vật trên mặt đất, sát thương người hoặc khoan sâu xuống đất phá huỷ các công trình ngầm.
Lực lượng chức năng di chuyển quả bom lên bờ đưa đi xử lý
Sau khi trục vớt được quả bom, Trung tâm công nghệ xử lý bom mìn đã vận chuyển quả bom đưa về hủy nổ tại Trường bắn quốc gia TB1 ở tỉnh Bắc Giang. Dự kiến, trong ngày 29/11, lực lượng chức năng sẽ hủy nổ quả bom này.
Để tiêu hủy các loại bom còn sót lại sau chiến tranh sẽ có hai phương pháp, gồm: Tháo ngòi nổ, sau đó cưa cắt bom để lấy thuốc nổ; Hủy nổ bằng thuốc nổ.
Trước đó, Cục Đường thủy Nội địa Việt Nam phát đi thông báo cho biết, người dân phát hiện một chướng ngại vật tại khu vực địa phận phường Ngọc Thụy, quận Long Biên (Hà Nội). Sau đó, lực lượng chức năng xác định vật thể đó là một quả bom dài hơn 2m, nằm tại Km 183 sông Hồng, cách trụ P13 cầu Long Biên, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên khoảng 5m.
Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng nối hai quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên của Hà Nội, do Pháp xây dựng (1898-1902). Cầu dài 2290m qua sông và 896m cầu dẫn, gồm 19 nhịp dầm thép đặt trên 20 trụ cao hơn 40m (kể cả móng) và đường dẫn xây bằng đá. Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam lần thứ 1 (1965-1968), cầu bị máy bay Mỹ ném bom 10 lần, hỏng 7 nhịp và 4 trụ lớn. Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam lần thứ hai của không lực Hoa Kỳ (1972), cầu Long Biên bị ném bom 4 lần, phá hỏng 1500m cầu và hai trụ lớn bị cắt đứt. Sang thời bình, do giao thông ngày một tăng trong thập kỷ 90, cầu Long Biên được sử dụng chỉ cho tàu hỏa, xe đạp và người đi bộ. Năm 2002, Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt thông qua dự án gia cố sửa chữa cầu Long Biên giai đoạn 2 với tổng vốn đầu tư 94,66 tỷ đồng. |
Chiều 28/11, quả bom dưới chân cầu Long Biên đã được lực lượng công binh trục vớt thành công.