Những ngày này, dồn dập thông tin liên quan tới bạo hành trẻ em khiến người viết đau nhói: Bé gái 1 tháng tuổi ở Phủ Lý (Hà Nam) bị người giúp việc đánh, tát, hất lên không trung dọa nạt; bảo mẫu trường Mầm Xanh (quận 12, TP.HCM) dùng tay, chân, nhiều vật dụng có cả dao bắt trẻ ăn, ngủ, tắm rửa, học tập… trong nước mắt và sợ hãi; bé Nguyễn Huỳnh Ngọc Thảo (xã Vĩnh Hòa Phú, H.Châu Thành, Kiên Giang) nghi bị cha ruột, mẹ kế dùng thanh sắt nung đỏ và dí vào người gây bỏng sâu… Và đau đớn nhất là vụ bé 20 ngày tuổi bị chính bà nội sát hại dã man tại thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa).
Bảo mẫu trường mầm non Mầm Xanh đánh trẻ dã man. Ảnh cắt từ clip
Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có trên 2.000 trẻ em bị bạo lực, xâm hại ở mức nghiêm trọng, cần được hỗ trợ, can thiệp.
Khảo sát của Tổ chức tầm nhìn thế giới với học sinh tại hai tỉnh Yên Bái và Tuyên Quang, 44% trẻ em bị bạo lực, trong đó 23% bị đánh, tát, đòn roi.
Vấn nạn bạo hành trẻ em không mới, luật đã có, báo chí, truyền thông đã vào cuộc tuyên truyền mạnh mẽ, cơ quan chức năng cũng không hề nương tay, cớ sao số lượng, mức độ vẫn không hề giảm?
Em bé 7 tuổi ở Kiên Giang nghi bị cha ruột, mẹ kế dùng sắt nung dí thẳng vào người.
Nhìn lại những vụ việc trên, có những vụ diễn ra trong thời gian dài nhưng chỉ phát hiện khi báo chí vào cuộc thì thủ phạm mới bị phanh phui và bị xử lý.
Điều kỳ lạ là bạo hành ngay trong gia đình, cơ quan chức năng còn “kêu” khó phát hiện nhưng bạo hành tại nhà trường, dẫu mỗi năm có bao nhiêu đoàn thanh, kiểm tra đủ các cấp vẫn không tài nào phát hiện ra được?
Thậm chí, cả việc bạo hành tại gia, nếu cộng đồng xung quanh có trách nhiệm hơn với con trẻ, người lớn hoàn toàn có thể kịp thời can thiệp.
Liệu có phải quan niệm “con trẻ chịu đòn roi là tất yếu” vẫn đang án ngữ trong suy nghĩ của quá nhiều người khiến cho việc bạo hành trẻ em vẫn diễn ra thường ngày.
Có phải chính sự bàng quan, thờ ơ, ngại va chạm, đụng chạm của chính chúng ta, những người lớn nên bạo hành trẻ em cứ diễn ra vô tư trước mắt.
Hình ảnh người giúp việc ở Hà Nam hành hạ em bé 1 tháng tuổ. Ảnh cắt từ clip
Có lẽ ngoài một chế tài mạnh tay với hành vi bạo hành con trẻ thì hơn ai hết các bậc phụ huynh, những người lớn cần nâng cao ý thức cảnh giác, trang bị kỹ năng cần thiết cho trẻ.
Kinh nghiệm của người viết cho thấy nếu gia đình có buộc phải thuê giúp việc thì nên ưu tiên người giúp việc chuyên nghiệp, có nhiều năm kinh nghiệm và đã tìm hiểu kỹ về kỹ năng, tính cách.
Việc lắp camera khi nhà có trẻ nhỏ hay chọn trường gắn camera cho con theo học không phải còn là câu chuyện tin hay không tin giữa người lớn với nhau mà là trang bị tối thiểu trong môi trường có trẻ nhỏ.
Và đương nhiên là bậc phụ huynh, sau mỗi giờ làm, chúng ta cần thường xuyên trò chuyện, hỏi han, quan sát cả tâm lý lẫn cơ thể của con em mình.
Nếu như những bất thường trên cơ thể dễ dàng nhận biết khi giúp làm vệ sinh cá nhân cho con thì những biến đổi về tâm lý như sợ hãi, e ngại, lo lắng đều có căn nguyên của nó.
Và điều quan trọng, ngay trong cộng đồng mình sinh sống, nếu thấy bất kỳ biểu hiện bất thường nào từ những hàng xóm xung quanh, đặc biệt là gia đình có trẻ nhỏ hãy cảnh giác, theo dõi và báo với những người có trách nhiệm tại chính quyền sở tại và cơ quan chức năng gần nhất.
Chớ xuề xòa với việc “con trẻ ăn đòn là chuyện thường” vì rất có thể, ngày mai, con bạn sẽ là nạn nhân của bạo hành.