Dân Việt

Giá mủ giảm sâu, nông dân Quảng Trị quyết không bỏ “vàng trắng”

Ngọc Vũ 30/11/2017 13:15 GMT+7
Bị bão tàn phá vườn cây cao su, giá mủ xuống thấp... nhưng người dân Quảng Trị vẫn kiên trì gìn giữ cây cao su. Bởi theo họ, hiện nay chưa có cây trồng thay thế nào cho giá trị kinh tế ngang hoặc cao hơn cao su.

Ngày 28.11, đang phát dọn cỏ, bôi thuốc phòng bệnh xì mủ cho cây cao su, bà Phan Thị Huế (xã Trung Sơn, huyện Gio Linh) cho biết, cơn bão số 4 và số 10 năm 2017 đã làm gãy, đổ 50 cây cao su trong diện tích 2ha (1.000 cây) đã 10 năm tuổi của gia đình. Sau bão, bà Huế nhanh chóng cưa đốn những cây bị gãy, đổ để bôi thuốc vaseline vào vết thương. Khi bộ rễ của cây đã ổn định trở lại, bà Huế bón phân để cây nhanh phục hồi, ra chồi non.

img

Nông dân Quảng Trị vẫn trồng, chăm sóc và khai thác cây cao su, không có hiện tượng chặt bỏ. Ảnh: Ngọc Vũ

Cũng bị thiệt hại hơn 70 cây cao su do bão số 10, gia đình ông Nguyễn Minh (xã Vĩnh Thạch, Vĩnh Linh) cưa đốn, bôi thuốc cho cây như hướng dẫn của cán bộ huyện. Ông Minh cho biết, mỗi cơn bão đi qua gia đình đau xót khi thấy cao su ngã đổ, miếng cơm manh áo vì đó mà hao mòn. Thế nhưng, cho đến giờ phút này, dù giá cao su xuống thấp thì vẫn chưa cây trồng nào có giá trị ngang hoặc cao hơn cao su, có chăng là cây hồ tiêu.

Tuy nhiên, để trồng được 1ha hồ tiêu cần từ 300-400 triệu đồng, nông dân không có vốn đầu tư. Hơn nữa, giá hồ tiêu cũng theo quy luật thị trường, lên xuống thất thường, có thời điểm người trồng tiêu cũng điêu đứng. Bởi vậy, ông Minh quyết giữ bằng được 2,3ha cao su đang cho thu hoạch của gia đình.

Ông Nguyễn Đức Chính – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện nay nông dân của tỉnh vẫn đang khắc phục và chăm sóc vườn cao su của mình sau hai cơn bão số 4 và số 10 vừa qua, không có hiện tượng nông dân chặt bỏ cao su. Tỉnh hiện có gần 20.000ha cao su (trong đó hơn 10.000ha cho sản phẩm), sản lượng ước đạt hơn 13.000 tấn/năm.

Cũng theo ông Chính, tỉnh xác định nâng diện tích cao su lên 22.000 – 23.000ha vào năm 2020, tập trung trồng mới ở huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông, nơi xa biển. Sau mỗi cơn bão ảnh hưởng đến vườn cao su, tỉnh đều động viên bà con khắc phục theo hướng nếu diện tích nào gãy, đổ trên 70% thì mới được chặt bỏ để trồng cây mới hoặc tái canh. Vườn cao su nào gãy đổ dưới 70% thì chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ thuốc, kỹ thuật và động viên bà con khắc phục.

Theo ông Chính, tính đến thời điểm hiện nay, cao su vẫn là cây mang lại giá trị kinh tế cao nhất trong các loại cây trồng tại địa phương và cả nước. Bởi vậy, bà con nông dân cần bình tĩnh, giữ lại vườn cao su, không nên chặt bỏ theo xu hướng đám đông.