Tắm xử lí nấm bệnh, ký sinh trùng cho đàn cá song mẹ. Ảnh: Quỳnh Trang
Triển vọng cá song
Nghề nuôi hải sản lồng bè ở các tỉnh Quảng Ninh – Hải Phòng trước đây đa số khởi phát từ nghề nuôi nhuyễn thể 2 mảnh vỏ như hàu, ngao hoa, tu hài... Tuy nhiên, do những tác động suy thoái môi trường nước nên nghề nuôi lồng bè nhuyễn thể 2 mảnh vỏ ngày một thu hẹp, hiện chỉ còn phát triển được ở một số vịnh xa.
Tại Hải Phòng, khoảng 5-7 năm trở lại đây, các lồng bè chủ yếu đã chuyển sang nuôi các loại cá có giá trị kinh tế cao. Trong đó, cá song vẫn là đối tượng nuôi truyền thống và đã vươn lên là đối tượng nuôi chủ lực, thường xuyên chiếm từ 50-60% trong cơ cấu nuôi của người dân nhờ nhiều ưu thế về khả năng sinh trưởng và có giá trị cao.
Ở vùng nuôi hải sản lồng bè tập trung ở đảo Cát Bà (Hải Phòng), có rất nhiều giống cá song đang được chọn nuôi như cá song chấm nâu, cá song hổ, cá song chuột, cá song da báo, cá song chanh... Nếu như trước đây, cá song chấm nâu, song chuột, song hổ... từng là đối tượng nuôi chủ yếu thì khoảng 2-3 năm trở lại đây, cá song lai đang ngày càng khẳng định vị thế số một so với tất cả các đối tượng nuôi khác. Cá song nói chung có nhiều ưu điểm có thể nuôi được mật độ rất dày (tới 500 con thương phẩm/lồng), dễ tính, không đòi hỏi môi trường nước phải quá khắt khe. Tuy nhiên, để vừa có chất lượng tốt, lại sinh trưởng nhanh thì chỉ có cá song lai.
Thạc sỹ Nguyễn Đức Tuấn, Phòng Nghiên cứu SX giống và Nuôi cá biển thuộc Trung tâm Quốc gia giống hải sản miền Bắc (Trung tâm QG GHSMB) cho biết, hiện Trung tâm đã gây dựng được đàn cá bố mẹ và chủ động được quy trình công nghệ sinh sản nhân tạo cũng như nuôi đối với rất nhiều loài cá song.
Trong đó, một số giống cá song rất có giá trị như cá song hổ, cá song chấm nâu, đặc biệt là cá song chuột có giá bán trên thị trường rất cao, có thời điểm lên tới 900.000 – 1.200.000 đ/kg. Song chuột có chất lượng thịt thơm ngon đặc biệt, lại sở hữu một số axit amin quý mà con người không thể tổng hợp được nên các thị trường như Hồng Kông, Trung Quốc và một số thị trường cao cấp tại Hà Nội và TP.HCM hết sức ưa chuộng. Tuy nhiên, song chuột nói riêng cũng như các loài cá song giống thuần truyền thống như song hổ, song chấm có nhược điểm là sinh trưởng quá chậm, bình quân chỉ khoảng 700-800 g/năm, trong khi hệ số tiêu tốn thức ăn lại khá lớn (từ 6-7kg/kg tăng trọng).
Làm thế nào để vừa có được giống cá song chất lượng cao như song chuột, lại có thể nhanh lớn là bài toán mà các nhà chọn tạo giống hải sản đã đặt ra hàng chục năm về trước. Thạc sỹ Nguyễn Đức Tuấn cho biết, mặc dù không có đề tài lai tạo giống cá song lai được phê duyệt, tuy nhiên suốt từ năm 2008 đến nay, các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc đã âm thầm thực hiện, và đến nay đã thành công ngoài mong đợi. Theo đó, cá song lai ra đời là sự kết hợp rất bất ngờ giữa con mẹ là loài cá song hổ truyền thống và bố là loài cá song vua - một loài cá được mệnh danh là “vua của các loài cá song”.
Một con cá song vua đực được đưa lên cáng chuẩn bị đi vuốt tinh. Ảnh: Quỳnh Trang
Ngoài tự nhiên, cá song vua đã từng được ghi nhận với trọng lượng lên tới 500-600 kg, ngư dân Việt Nam cũng đã đánh bắt được những con cá song vua nặng từ 50-60kg tới hàng tạ. Trong chiến lược nghiên cứu loài cá song khổng lồ này, từ năm 2000 – 2003, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1 đã cho NK một số cá thể giống cá song vua từ Đài Loan và chuyển đổi thành công sang giới tính đực.
Bên cạnh cá song lai, Trung tâm QG GHSMB cũng có thể SX được giống cá song vua (thuần chủng). Cá song vua lớn rất nhanh, mỗi năm có thể tăng trọng hàng chục kilogam, cá nuôi từ có chất lượng rất tốt, được thị trường Trung Quốc rất ưa chuộng. Tuy nhiên, cá chỉ có thể thu hoạch thương phẩm từ kích cỡ 25 kg/con trở lên, tương đương thời gian nuôi 2,5 đến 3 năm, trong khi chi phí SX khá lớn nên đòi hỏi người nuôi phải trường vốn. Vì vậy, cá song vua hiện được nuôi rất ít, chỉ thả xen lác đác ở một số bè.Những năm sau đó, một số cá thể cá song vua khác do ngư dân các tỉnh của nước ta đánh bắt được cũng đã được sưu tập về nuôi dưỡng ở trại giống cá bố mẹ tại vịnh Lan Hạ (thuộc Trung tâm QG GHSMB, đảo Cát Bà). Đến nay, trại giống ở Cát Bà của Trung tâm QG GHSMB là nơi duy nhất ở Việt Nam đã sở hữu được đàn cá song vua bố mẹ với tổng số khoảng 100 con, trong đó có khoảng 20 con cá song vua đực, con lớn nhất ước nặng tới 120kg.
Vua cá song “sang chảnh”Những con cá song vua đực ở đây to lớn sồ sồ tới hàng tạ, con bé cũng 50-60kg, mỗi con phải nuôi riêng ở mỗi ô lồng với chế độ chăm sóc đặc biệt.
Chúng chỉ tha thẩn trong lồng, tới đúng giờ ăn mới nổi lên. Do được chăm bẵm từ bé nên chúng rất “sang chảnh”, thức ăn phải là cá nục cỡ lớn 300 – 500 g/con, và phải là cá nục tươi, hễ gặp thức ăn hơi ươn một chút thôi chúng đã đánh được hơi, ngậm vào rồi nhè ra ngay.
Môi trường nước xung quanh ô lồng cũng phải thật yên tĩnh, người lạ phải hết sức hạn chế ghé thăm nơi ở của nó để tránh làm kinh động. Cá song vua đực đã từng được thử nghiệm cho lai tạo với cá song cái thuộc nhiều loài khác nhau, nhưng chỉ có sự kết hợp giữa song vua đực và song hổ cái mới cho ra thế hệ cá song lai F1 có khả năng thành công cao, đặc tính sinh trưởng và chất lượng tốt hơn cả.
Về kỹ thuật lai, kỹ sư Phạm Văn Thìn, Trưởng phòng Bảo tồn, lưu giữ giống gốc và nguồn gen hải sản (Trung tâm QG GHSMB), người đã gắn bó với đàn cá song vua từ gần chục năm nay cho biết: Thông thường, cá song vua đực có từ 7 năm tuổi trở đi mới có thể lấy tinh để SX cá song lai F1. Cá song vua đực có kích cỡ lớn hàng tạ, trong khi cá song hổ cái chỉ khoảng 7-8 kg, lại khác nhau về đặc tính sinh sản nên muốn lai tạo, phải áp dụng biện pháp can thiệp bằng kích dục tố.
Mùa sinh sản của cá song thường từ tháng 8 đến tháng 10 hàng năm. Đến kỳ sinh sản, những con cá song vua bố được cáng lên bởi cáng chuyên dụng với 2 người lực lưỡng mới xuể, sau đó chúng sẽ được vuốt tinh trùng. Mỗi lần vuốt tinh, mỗi con có thể cho ra tới 300-350 ml tinh trùng. Con cá song mẹ là song vua dù chỉ nặng 7-8kg nhưng cũng có khả năng vuốt được tới hàng kilogam trứng.
Trại lưu giữ giống cá biển bố mẹ của Trung tâm QG GHSMB. Ảnh: Quỳnh Trang
Trứng và tinh trùng sẽ được trộn lẫn với nhau, sau đó đưa ra bể ươm với nhiệt độ phải đảm bảo từ 28-30 độ C, trong vòng 20-24h sau khi thụ tinh, trứng sẽ nở ra cá bột. Cá bột nuôi thêm khoảng 2 tháng sẽ trở thành cá song lai giống F1, có thể đưa ra ô lồng để nuôi thương phẩm.
Cá song lai F1 ra đời có sự hội tụ những đặc tính ưu việt của cả bố và mẹ của chúng: Vừa lớn nhanh, vừa có chất lượng thịt thơm ngon nên giá cũng khá cao. Song lai trung bình nuôi 2 năm có thể xuất bán với trọng lượng từ 2,5 đến 3 kg/con, giá dao động từ 200-220 nghìn đồng/kg, lại ít hao hụt và bị bệnh trong quá trình nuôi nên hệ số lợi nhuận có thể lên tới 40%. Với những ưu thế đó mà chỉ sau 3-4 năm có mặt, cá song lai được mở rộng rất nhanh ở hầu hết các vùng nuôi hải sản lồng bè khắp các tỉnh phía Bắc, nhất là các tỉnh ven biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình...
Tại vùng nuôi hải sản lồng bè tập trung ở đảo Cát Bà (Hải Phòng), cá song lai chỉ mới bung ra mạnh nhất trong 2 năm gần đây nhưng hiện đã chiếm cơ cấu tới 40-50% trong tổng đàn nuôi và ngày càng tăng mạnh.
Hiện nay tại Trung tâm QG GHSMB (xã Xuân Đám, huyện Cát Hải, TP Hải Phòng) đã có cơ sở vật chất để ươm cá song lai F1 với công suất cung cấp ra thị trường tại chỗ cho các lồng bè tại đảo Cát Bà, tuy nhiên sản lượng còn rất hạn chế, chỉ khoảng 6-7 vạn con giống/năm. Trước nhu cầu mở rộng nuôi cá song lai đang rất lớn, người dân đang phải mua giống từ Trung Quốc. Anh Nguyễn Đức Thạnh, chủ bè nuôi tại vịnh Lan Hạ (đảo Cát Bà) năm nay sở hữu hơn 3.000 con cá song 2 năm tuổi, chuẩn bị xuất bán vào dịp cuối năm nay cho biết: Nuôi song lai lãi lớn, nhưng nguồn giống tại chỗ đa phần vẫn phải dựa vào NK từ Trung Quốc do nguồn cung từ Trung tâm giống... còn rất hạn chế. |