Dân Việt

Thanh Hóa: Vì sao nông dân đòi chặt cây cao su, còn tỉnh muốn giữ?

Bùi Oanh 01/12/2017 06:00 GMT+7
Báo NTNN số ra ngày 30.11 phản ánh tình trạng rất nhiều người trồng cao su tại các huyện Ngọc Lặc, Như Thanh, Như Xuân, Thọ Xuân, Yên Định... (Thanh Hóa) chán nản chặt bỏ cây cao su vì thu lợi quá thấp, bất chấp chính quyền tuyên truyền phải “cố giữ bằng được”. Vấn đề đặt ra là tỉnh, huyện nơi đây ra lệnh “cấm” chặt bỏ cao su vì lý do gì?

“Chúng tôi đã có chỉ đạo cụ thể rồi”

Trong ngày 30.11, phóng viên NTNN đã liên hệ với ông Nguyễn Đức Quyền-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Quyền nghe máy. Sau khi nghe phóng viên trình bày nội dung muốn trao đổi, ông cho hay đang bận và đã chỉ đạo cấp dưới chuyển cho phóng viên văn bản liên quan tới quan điểm phát triển cây cao su trên địa bàn.

img

Người dân ở Thanh Hóa chặt cao su bất chấp “lệnh cấm” của chính quyền địa phương. Ảnh:  B.O

Cụ thể, theo văn bản mới nhất do trực tiếp ông Nguyễn Đức Quyền ký ngày 25.4.2017 nêu rõ thực trạng: Giai đoạn vừa qua do giá mủ cao su trên thế giới xuống thấp nên việc sản xuất cao su gặp khó khăn. Tuy nhiên, đây là loại cây lâu năm, chu kỳ khai thác dài vì vậy việc trồng cao su phải tiếp tục kiên trì, đầu tư và chăm sóc.

Văn bản do ông Quyền ký ghi rõ tỉnh “chỉ đạo các huyện trồng cao su tổ chức rà soát, đánh giá phân loại cụ thể từng vườn cao su để xây dựng kế hoạch, biện pháp chăm sóc, bảo vệ phù hợp”.

Theo đó, đối với diện tích hơn 7.000ha cao su trong thời kỳ kinh doanh, sinh trưởng tốt, đảm bảo mật độ, chất lượng thì tăng cường bảo vệ, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, tổ chức tốt việc khai thác theo đúng quy trình kỹ thuật để đảm bảo năng suất, sản lượng mủ. Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cũng chỉ đạo quản lý tốt các cơ sở chế biến, tiêu thụ mủ, nhất là vấn đề giá cả, hạn chế ép giá, ghim giá, tranh giành địa bàn, thị trường gây ảnh hưởng tới hiệu quả kinh tế của chủ hộ trồng cao su và việc mua bán phải thông qua hợp đồng kinh tế.

Với diện tích 8.000ha đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản thì tích cực đầu tư chăm sóc để cây sinh trưởng và phát triển, đánh giá lại từng vườn cây để có kế hoạch đưa vào khai thác, mở cạo đúng tuổi, đúng kỹ thuật. Có biện pháp quản lý chặt chẽ, tăng cường phối hợp quản lý giữa lực lượng kiểm lâm và chính quyền huyện, xã không để người dân tự ý khai thác tràn lan. Nghiên cứu các loại cây trồng, con nuôi để trồng xen, nuôi trong vườn cao su thêm thu nhập cho người trồng với phương “lấy ngắn nuôi dài”.

Đặc biệt, đối với diện tích cao su tiểu điền trồng theo các Chương trình 327, 661, dự án 773 và Quyết định số 1971/QĐ-UBND tỉnh Thanh Hóa, hiện sinh trưởng kém hoặc hết chu kỳ khai thác và diện tích cao su trồng mới theo quy hoạch tại Quyết định 700/QĐ-UBND ngày 9.3.2009 của chủ tịch UBND tỉnh này hiện trạng sinh trưởng kém, UBND tỉnh Thanh Hóa giao cho Sở NNPTNT, các sở, ngành liên quan và UBND các huyện trồng cao su rà soát xây dựng phương án thu hồi công nợ đã đầu tư, phương án khai thác và tái đầu tư trồng cao su. Riêng đối với diện tích trồng mới trong quy hoạch sinh trưởng kém phải đánh giá nguyên nhân, đề xuất phương án cụ thể chuyển đổi cây trồng khác…

Như vậy, rõ ràng, trong thời kỳ chờ đợi các sở, ban ngành tham mưu để tỉnh ra quyết định thì nhiều người trồng cao su tại các địa phương thuộc tỉnh Thanh Hóa đã không còn kiên nhẫn, cuộc sống quá khó khăn và quyết định chặt bỏ cây cao su để trồng cây khác hoặc phục vụ việc sản xuất kinh doanh khác.

Sở nói nên giữ để chờ… thời cơ (?)

Chiều 30.11, phóng viên Báo NTNN đã làm việc với ông Đỗ Văn Kỳ- Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NNPTNT Thanh Hóa. Ông Kỳ thông tin: Do tác động của cơ chế thị trường làm giá mủ cao su liên tục giảm sâu, có thời điểm hiệu quả kinh tế của cây cao su thấp hơn nhiều so với các loại cây trồng khác đã tác động đến tâm lý người trồng, chăm sóc cao su. Đó là một thực tế.

Ông Kỳ cũng thông tin, toàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 16.000ha cao su, trong đó, diện tích cao su tiểu điền là hơn 13.300ha. Diện tích cao su tiểu điền do các hộ dân quản lý là gần 11.000ha, Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa đã giao khoán cho các hộ dân quản lý là hơn 2.500ha.

“Tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển cao su. Loại cây này vừa được xem là cây lâm nghiệp vừa được xem là cây nông nghiệp, có thời gian khai thác lâu, gỗ cây cũng có giá trị. Thời gian trồng lâu mới cho khai thác, nếu người dân thấy giá thấp đã vội vàng chặt bỏ thì đến khi giá cao su tăng lại sẽ tiếc nuối. Chủ trương của tỉnh lâu nay là giữ diện tích để chờ thời cơ khi giá lên cao”- ông Kỳ cho biết.

“Chúng tôi không cấm người dân chặt nhưng đối với các diện tích cao su kém hiệu quả, các huyện trồng cao su và Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa phải xây dựng phương án thanh lý báo cáo, trình UBND tỉnh xem xét từng trường hợp chứ” - ông Kỳ nói thêm.

Năm 2011, huyện Thường Xuân (tỉnh Thanh Hóa) đưa cây cao su vào trồng. Trong 2 năm đầu, diện tích luôn vượt chỉ tiêu tỉnh giao. Kể từ năm 2013 đến nay, diện tích trồng cao su ở Thường Xuân không đạt kế hoạch. Năm 2014, tỉnh Thanh Hóa giao 350ha nhưng nhân dân trong huyện chỉ trồng được hơn 27ha và năm 2015, tỉnh giao 100ha nhưng toàn huyện không trồng được một cây nào. Nguyên nhân do thị trường “đóng băng”, giá mủ xuống đáy khiến người dân nghi ngại, không “dại” đầu tư.