Chưa kịp mừng, giá cà phê đã giảm mạnh
Giá cà phê hôm nay quay đầu giảm mạnh (ảnh minh hoạ)
Người trồng cà phê chưa kịp vui mừng sau 2 phiên tăng giá ngày cuối tháng vừa qua, giá cà phê hôm nay 1.12 đã quay đầu giảm mạnh, theo giá chung của thị trường thế giới. Với mức tăng từ 300 – 500 đồng, giá cà phê những ngày qua ở một số tỉnh Tây nguyên đã vượt ngưỡng 37.000 đồng/kg. Nhưng với tin tức thị trường thế giới, giá cà phê đã lại quay trở lại mức dưới 37.000 đồng/kg ở đầu tuần trước.
Giá cà phê quả tươi giảm nhẹ, ghi nhận hiện đang giao dịch quanh mức giá 7.300 – 7.600 đồng/kg.
Kết thúc phiên giao dịch, trên sàn ICE Europe – London, giá cà phê Robusta giảm mạnh trên tất cả các kì hạn. Kỳ hạn giao ngay tháng 1 giảm thêm 40 USD, xuống 1.726 USD/tấn, trong khi kỳ hạn giao tháng 3/2018 giảm thêm 35 USD, xuống 1.724 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5/2018 giảm thêm 33 USD, còn 1.736 USD/tấn, các mức giảm mạnh.
Trên sàn ICE US – New York, giá cà phê Arabica cũng giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 12 giảm mạnh 3,30 cent, còn 126,3 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3/2018 giảm thêm 3,70 cent, còn 128,5 cent/lb, các mức tăng nhẹ. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Giá tiêu thấp dưới mức 80.000 đông/kg, chủ tịch VPA lý giải
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch VPA cho biết, giá tiêu giảm trong thời gian qua và đứng ở mức giá thấp suốt từ đầu tháng 10 đến nay chủ yếu xuất phát từ 3 nguyên nhân chính: Sản lượng trong nước tăng cao, tác động từ thị trường thế giới và do Việt Nam chưa xây dựng được chuỗi sản xuất tiêu sạch.
Đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, giá tiêu hôm nay đạt trung bình 78.000 đồng/kg và từ nay cho tới năm 2018, giá tiêu sẽ khó tăng mạnh bởi nguồn cung vẫn rất dồi dào. Ảnh minh hoạ.
Trước đó, Bộ NN&PTNT ước tính sản lượng hồ tiêu vụ 2017 sẽ khoảng 215.000 tấn, cao nhất từ trước tới nay. Sản lượng tăng cao tới mức không thể kiểm soát được đang khiến sản xuất hồ tiêu của nước ta đi vào trạng thái không còn bền vững, giá tiêu hết rớt xuống đáy nọ tới đáy kia.
"Hiện giá tiêu nội địa đang ở mức trung bình 78.000 đồng/kg, như vậy là đã thấp hơn 1 nửa so với hồi đầu năm 2017, nhưng không ai dám chắc đây đã phải là giá thấp nhất hay chưa. Nguồn cung tăng cao, trong khi cầu tăng trưởng thấp thì việc hi vọng giá tăng cao trở lại như năm 2015 là không thể có. Đáng lo ngại là diện tích, sản lượng tiêu của Việt Nam cho tới năm 2018 vẫn sẽ tiếp tục tăng, vì vậy tất nhiên không thể hi vọng giá tăng cao trở lại được. Dù có nhiều yếu tố, nhưng cung - cầu vẫn là yếu tố số 1 làm ảnh hưởng tới giá tiêu toàn cầu" - ông Hải phân tích.
Trong khi đó, ông Hải cho biết, hiện nay Brazil cũng đang rất được mùa hồ tiêu, giá thành sản xuất tiêu tại nước này chỉ khoảng 2USD/kg, tức khoảng 45.000 đồng/kg. Nếu so với giá tiêu tại Việt Nam hiện nay (khoảng 78.000 đồng/kg) thì nông dân Brazil chỉ cần bán với giá 50.000 - 60.000 đồng/kg là đã lãi lớn. Thực tế cho thấy, hiện nay các nhà buôn hồ tiêu đang chuyển sang mua tiêu Brazil do lợi thế giá rẻ.
Bên cạnh đó, sản lượng của các nước trồng tiêu khác như Ấn Độ, Srilanka, Indonesia và cả Trung Quốc, Campuchia cũng khá dồi dào, chất lượng tốt. Do đó, bức tranh tiêu thụ hồ tiêu của Việt Nam thời gian tới sẽ khá ảm đạm.
Nông dân Tây Nguyên thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: TTXVN
Ông Hải cho biết, hiện nay, sản lượng tiêu Việt Nam xuất khẩu đã chiếm xấp xỉ 50% sản lượng hồ tiêu thế giới. Mặc dù ngành hồ tiêu Việt Nam vẫn có ảnh hưởng lớn tới Hiệp hội Gia vị châu Âu cũng như thị trường hồ tiêu quốc tế, tuy nhiên do diện tích trồng tiêu được trồng ồ ạt, vượt xa so với quy hoạch đã kéo theo nhiều hệ lụy, làm vị thế của ngành hồ tiêu Việt Nam trên thị trường thế giới bị cạnh tranh gay gắt.
"Năm 2015, diện tích trồng mới hồ tiêu tăng mạnh nhất, sau khoảng 3 năm cây tiêu được thu hoạch, do đó đến năm 2018, sản lượng tiêu dự báo sẽ tăng cao. Dù một số diện tích bị ảnh hưởng bởi mưa bão, dịch bệnh chết hàng loạt, nhưng chỉ bị thiệt hại ở diện cục bộ chứ không làm sụt giảm sản lượng tiêu của cả nước" - ông Hải cho hay.
Thực tế là những năm gần đây, trên cây hồ tiêu đã xuất hiện nhiều loại bệnh khó chữa như chết nhanh, chết chậm, bệnh tuyến trùng hại rễ do nông dân canh tác không đúng yêu cầu kỹ thuật và lạm dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng...
Đây cũng là nguyên nhân khiến chất lượng hồ tiêu Việt Nam không thể sánh được với hồ tiêu Ấn Độ, tiêu Campuchia, dẫn tới đầu ra sản phẩm bấp bênh, các doanh nghiệp phải rất chật vật mới đưa được 203.000 tấn tiêu đi xuất khẩu, đạt kim ngạch 1,06 tỷ USD (tăng 20,1% về khối lượng nhưng giảm 21,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016 - theo Bộ NN&PTNT).
Theo dữ liệu của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), giá hồ tiêu trong nước bắt đầu có xu hướng sụt giảm vào năm 2016 khi diện tích trồng hồ tiêu có dấu hiệu tăng trưởng “nóng”. Giữa tháng 3/2016 giá tiêu đen xô xuống chỉ còn 130.000 đồng/kg, sau đó tăng lên 180.000 đồng/kg vào tháng 5. Tuy nhiên, từ tháng 8 đến cuối năm 2016, giá hồ tiêu luôn xu hướng giảm và có dấu hiệu khó phục hồi được như năm 2015. Đến đầu năm 2017, giá tiêu vẫn còn ở mức 128.000-135.000 đồng/kg và đến tháng 4.2017 thì giá tiêu đã giảm xuống dưới 100.000 đồng/kg. Ghi nhận từ một số đại lý thu mua, doanh nghiệp kinh doanh hồ tiêu cho thấy, giá hồ tiêu trong nước từ hồi giữa năm 2017 đến nay liên tục sụt giảm mạnh, hiện dao động từ 76.000-78.000 đồng/kg, tùy từng khu vực. Nếu so với cùng kỳ năm 2016, giá tiêu hiện đã sụt giảm tới hơn 50%. Đây là mức giảm kỷ lục của ngành hồ tiêu trong vòng 5-6 năm trở lại đây. |