Được mọi người giới thiệu, chúng tôi tìm gặp anh Lê Quang Ngọc, trú tại khóm 2, thị trấn Bến Quan – một trong những chủ trang trại lợn rừng lớn nhất huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.
Nói về nghề nuôi lợn rừng, anh Ngọc kể mình sinh ra và lớn lên ở Vĩnh Linh, từ năm 1994, anh Ngọc vào tỉnh Gia Lai trồng cà phê, phát triển kinh tế. Sau 15 năm ở Tây Nguyên, anh Ngọc đã có một cơ ngơi khá giả khi sở hữu hơn 2 ha cà phê. Tuy vậy, anh Ngọc cho hay, anh vẫn canh cánh trong lòng về ước mơ làm giàu trên quê hương.
Nuôi đàn lợn rừng 300 con, anh Lê Quang Ngọc, thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị cho biết vất vả nhất là cả ngày quần quật cắt cỏ mới đủ cho chúng ăn.
Năm 2009, anh Ngọc quyết định bán số diện tích cà phê đang có, đưa vợ con về Bến Quan sinh sống. Lúc đầu, gia đình anh Ngọc cũng khá lúng túng khi không biết trồng cây gì, nuôi con gì để mang lại thu nhập ổn định. Nhớ lại thời gian ở Gia Lai, anh Ngọc rất quan tâm đến mô hình nuôi lợn rừng của người dân nơi đây và nhận thấy có thể áp dụng với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Bến Quan. Nghĩ là làm, anh mày mò, học hỏi kinh nghiệm qua sách báo, tivi, internet và trở vào Gia Lai xin ở tại trang trại để vừa làm vừa học hỏi quy trình nuôi loài vật vốn rất hoang dã này.
Khi đã nắm bắt được cách nuôi lợn rừng, anh mạnh dạn đem số tiền bán diện tích cà phê, vay mượn thêm đầu tư xây chuồng trại, mua lợn rừng giống về thả.
“Tôi vẫn nhớ rõ lúc đó cầm 30 triệu đồng vào Đà Nẵng mua lợn giống với giá 275 nghìn đồng/kg, tất thảy được 9 con về nuôi nhưng do lúc đầu chưa biết cách chăm sóc cũng như do chưa thích ứng với thời tiết vốn khắc nghiệt ở Quảng Trị nên chết mất 5 con, chỉ còn lại 3 con lợn nái, 1 con lợn đực. Lúc đó, vợ chồng tôi rất hoang mang” anh Ngọc kể lại. Quyết không nản chí, anh Ngọc bắt tay gây dựng đàn lợn rừng từ những con giống còn lại.
“Khó khăn nhất đối với tôi là nguồn thức ăn cho đàn lợn khi không chủ động được. Tôi và vợ phải quần quật cắt 3 tạ cỏ mỗi ngày mới đủ cho lợn ăn. Sau đó, tôi còn phải mở thêm nhà máy xay xát, tận dụng nguồn cám gạo làm thức ăn, vỏ trấu bỏ vào chuồng mới phần nào giải quyết được nguồn thức ăn cho đàn lợn rừng. Còn về bệnh tật, tôi kiên quyết phòng ngừa, không để xảy ra bệnh dịch trên đàn lợn. Nhớ có lúc, vợ tôi không biết, mua thịt lợn ở chợ về, đem theo nguồn dịch làm chết 7 con. May mắn thay, tôi kịp thời tìm đến thú y, mua lọ thuốc nước ngoài sản xuất hơn 1 triệu đồng về tiêm mới dập được. Từ đó, gia đình tôi không dùng thịt lợn chợ nữa mà tự cung thịt từ đàn lợn rừng luôn...” anh Ngọc chia sẻ.
Hiện nay, đàn lợn rừng của anh Lê Quang Ngọc đã lên đến 300 con, trong đó có 20 con lợn mẹ sinh sản với diện tích trang trại hơn 2.000m2 và 4.000m2 trồng cỏ làm thức ăn cho lợn rừng. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình anh Ngọc lãi gần 250 triệu đồng từ trang trại lợn rừng.
Không chỉ dừng lại ở phát triển kinh tế gia đình, anh còn nhiệt tình hướng dẫn người dân tới tìm hiểu, hỗ trợ mua con giống về nuôi. Rất nhiều người từ trong huyện Vĩnh Linh cũng như các huyện khác tới tham quan, học hỏi và đánh giá rất cao mô hình chăn nuôi của anh Ngọc...