Dân Việt

BOT Cai Lậy: Nhường dân chỉ được chứ không mất!

Trần Ngọc Lam Giang 02/12/2017 11:43 GMT+7
Bộ Giao thông Vận tải cố tình không hiểu hay những người có trách nhiệm phớt lờ đi: Mấu chốt của vấn đề - căn nguyên của mọi mâu thuẫn giữa người dân với chủ đầu tư BOT Cai Lậy: Xây đường ở một nơi, đặt trạm ở một nẻo mà như thế người dân không phục.

Rạng sáng ngày 2.12, BOT Cai Lậy quyết mở trạm trở lại sau khi chủ đầu tư đã chuẩn bị đủ 1.500 tờ tiền mệnh giá 100 đồng để đối phó.

Nỗ lực này càng được thể hiện rõ qua ý chí của Bộ Giao thông Vận tải khi trong cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ, Thứ trưởng Bộ này Nguyễn Nhật khẳng định “Tiếp tục tuyên truyền cho dân hiểu” để… vẫn thu phí!

Lãnh đạo Bộ này cũng khẳng định “đang phối hợp với Bộ Công an, địa phương và các cơ quan liên quan tổ chức việc thu giá tại trạm để hoàn vốn cho dự án và có biện pháp để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông.Xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng để gây rối an ninh, trật tự tại các trạm thu phí dịch vụ”. 

Trong ngày hôm qua, Bộ này cũng đã phát đi thông tin báo chí về tình hình thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm thu phí BOT Cai Lậy.

Nội dung giải thích thì dài nhưng chung quy lại, Bộ này dẫn chứng, phân tích về “hiệu quả tài chính” của hai phương án: Đặt trạm thu phí trên đường Quốc lộ (như hiện tại) và Đặt trạm thu phí trên đường tránh (như đang lý phải làm).

Qua đó, khẳng định việc đặt trạm BOT Cai Lậy như vị trí hiện tại “không sai” nên đương nhiên không đời nào có chuyện di dời trạm này đúng như quan điểm nhất quán của Bộ này từ đầu tới giờ.

img

Vị trí đặt trạm BOT Cai Lậy. Ảnh chụp màn hình Maps

Với sự hỗ trợ của lực lượng chức năng hùng hậu, nhiều tài xế được cho là “quá khích” ngay lập tức bị thu giữ giấy tờ, triệu tập lên công an.

Tôi không hiểu Bộ Giao thông Vận tải cố tình không hiểu hay những người có trách nhiệm phớt lờ đi: Mấu chốt của vấn đề - căn nguyên của mọi mâu thuẫn giữa người dân với chủ đầu tư BOT Cai Lậy: Chủ đầu tư xây đường ở một nơi, đặt trạm ở một nẻo để thu phí và như thế họ không phục.

img

Trạm BOT Cai Lậy trên thực tế.

Nó tương tự kiểu: Tôi bỏ tiền quét lại vôi ve cái chợ thôn nên tôi có quyền lập barie thu phí chợ xã vậy.

Điều buồn, thay vì nhìn vào thực tế này để giải quyết, đặt mình vào vị trí nhân dân, những người có trách nhiệm vẫn khư khư một mực giữ nguyên quan điểm kiểu “đây đúng, kia sai” đừng hòng có chuyện di dời, nhân nhượng.

Lịch sử ghi nhận không mấy trường hợp biết nhường dân.

Câu chuyện cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn từng kể lúc ông còn sống gợi cho ta nhiều điều.

Khi ông còn là Phó Chủ tịch Hà Nội giữa những năm 80 đã xảy ra vụ Song Phương (Hoài Đức), mâu thuẫn đến mức các bên đã dàn trận soạn sửa đánh nhau. Đỉnh điểm, Quân khu Thủ đô định đưa xe bọc thép vây làng nhưng ông Tạn can.

Ông Phạm Chuyên lúc đó mới là Phó Giám đốc Công an Hà Nội khi đi cùng ông vào đối thoại với dân còn hỏi: “Em mang súng theo không?” thì ông Tạn bảo “Bỏ súng đi. Vào với dân đừng mang súng”.

img

Lực lượng cảnh sát cơ động tăng cường xuống BOT Cai Lậy. Ảnh: VNE

Hay vụ ở xã Thái Nguyên (Thái Thụy, Thái Bình), thời điểm ông Tạn xuống thì cũng sắp xảy ra bạo lực. Lãnh đạo chính quyền sở tại bảo: “Chúng em chuẩn bị súng ống đầy đủ, sẵn sàng rồi, chiến đấu thôi”.

Ông Tạn từ tốn: Đất nước này đã mất mát, đau thương, qua mấy cuộc chiến tranh đổ máu rồi, các đồng chí vẫn muốn đổ máu ư? Làm gì có thù nào với nhân dân. Về với dân bỏ hết súng ống đi.

Ông Tạn cho biết, về sau điều tra, tìm hiểu nguyên nhân mới biết chính quyền ở đó sai to, cậy quyền, áp đặt!

Qua những sự việc căng thẳng trên mới thấy, trong mọi tranh chấp, bên yếu thế thường là dân. Biết đặt mình vào vị trí của dân không dễ.

BOT Cai Lậy hay bất cứ BOT nào khác: Cầu Bến Thuỷ; BOT Cầu Rác (Hà Tĩnh); BOT Quán Hàu (Quảng Bình); BOT Hùng Thắng (Phú Thọ); BOT (Phú Lương, Thái Nguyên)... nếu ngay từ đầu tuân thủ một nguyên tắc hợp nhẽ: Xây ở đâu đặt trạm ở đó mà thu thì đã không có chuyện phát sinh mâu thuẫn, dây dưa, kéo dài.

Đành rằng, bài toán kinh tế luôn chất chứa, phát sinh mâu thuẫn lợi ích nhưng những ai đặt lợi ích tư nhân, cá nhân lên trên lợi ích chung thì sẽ gây phản ứng.

Xin nhớ: Nhường dân chỉ có lợi!