Dân Việt

Báo Nhật tiết lộ kế hoạch đánh chìm tàu chiến Trung Quốc

21/01/2013 16:46 GMT+7
Dân Việt - Quân đội Nhật Bản đã sẵn sàng cho kế hoạch phối hợp với không quân Mỹ đánh chìm tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc trong trường hợp xảy ra đụng độ quân sự trên Biển Hoa Đông.

Báo Sankei Shimbun của Nhật Bản tiết lộ thông tin trên.

Tiết lộ gây sốc này cũng được tờ Want Daily của Đài Loan đăng tải lại ngày 20.1.

Kịch bản chiến lược được vạch ra đó là Nhật Bản cùng với sự trợ giúp của không quân Mỹ, sẽ sử dụng các chiến đấu cơ F-15 oanh tạc tàu sân bay Liêu Ninh. Sau khi vô hiệu hóa được tàu sân bay duy nhất của quân đội Trung Quốc, Nhật sẽ triển khai chiến đấu cơ F-2 để tấn công các tàu chiến cỡ lớn của hải quân đối phương.

Hiện Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) có trong tay lực lượng chiến đấu cơ thế hệ 4 đông đảo hơn Nhật.

img
Liêu Ninh- Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc. Ảnh Tân Hoa xã

Theo nhà phân tích quân sự Trung Quốc Chen Guangwen, nếu không có sự yểm trợ tích cực bằng đường không, tàu sân bay và các tàu chiến tấn công lưỡng dụng của PLA sẽ trở thành “những con vịt nằm một chỗ” cho các chiến đấu cơ của Mỹ và Nhật. Ông Chen nhấn mạnh, nếu Nhật muốn có cơ hội chiến thắng trong cuộc chiến với Trung Quốc, thì rất cần thiết phải có sự hỗ trợ của quân đội Mỹ.

Hiện chưa rõ phản ứng của Bắc Kinh trước thông tin báo chí này. Tuy nhiên tờ PLA Daily, cơ quan ngôn luận của quân đội Trung Quốc, cùng ngày đã đăng bài báo kêu gọi các binh sĩ nước này xốc lại tinh thần để sẵn sàng cho chiến tranh ngay khi có lệnh.

Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản (JCG) cho biết, ngày 21.1, ba tàu hải giám của Trung Quốc đã đi vào vùng lãnh hải gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.Theo Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản, ba tàu này đã đi vào khu 11 tại Naha, tỉnh Okinawa lúc 7 giờ (giờ địa phương).

Cũng trong ngày 20.1, Tân Hoa xã cũng dẫn lời Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Hứa Kỳ Lượng tuyên bố sẽ thành lập lực lượng binh sĩ tinh nhuệ để bảo vệ chủ quyền khi cần thiết. Cam kết này được đưa ra trong chuyến đi thực tế của ông Hứa Kỳ Lượng tại thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam và Thanh Đảo ở tỉnh Sơn Đông.

Trước đó, trong bài viết đăng trên tờ The Sydney Morning Herald giáo sư Hugh White, một nhà nghiên cứu chiến lược của Đại học Quốc gia Australia từng nhận định, Nhật Bản, Mỹ và Trung Quốc- ba nước dính líu tới cuộc chiến tranh có thể xảy ra, không nước nào có thể nhượng bộ vì làm như vậy sẽ mang lại những hệ quả nghiêm trọng cho thế lực và địa vị của mình.

Đối với Nhật Bản, việc nhượng bộ trước áp lực của Trung Quốc sẽ đồng nghĩa với việc thừa nhận quyền chèn ép của Trung Quốc và chấp nhận một sự thật là Washington không thể giúp cho Tokyo. Đối với Mỹ, việc không hỗ trợ cho Tokyo không những sẽ phá hủy mối quan hệ đồng minh với Nhật Bản mà còn đồng nghĩa với việc thừa nhận rằng Mỹ không còn là một cường quốc hàng đầu ở Á châu và chiến lược “trục xoáy” Á châu chỉ là một hành vi làm dáng. Còn đối với Trung Quốc, việc lùi bước trong vụ tranh chấp đảo Điếu Ngư sẽ chứng tỏ là Mỹ tiếp tục nắm giữa vị thế bá chủ ở Á châu Thái bình dương.

Ông Hugh cho rằng Trung Quốc và Nhật Bản cùng với đồng minh của Nhật là Mỹ đang lâm vào một thế kẹt có thể đưa tới một cuộc chiến tranh ở châu Á mà không bên nào muốn có.