Người Jrai ở huyện Phú Thiện (Gia Lai) có rất nhiều lễ cúng như: lễ bỏ mả, lễ cầu mưa, lễ cúng cơm mới, lễ Lih… Lễ Lih ở huyện Phú Thiện vùng đất đã từng được các vị Pơtao Apui (Vua lửa) chọn đóng đô và có truyền thuyết về thanh gươm thần có thể gọi mưa trong lễ cầu mưa.
Tôi đã may mắn tham gia lễ Lih tại nhà của anh Nay Kông, làng Kláh, thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện. Gia Lai đang vào mùa khô, mùi đất hòa quyện mùi cỏ khô tạo thành một vị đặc trưng xộc vào cánh mũi, khiến cho người ta cảm giác lâng lâng, khó tả.
Hai bên đường những bông hoa dã quì vàng rực rung rinh trong gió như vẫy chào người qua. Và cứ thế, chúng tôi đi….
Trong những ngày này nhà Nay Kông không ai lên rẫy, họ ở nhà đang chuẩn bị đồ lễ và chờ người anh em thân mến-Nay Kỳ Hiệp đến nhà để làm lễ cúng tạ ơn, cúng sức khỏe cho ông. Gặp nhau với những cái bắt tay xiết chặt, những cái ôm nồng ấm, chủ nhà hồ hởi mời lên nhà sàn.
Ông Nay Kông cho biết: “Lih là một lễ cúng có từ lâu đời của người dân nơi đây. Lễ Lih được tổ chức để tạ ơn Giàng, trời đất đã cho họ một mùa màng bội thu, hay tạ ơn công lao của cha mẹ đã sinh thành nuôi dưỡng, hoặc những người có ân nghĩa với gia đình. Lễ Lih cũng được tổ chức để cầu sức khỏe, may mắn cho một hoặc những người thân trong gia đình, buôn làng tránh khỏi bệnh tật, tai ương…
Trong lễ này, gia đình tổ chức lễ sẽ làm thịt một con gà để cúng Yàng, thần Lửa Pơtao; một con heo để cúng cho người được tạ ơn, được cầu sức khỏe, một con bò để mời họ hàng cùng đến ăn uống, sau đó chia thịt cho mỗi người đến dự lễ mang về. Tùy theo kinh tế của gia đình mà đập heo, bò to hoặc nhỏ, riêng gà cúng thì phải là loại gà nhỏ. Khác với các lễ khác như bỏ mả, cầu mưa… cả làng cùng góp của để làm thì lễ Lih chỉ làm theo từng hộ gia đình”.
Nhiều thầy cúng Kros Gút tiến đến đứng cạnh hai con vật và nói bằng tiếng Jrai ông Nay Kỳ Hiệp giải thích: “trước khi giết thịt con vật, thầy cúng nói cho con vật biết, hôm nay Nay Kông làm lễ Lih nên phải giết thịt chúng để cúng Yang (trời) và sau khi chết, chúng đừng oán trách chủ nhà mà hãy đầu thai sang kiếp khác”. Thầy cúng “nói chuyện” xong với hai con vật. Một người thanh niên khỏe mạnh cầm một khúc gỗ to đập thẳng vào giữa đầu hai con vật, theo trình tự đập heo trước, đập bò sau, đập cho đến khi hai con vật chết mới thôi (vì dùng gậy đập cho nên lễ này còn gọi là lễ đập bò).
Tiếp đến, thầy cúng lấy một con dao có mũi nhọn đâm vào bên hông hai con vật, khi máu chảy ra lấy lá cây nhét vào lỗ đã đâm, mục đích không để máu chảy ra ngoài nhiều. Đám thợ nhanh chóng khiêng hai con vật lên bếp lửa để thui.
Thầy cúng bắt đầu cúng, đầu tiên là cúng cho Yang và Pơtao Apui. Thầy ngồi chậm rãi rót rượu ra cái chén rồi khấn, đại ý là: “Hỡi Yang, hỡi Pơtao Apui, hôm nay nhà Nay Kông làm lễ Lih cúng sức khỏe cho Nay Kỳ Hiệp mời Yang về ăn con gà, uống rượu. Các thần hãy chứng kiến, nếu có sai trái hãy bỏ qua đừng bắt tội, không được cãi cọ…”. Khấn xong thầy cúng ngồi nói chuyện, ăn thịt gà và uống rượu với các thần. Tiếp theo là phần cúng chính của lễ Lih, thầy cúng bê một chén heo gồm có phần thịt đầu thái nhỏ, gan, tim… đặt ở ghè bên cạnh, cho gọi ông Nay Kỳ Hiệp đến ngồi bên cạnh chân đặt lên cái lưỡi rìu có một sợi bông gòn.
Theo quan niệm của người Jrai, cái rìu là biểu tượng cho sức mạnh của người đàn ông. Sợi bông làm cho tâm hồn con người được nhẹ nhàng, thanh thoát. Chủ nhà đến ngồi bên cạnh thầy cúng và người được cúng tạ ơn. Thầy cúng sẽ rót rượu cần từ chiếc ghè lớn nhất lên chân ông Nay Kỳ Hiệp và khấn: “Hỡi Yang, hỡi Pơtao Apui hãy xua đuổi tà ma và ban sức khỏe cho Nay Kỳ Hiệp, cho sống lâu, sống khỏe….”. Lời khấn đã xong, thầy cúng đeo một vòng bằng đồng vào tay Nay Kỳ Hiệp.
Ông Nay Kông rót nước vào ghè mời thầy cúng và Nay Kỳ Hiệp uống hết một căng rượu, rồi ông Hiệp lại rót lại mời ông Kông uống một căng để cám ơn đã làm lễ cúng cho mình. Nghi lễ kết thúc, mọi người cùng uống rượu, ăn thịt heo, bò và nói chuyện vui vẻ. Chúng tôi cùng hòa chung với mọi người trong những căng rượu.