Dân Việt

Cà phê chín đỏ rực, chủ vườn “nháo nhác” tìm người hái

Hiền Trần 05/12/2017 19:00 GMT+7
Niên vụ cà phê 2017 – 2018 ở Tây Nguyên đang bước vào đợt thu hoạch cao điểm, nhiều chủ vườn “đỏ mắt” mới tìm được nhân công thu hái, đến nay lại lo lắng vì nhiều lao động dắt nhau bỏ về quê giữa chừng. Chưa kể việc chậm thu hoạch còn khiến nạn trộm cắp gia tăng, đồng thời ảnh hưởng đến năng suất vụ sau.

Hàng năm, cứ bước vào đợt cao điểm thu hoạch cà phê, nhiều lao động từ các tỉnh đồng bằng, miền biển lại kéo lên Tây Nguyên để nhận khoán hái cà phê. Nhưng năm nay, nhiều người vừa hái được mấy hôm thì đã phải bỏ về giữa chừng vì hàng loạt lý do như đau ốm, vướng việc gia đình, nhà cửa hư hỏng do mưa bão phải về sửa chữa… Họ để lại những vườn cà phê chín đỏ rực, khiến nhiều chủ vườn thấp thỏm lo ấu vì sợ trộm “ghé thăm”, sợ năng suất giảm, sợ giá tụt xuống từng ngày.

img

Nhiều chủ vườn ở Ia Bă đang tất bật tận dụng những nhân công còn lại để thu hoạch xong vụ cà phê. Ảnh: T.H

Nhân công bỏ về, chủ vườn lao đao

Có một thực tế là năm nay mùa mưa Tây Nguyên kéo dài bất thường, đến đầu tháng 12 vẫn chưa kết thúc, lại thêm cái rét mùa đông. Nhiều lao động từ các tỉnh miền Trung không quen với thời tiết lạnh nên thường xuyên bị ốm, rồi bỏ về giữa chừng.

hị Đinh Thị Nhinh (26 tuổi, quê Quảng Ngãi), đang hái cà phê thuê ở huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, cho biết: “Vợ chồng em lên đây hái cà phê thuê đã được hơn nửa tháng. vì lần đầu tiên vào đây nên không quen thời tiết, cứ ốm đau suốt, lại nhớ con nhỏ ở quê nên buồn lắm. Đã vậy điều kiện sinh hoạt lại thiếu thốn, ăn uống không được đầy đủ, nơi ngủ cũng tạm bợ. Nhiều gia đình đi cùng tụi em đã bỏ về gần hết... Mấy lần em cũng định về rồi, nhưng hai vợ chồng mới cưới, gặp nhiều khó khăn, nên ráng ở lại kiếm thêm thu nhập”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa số những nhân công hái cà phê thuê ở địa bàn Gia Lai đều đến từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị... Đây là những địa phương gánh chịu hậu quả nặng nề bởi cơn bão số 12 vừa qua nên bà con khăn gói vào Tây Nguyên nhận hái khoán cà phê kiếm thêm thu nhập.

img

Nơi sinh hoạt tạm bợ của các nhân công hái cà phê thuê tại Gia Lai. Ảnh: Hiền Trần

Vì phải vào rẫy cà phê ở lại nên điều kiện sinh hoạt của những lao động này gặp nhiều khó khăn. Nơi ăn uống, ngủ nghỉ chỉ là căn lều chật chội, hoặc khá hơn là căn nhà nhỏ, hơn chục người chen chúc nhau ngủ tạm.

Là một trong những người hái cà phê thuê tại xã Ia Bă (huyện Ia Grai), ông Đinh Xuân Hội (37 tuổi, quê ở Quảng Ngãi) cho biết, năm nào vợ chồng ông cũng vào Gia Lai hái cà phê nhưng năm nay thời tiết không thuận, dầm mưa suốt ngày nên đau ốm liên tục.

“Trung bình mỗi mùa cà phê vợ chồng tôi cũng kiếm được mấy chục triệu, còn năm nay chắc chỉ được hơn chục triệu vì nhiều ngày mưa phải nghỉ làm, lại thêm chi phí ăn ở, thuốc men nên đang tính về quê luôn” – ông Hội nói.

Theo ông Vương Đình Danh (51 tuổi, xã Ia Bă, huyện Ia Grai), đầu vụ thu hoạch gia đình ông thuê được 11 người ở Quảng Ngãi vào hái, nhưng đúng thời điểm Quảng Ngãi mưa nhiều, bão lũ khiến nhiều nhà bị cuốn trôi nên họ bỏ việc về quê dựng lại nhà cửa. Ông Danh chỉ biết chờ đợi trong lo lắng vì không thể thuê được người mới, cà phê thì chín đỏ vườn, một số vườn còn bị mất cắp. Hơn một tuần sau họ cũng vào hái trở lại, nhưng chỉ được gần 2 tuần một số người lại bỏ về vì đau ốm khiến việc thu hoạch của ông Danh gặp nhiều khó khăn.

img

Những người làm nghề hái cà phê thuê thường phải lao động rất vất vả. Ảnh: Hiền Trần

“Hiện tại nhà tôi còn hơn 2ha cà phê nữa, đồng loạt chín đỏ cây nhưng chỉ có vài người hái, họ mà về nữa thì không biết làm sao đây” - ông Danh chia sẻ.

Trộm cắp hoành hành

Việc khan hiếm nhân công thu hái còn khiến nhiều chủ vườn bất an vì nạn trộm cắp cà phê xảy ra khá phức tạp. Ông Đào Văn Lục (48 tuổi, thôn Tân Lập, xã Ia Sao, huyện Ia Grai) cho biết: “Tôi đã huy động toàn bộ người nhà nhưng vẫn không hái kịp, vừa rồi bị mất trộm gần 1 tấn cà phê tươi. Không chỉ hái quả, bọn trộm còn làm tan nát cả vườn”.

Cũng vì không có người hái, cà phê lại đồng loạt chín nên vườn nhà bà Lê Thị Thu (ở xã Ia Bă, huyện Ia Grai) vừa bị mất trộm hơn 1 tấn quả. “Mấy ngày nay tôi chạy ngược chạy xuôi mà vẫn chưa thuê được người, nhìn hàng chục cây cà phê bị trộm tàn phá mà xót xa” - bà Thu lo lắng nói.

Nhẩm tính với chúng tôi, bà Trần Thị Minh (xã Ia Tô, huyện Ia Grai) cho biết: “Trung bình mỗi ha cà phê cần 6 - 7 nhân công thu hái, nhà tôi có 5ha cà phê, cần có ít nhất 30 người thu hái mới kịp. Giờ cà phê chín đỏ cây nhưng mới thuê được vài người, một số người lại bỏ về giữa chừng. Tôi lo nhất là không thu hái kịp, cà phê chín quá trên cây sẽ ảnh hưởng đến năng suất vụ sau”.

 Theo tìm hiểu của phóng viên, do khan hiếm nên giá thuê nhân công đã bị đẩy lên cao, trung bình từ 180.000 – 250.000 đồng/công tùy địa bàn. Trong khu vực đã hình thành một đội ngũ “cò” lao động đòi chi phí môi giới cao, làm khó người trồng cà phê. Mặt khác, việc thuê khoán sản phẩm với giá cao cũng khiến một số người hái nhanh, hái ẩu làm cây cà phê bị gãy cành, ảnh hưởng đến năng suất vụ sau.

Ngoài ra, để tranh thủ nhân công và thời tiết, nhiều chủ vườn còn cho tuốt luôn quả xanh non, làm giảm năng suất và chất lượng cà phê.