Dân Việt

Nằm trên vựa lúa, nhà nông miền Tây “mơ” về chiếc... máy cấy lúa

Thuận Hải 05/12/2017 06:05 GMT+7
Nếu 10 năm trước, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp và có kho chứa, kho sấy lúa… là “chuyện lớn” của ngành lúa gạo, thì nay ước mơ của ngành nông nghiệp là nông dân ĐBSCL sẽ được cấy lúa bằng máy.

TS Bùi Bá Bổng – nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT, chuyên gia tư vấn của FAO tại Việt Nam, cho rằng, nếu cơ giới hóa được công đoạn cấy lúa, ĐBSCL sẽ không chỉ tiết kiệm được công lao động mà còn giải quyết nhiều vấn đề như giảm lượng giống, tăng chất lượng mạ, giảm thất thoát…

Máy cấy thay người

Đồng Tháp được xem là tỉnh có diện tích áp dụng cơ giới hóa trong khâu gieo, sạ, cấy lúa lớn nhất khu vực ĐBSCL. Tỉnh này hiện có hơn 11.000 công cụ gieo sạ hàng, máy phun sạ và máy cấy lúa, có 80% diện tích gieo sạ lúa hoặc cấy bằng máy.

img

Nông dân sử dụng máy cấy lúa làm vụ hè thu 2017 tại ĐBSCL.  Ảnh: T.H

Vụ hè thu vừa qua, ông Nguyễn Văn Thọ (huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) sử dụng dịch vụ máy cấy lúa trên gần 2ha ruộng của gia đình. Chỉ sau một ngày, mọi việc “đâu vào đấy”, ruộng lúa thẳng hàng, đều tăm tắp khiến ông thấy thoải mái hơn. Còn về lợi ích, nếu như trước đây, mỗi vụ sạ tay, ông Thọ tốn xấp xỉ 150 – 160kg lúa giống cho mỗi ha, thì nay máy cấy lúa chỉ sử dụng khoảng 60 – 70kg lúa giống. Như vậy, vừa tiết kiệm chi phí, vừa đảm bảo kỹ thuật sạ thưa, “1 phải 5 giảm” do ngành trồng trọt khuyến cáo.

img

“Chưa kể lúa cấy đều tăm tắp nên sẽ không phải vất vả giặm lúa, công chăm sóc cũng dễ hơn, dễ phát hiện sâu bệnh. Mạ cấy cũng đẹp hơn, khỏe hơn vì được gieo và chăm sóc riêng”- ông Thọ chia sẻ.

Không chỉ tại Đồng Tháp, vụ hè thu 2017 vừa qua tỉnh Kiên Giang cũng đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là khâu cấy lúa. Ông Phù Khí Nguyên- Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang, cho biết đơn vị này vừa phối hợp Công ty TNHH Máy nông nghiệp Yanmar Việt Nam để đưa máy cấy lúa vào hoạt động ở các huyện Giồng Riềng, Gò Quao, Tân Hiệp, Hòn Đất...

Theo đánh giá ban đầu, việc cấy lúa bằng máy giúp giảm chi phí sản xuất, giải quyết tình trạng thiếu lao động khi vào cao điểm mùa vụ và tăng hiệu quả canh tác cho nông dân.

 “Nếu cấy lúa bằng máy, nông dân có thời gian chuẩn bị đất chu đáo hơn, từ 10 - 15 ngày trong thời gian làm mạ. Bên cạnh đó còn kiểm soát được cỏ dại, ốc bươu vàng, cây lúa khỏe hơn, cứng cáp hơn nên ít bị đổ ngã, đồng thời, tiết kiệm phân bón, thuận tiện thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp…” - ông Nguyên cho biết.

Giải quyết nhiều vấn đề

Không chỉ giải phóng sức lao động, cơ giới hóa trong gieo cấy còn giúp giải quyết các vấn đề như giảm lượng giống, phân bón, giúp tận dụng nguồn rơm… Dẫu vậy, công tác này vẫn còn đang rất hạn chế, chưa được đầu tư đúng mức.

Đầu tư vào cơ khí nông nghiệp là điều cần thiết, lợi nhuận ở mảng này cũng khá, chính công ty chúng tôi cũng có thể tăng 20 - 25% lợi nhuận mỗi năm. Trước đây, máy gặt đập liên hợp thành công vì các doanh nghiệp nước ngoài có khả năng chế tạo máy của họ tốt, thay thế kỹ thuật của nông dân. Nếu không nội địa cơ giới hóa phần máy cấy thì sẽ rơi vào tay nước ngoài”.

Ông Nguyễn Thể Hà

Ông Nguyễn Thể Hà – cố vấn Công ty Cơ khí nông nghiệp Bùi Văn Ngọ (Long An), thẳng thắn: Chỉ cần làm tốt khâu cơ giới hóa, giảm thất thoát sau thu hoạch, nông nghiệp Việt Nam có đủ nội lực để cạnh tranh với các đối thủ khác trên thế giới.

Cụ thể, chỉ riêng khâu cấy lúa, nếu được làm tốt sẽ đem về thêm cho nông dân một nguồn thu lớn từ rơm rạ và tiền tiết kiệm chi phí đầu tư. Như với rơm, nếu thay sạ bằng máy cấy, nông dân có 15 ngày để chuẩn bị đất và thu rơm trước khi cấy vụ mới.

Ông Hà cho biết, hiện rơm bỏ ngoài đồng chưa thu gom thì có giá 800 đồng/kg, nếu cuộn thành cuộn, 12kg/cuộn thì có giá 2.000 đồng/kg, ép 10 cuộn thành 1 bánh thì giá tăng thêm 500 đồng/kg. Mua xong đánh tơi ra thì có giá 3.000 đồng/kg. Có bao nhiêu rơm ông cũng mua hết. Bao nhiêu tấn lúa là bấy nhiêu tấn rơm! “Như vậy, chỉ riêng ĐBSCL có thể thu được 60.000 tỷ đồng mỗi năm từ rơm. Nếu làm được thì từ trong nội bộ ngành nông nghiệp đã có đủ nội lực để đi lên, không cần phải nhờ trợ giúp từ bên ngoài” - ông Hà cho biết.

“Ở Công ty Bùi Văn Ngọ, chúng tôi nhận làm máy  móc hết các khâu từ cấy, phun thuốc…, nông dân không tốn công tốn chi phí thuê máy móc bên ngoài. Bù lại, tôi sẽ lấy rơm của nông dân. Như vậy, đôi bên cùng có lợi!” - ông Hà thông báo thêm.

Tuy nhiên, để cơ giới hóa được công đoạn cấy lúa, ĐBSCL cần 12.000 – 15.000 máy cấy. Hiện tại, có Công ty Janmar Việt Nam đang đầu tư cho nông dân thử nghiệm ở một số cánh đồng, tuy nhiên, số lượng còn rất hạn chế.

TS Bùi Bá Bổng cho rằng: “Phải công nghiệp hóa ngành nông nghiệp, tích hợp bón phân, chăm sóc lúa vào mấy cấy thì sẽ tạo ra được sản phẩm đồng đều, chất lượng, có thể cạnh tranh với các nước”.