Sputnik dẫn lời nhà nghiên cứu Jo Keeling cho hay, các công ty đóng tàu thường dùng một mô hình tuyến tính để đóng tàu và lý giải cách thức hoạt động của các con sóng. Tuy nhiên, theo mô hình này, những đợt sóng sát thủ (rogue waves) là không tồn tại và không thể xảy ra.
"Hiện, không có con tàu nào được đóng để chống đỡ với những đợt sóng độc như vậy, vì chúng ta chỉ mới nhận thức được những đợt sóng đó có tồn tại. Tàu bè hiện giờ được đóng để chống chịu với các vùng biển khác nhau. Đó là bí mật lớn nhất của ngành đóng tàu, mỗi tuần có hai tàu chở hàng mất tích, có thể đó không phải là do sóng sát thủ gây ra mà do những nguyên nhân khác. Tuy nhiên, tàu thì vẫn mất tích và chúng ta không bao giờ biết được thông tin về nó trên báo chí chính thống", nhà nghiên cứu Keeling cho hay.
Vì nó tồn tại ở nơi sâu nhất của đại dương và hiếm khi gây rắc rối cho phần đông dân số thế giới, do đó, tin về sóng sát thủ không được đưa nhiều, ông Jo cho hay.
Sóng sát thủ (sóng độc) là như thế nào?
Đó là những đợt sóng lớn, có chiều cao ít nhất là gấp đôi đợt sóng cao khác, xuất hiện bất ngờ trên mặt biển và đặc biệt nguy hiểm đối với ngay cả các con tàu lớn.
"Nếu bạn đi vào vùng biển động với những đợt sóng cao tới 12m thì phần lớn các đợt sóng khác cũng cao tương tự như vậy. Tuy nhiên, có một đợt sóng, cao gấp 3 lần như thé", bà Jo Keeling lý giải.
Thông tin về sóng sát thủ được ghi lại lần đầu vào thế kỷ 13 và mãi tới năm 1995, các nhà khoa học mới biết về nó lần đầu tiên.
Columbus và 'Miệng của con rắn'
"Columbus đã kể chi tiết về sóng sát thủ vào năm 1492. Ông đã chỉ rõ một nơi có sóng sát thủ trên biển, nó ở gần gần Trinidad tên là "Miệng của con rắn". Tại đó, có những đợt sóng cực lớn. Colombus đã mô tả về đợt sóng cao hơn cột buồm của con tàu. Đợt sóng này có thể nhấc bổng cả con tàu và thả nó rơi xuống một vùng lõm giữa hai đợt sóng.
Hiện tượng này được ghi lại vào ngày đầu tiên của năm mới 1995. Khi đó, một đợt sóng cao 25,6m đã được ghi nhận tại giàn khoan Draupner ở biển Bắc.
Đầu năm nay, tạp chí Yachting World đã đăng một bản tin đặc biệt về hiện tượng trên với lời kể của rất nhiều thủy thủ.
Không tàu nào chống đỡ được sóng sát thủ
Theo nhà nghiên cứu Keeling, vấn đề đáng lo nhất đó là, hiện, chưa một con tàu nào được thiết kế để có thể chống đỡ được tác động từ một đợt sóng sát thủ.
"Sóng sát thủ có sức mạnh 100 tấn trên một mét vuông, trong khi là con tàu mạnh nhất mà mà chúng ta đóng chỉ có thể chống đỡ được sức mạnh 15 tấn (sẽ không bị tổn hại gì) và 30 tấn (có bị hư hại), nhưng 100 tấn thì con tàu sẽ bị xé làm đôi.
Bà Keeling cho rằng, sóng độc hay sóng sát thủ có thể là nguyên nhân dẫn tới hàng loạt vụ tàu bè biến mất bí ẩn, gồm cả siêu tàu chở hàng MV Derbyshire mang cờ Anh. Tàu này chìm ở ngoài khơi Nhật năm 1980, làm 42 thủy thủ và vợ của 2 thủy thủ thiệt mạng.