Sáng 7.12, tại Kỳ họp HĐND TP.HCM khóa IX, đại biểu Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM, đã cho biết như trên khi trả lời phỏng vấn báo Dân Việt.
ĐB Tô Thị Bích Châu tại phiên chất vấn. ảnh: Hồ Văn
Theo bà Châu, việc có những thu nhập rất cao trên mạng, nhất là những người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm trên Facebook, mạng xã hội, Bộ Tài chính cũng biết, Cục Thuế cũng biết. Vấn đề là cần có giải pháp chống thất thu thuế với những đối tượng này.
“Những người nổi tiếng họ có thể viết status trên Facebook, trên mạng xã hội hay livestream mà có thu nhập hàng chục triệu đồng. Vì vậy, phải đưa vào quản lý thuế thu nhập cá nhân để tạo sự công bằng, vừa để họ thấy được trách nhiệm. Song song với việc thu thuế kinh doanh qua thương mại điện tử, Cục Thuế phải làm hơn bước đó (thu thuế qua quảng cáo, livestream… trên Facebook) để tạo nguồn thu cho công bằng, hợp lý.
Trước đó, trả lời chất vấn ngày 6.12, ông Trần Ngọc Tâm, Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM cho biết trong cuộc cách mạng 4.0, nhiều hoạt động thương mại điện tử từ nước ngoài vào thực hiện kinh doanh chia sẻ thì ngành thuế chưa thể thực hiện thu thuế, chỉ kiểm soát được thương mại điện tử trong nước.
Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM Trần Ngọc Tâm trả lời chất vấn. ảnh: Hồ Văn
Theo ông Tâm, dù là người nổi tiếng hay người không nổi tiếng, phải xác định rõ họ có nguồn thu từ livestream quảng bá sản phẩm thì mới có cơ sở tính thuế chứ không phải cứ người nổi tiếng livestream sản phẩm là... đè cổ tính thuế.
“Đại biểu HĐND họ mới đề nghị thế thôi, rồi báo chí đăng thông tin đó trên các báo chứ Cục thuế cũng phải xác định rõ, dù là người nổi tiếng hay không nổi tiếng, có livestream quảng cáo sản phẩm nhưng họ có thuế thì mới thu chứ, không có thì sao thu được...”, ông Tâm khẳng định.
Trước đó, tại Kỳ họp thứ 6 HĐND TP.HCM khóa IX (ngày 6.12) đã diễn ra phiên chất vấn Cục trưởng Cục thuế TP.HCM Trần Ngọc Tâm, đại biểu Tô Thị Bích Châu đề nghị Cục trưởng làm rõ vụ việc công an bắt giữ lô hàng mỹ phẩm có dấu hiệu làm giả trị giá 11 tỷ đồng của Công ty Thiên nhiên TS Việt Nam hồi tháng 11 vừa qua.
"Có nhiều diễn viên, người mẫu Việt đã đảm nhận đại sứ thương hiệu này và thường xuyên viết bài, livetreams để giới thiệu sản phẩm. Dĩ nhiên, nguồn thu từ các hoạt động này là không nhỏ, nghĩa vụ thuế trong sự việc này chắc chắn sẽ có thất thoát. Vậy cơ quan thuế đã làm gì, có giải pháp nào để kiểm soát?", bà Châu đặt câu hỏi.
"Tôi hỏi điều này là muốn nhấn mạnh ngành thuế có những cơ chế gì để đảm bảo và thúc đẩy sự công bằng trong nghĩa vụ thuế. Đừng để kéo dài tình trạng người thu nhập nhiều thì đóng ít, còn người thu nhập ít lại đóng đầy đủ thuế thu nhập cá nhân", bà Châu nói thêm.
Được biết, đến nay TP.HCM đã truy thu, xử phạt hơn 21 tỷ đồng đối với các cá nhân, tổ chức kinh doanh qua mạng vi phạm trong kê khai nộp thuế.
"Số tiền xử phạt không lớn, nhưng bước đầu chúng tôi xác lập việc quản lý, đặt giải pháp cho những năm sau này", ông Tâm khẳng định quan điểm quản lý thuế đối với hình thức kinh doanh thương mại điện tử.
“Tại TP.HCM có 297 sàn giao dịch điện tử, hơn 8.000 website bán hàng và hơn 13.000 thành viên Facebook hoạt động thương mại điện tử. Cục Thuế TP.HCM đã lập biên bản xác định 3.700 tổ chức, gửi thư cho hơn 13.000 nickname kinh doanh qua Facebook, để bước đầu tác động ý thức kê khai nộp thuế của họ”.
Ông Tâm cũng khẳng định có thể phối hợp ngân hàng thu thuế của các giao dịch thương mại điện tử, bằng hóa đơn điện tử. Hiện các ngành chức năng đang tiếp tục bàn thảo, đề xuất tất cả giao dịch thương mại điện tử trên 5 triệu đồng phải thanh toán qua ngân hàng, để tránh thất thu thuế.
Riêng trường hợp người nổi tiếng quảng bá cho Công ty thiên nhiên TS Việt Nam bán mỹ phẩm giả, ông Tâm nói sẽ cho kiểm tra lại tiến độ xử lý.