Theo hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cùng các cố vấn đã đến thị sát tổ hợp nhà máy sản xuất tinh bột khoai tây mới xây dựng ở Samjiyon, tỉnh Ryanggang gần biên giới Trung Quốc.
Trong các bức ảnh được KCNA đăng tải, ông Kim Jong-un mặc áo măng tô, đội mũ phớt, tay đút trong túi áo và cười tươi. Phía sau lưng ông, một lượng lớn khoai tây được tập kết trên sàn nhà.
Trong khuôn khổ chuyến thị sát, ông Kim Jong-un tham quan bên ngoài nhà máy và ghé thăm một cửa hàng tinh bột.
Theo chính phủ Triều Tiên, nhà máy mới được hoàn thành chỉ trong một tháng sau khi ông Kim Jong-un ra lệnh xây dựng hồi tháng 11. Nhà máy có thể tạo ra 4.000 tấn tinh bột khoai tây mỗi năm.
Trong chuyến thăm, ông Kim yêu cầu tăng cường thiết bị và cơ sở vật chất để nhà máy nâng cao sản lượng cũng như kêu gọi công nhân tạo ra nhiều sản phẩm mì ăn liền và bánh mì từ khoai tây.
Triều Tiên được cho là đang đẩy mạnh phát triển vùng Samjiyon - nơi được xem là vùng đất thiêng trong cuộc cách mạng của nước này.
Những bức ảnh về chuyến thăm nhà máy khoai tây của ông Kim Jong-un được đăng tải trong bối cảnh tình hình căng thẳng trong khu vực liên tục tăng cao, đặc biệt là sau vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa của Triều Tiên hôm 28.11 thổi bùng lên nguy cơ chiến tranh trong khu vực.
Truyền thông Triều Tiên gần đây cũng liên tục đăng tải hình ảnh ông Kim Jong-un trực tiếp thị sát các cơ sở kinh doanh nổi bật trong nước.
Động thái này được cho là thể hiện sự bình thản của nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong tình huống nước sôi lửa bỏng đồng thời nhằm chứng minh cho cộng đồng quốc tế thấy rằng nền kinh tế Triều Tiên không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt.
Tuy nhiên, nhà quan sát Triều Tiên sống ở Nhật Bản Pyon Jinil cho hay, người dân Triều Tiên đang sống trong cảnh thiếu lương thực với mỗi người hiện nhận khẩu phần khoảng 300g lương thực mỗi ngày, tương đương với một gói bánh quy Hobnob.
Tình trạng trầm trọng thêm sau khi Bình Nhưỡng hứng chịu các lệnh trừng phạt khắc nghiệt của quốc tế vì phóng tên lửa và thử bom hạt nhân.
Vì lẽ đó, ngư dân Triều Tiên được tin là phải phải mạo hiểm ra khơi xa để tìm kiếm thêm nguồn hải sản - dẫn đến nhiều người tử nạn và tàu của họ bị trôi vào bờ biển nước ngoài. Trong tháng 11, 28 tàu đánh cá "ma" không người được cho là của Triều Tiên đã trôi dạt vào Nhật Bản. Đây là số lượng tàu "ma" trôi dạt cao nhất kể từ năm 2014.