Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Theo USA Today, với việc phóng tên lửa liên lục địa có khả năng hủy diệt Mỹ, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang thách thức Tổng thống Mỹ Donald Trump và có nguy cơ phải hứng chịu những lệnh trừng phạt cứng rắn hơn nữa. Ông Kim cũng khẳng định Triều Tiên sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Giới phân tích nhận định, nhà lãnh đạo Kim Jong-un không hề “điên” như ông Trump từng nói mà đây là chiến lược đã được tính toán kỹ lưỡng.
“Ông Kim rõ ràng hành động bằng lý trí vì mục đích củng cố quyền lực”, Sheila Miyoshi Jager, giáo sư tại trường Oberlin, Mỹ, nhận định. “Một khi ổn định tình hình trong nước, ông Kim sẽ mở rộng tầm ảnh hưởng của Triều Tiên trên trường quốc tế”.
Kim Jong-un tin rằng vũ khí hạt nhân là cách răn đe hiệu quả và tạo ra sự cân bằng quyền lực của Triều Tiên với các cường quốc trên thế giới, giáo sư Jager nói.
Bên cạnh đó, ông Kim chắc chắn không hề muốn mình đi theo con đường của cựu lãnh đạo Iraq Saddam Hussein và nhà độc tài Libya Muammar Gadhafi. Cả hai người này đều từ bỏ vũ khí hạt nhân và nhận lấy kết cục chết chóc.
Trong tương lai, nếu Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ, đó sẽ là lúc nước này trở thành cường quốc hạt nhân và ra điều kiện về kinh tế để đối lấy hiệp ước hòa bình.
Năm 1994, Mỹ từng đồng ý xây dựng cho Triều Tiên lò phản ứng hạng nhẹ và hỗ trợ kinh tế, để đổi lấy việc Bình Nhưỡng tờ bỏ chương trình hạt nhân. Thỏa thuận này sau đó thất bại nhưng ngày nay, Triều Tiên có thể vẫn mong muốn nhận được sự hỗ trợ về kinh tế.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15 của Triều Tiên.
Bên cạnh đó, khả năng Triều Tiên tấn công hạt nhân Mỹ cũng có thể buộc Washington phải nghĩ lại khi cam kết bảo vệ đồng minh Seoul. Bởi suy cho cùng, thống nhất bán đảo Triều Tiên luôn là khẩu hiệu của Bình Nhưỡng kể từ thời cố lãnh tụ Kim Nhật Thành.
“Liệu Mỹ có dám đánh đổi Los Angeles, Seattle hay Chicago chỉ để bảo vệ Seoul nếu Triều Tiên tấn công?”, giáo sư Jager đặt câu hỏi. “Câu trả lời có thể là có. Nhưng dưới góc nhìn của ông Kim, kế hoạch này rõ ràng đáng để theo đuổi”.
Đưa Triều Tiên trở thành cường quốc hạt nhân cũng là cách để nhà lãnh đạo Kim Jong-un củng cố quyền lực.
“Ông Kim lên nắm quyền vào năm 2011 khi chưa đầy 30 tuổi. Nhiều người có thể nghĩ rằng ông ấy còn quá trẻ và thiếu kinh nghiệm”, giáo sư Jager nói. “Ông ấy nắm quyền lực với áp lực phải có gì đó để chứng minh”.
Ngoài chiến lược theo đuổi vũ khí hạt nhân, những lần thanh trừng quan chức chống đối cũng là cách để ông Kim chứng minh năng lực lãnh đạo.
“Kim Jong-un biết cách sử dụng quyền lực, bằng việc đặt ra luật chơi của riêng mình”, bà Jager nhận định.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thường xuyên khước từ việc gặp gỡ các quan chức cấp cao nước ngoài đến thăm quốc...