Dân Việt

Chuột - nguyên nhân khiến xe máy "tự thiêu"

28/10/2011 13:59 GMT+7
Trên một số xe tay ga, môi trường khô, kín và ấm là điều kiện ưa thích của chuột. Chúng gây ra vô số tai hại như cắn đứt dây điện, ống dẫn xăng, mang theo các chất dễ cháy để làm tổ tạo nguy cơ cháy nổ.

Chưa đầy một tháng trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 3 vụ xe máy cháy. Đang lưu thông trên đường Phạm Hùng chiếc Wave đột nhiên bốc cháy. Cách đó 50 m, khi dừng lại để xem đám cháy, chiếc mô-tô phân khối lớn cũng tự bốc cháy. Khoảng 7h sáng ngày 27.10 người dân trên phố Hai Bà Trưng hoảng hốt chứng kiến chiếc Air Blade bị thiêu rụi trước cửa TAND thành phố.

Sự cố xe đang đi bốc cháy còn xảy ra với các hãng khác như chiếc Yamaha Sirius trên cầu Thuận Phước (Đà Nẵng) hồi tháng 7.2010. Cũng tháng 10.2009 tại TP Biên Hòa, chiếc Attila Elizabeth bỗng nhiên cháy thành than.

Hiện tượng cháy có thể phát sinh khi vật liệu dễ cháy ở gần nguồn nhiệt cao. Rơm dạ khô vướng vào cổ ống xả động cơ. Hay khi rửa xe, nhân viên hay dùng giẻ ướt để cọ rửa làm miếng rẻ bị rách mắc lên xe. Tưởng rằng chúng vô hại, nhưng một thời gian giẻ khô gặp ống xả nóng có thế là điểm khơi mào cho đám cháy.

Trên một số xe tay ga, môi trường khô, kín và ấm là điều kiện ưa thích của chuột. Chúng gây ra vô số tai hại như cắn đứt dây điện, ống dẫn xăng, mang theo các chất dễ cháy để làm tổ tạo nguy cơ cháy nổ.

img
Hiện trường vụ cháy Air Blade ngày 27.10. Ảnh: Hoàng Hà.

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan thì bản thân người sử dụng cũng khiến cho xe của họ dễ cháy hơn. Hiện tượng độ xe không phải là hiếm, đặc biệt là việc thay thế đèn sợi đốt chưa đầy 20W bằng đèn xenon công suất cao gấp 3 lần.

Công suất cao yêu cầu dòng điện lớn, việc đấu nối không đảm bảo kỹ thuật như tháo bỏ cầu chì, sử dụng dây chất lượng kém chịu tải nhỏ. Điện trở trong dây dẫn thấp hơn so với những điểm tiếp nối nên thường sinh nhiệt nhanh ở điểm tiếp nối, làm chảy vỏ cách điện, phát sinh ra chập cháy.

Theo anh Thái Minh Tuấn, một thợ sửa chữa xe máy lâu năm thì chỉ có củ đề nối trực tiếp với ắc-quy qua rơ le và dây dẫn dòng lớn. Các thiết bị còn lại đều được đấu nối qua cầu chì. Vì sử dụng đèn công suất lớn hơn, thợ thường sử dụng loại chịu dòng lớn, thậm chí tháo bỏ luôn cả cầu chì. Khi chập điện, cầu chì không đứt, mạch cháy nóng, cháy lớn. Gặp hơi xăng, đám cháy sẽ lan ra toàn xe.

Một nguyên nhân cháy khác bắt nguồn từ việc sử dụng đường dây cao áp cách điện kém, tia lửa phóng điện xuyên qua vỏ bọc. Theo anh Tuấn, trong trường hợp này xe sẽ chết máy vì bu-gi không đánh lửa. Xe đang chạy trên đường mà tự cháy thì khả năng này không thể xảy ra.

Xăng rò rỉ, bay hơi và tự bốc cháy trong môi trường không khí khô, nóng. Hệ thống cung cấp nhiên liệu của xe máy có một số vị trí thông với bên ngoài. Để giúp xăng luân chuyển từ bình chứa tới động cơ nhà sản xuất thường thiết kết một lỗ thông hơi trên lắp bình xăng nhằm tạo áp suất cân bằng. Xăng được dẫn qua một đoạn ống cao su tới chế hòa khí hoặc hệ thống phun.

Đối với động cơ dùng chế hòa khí, áp suất chân không trong họng hút đưa xăng từ bình xăng phụ vào buồng đốt. Hơi từ bình xăng phụ cũng có thể thoát ra ngoài qua lỗ thông hơi. Di chuyển trên đường xấu hoặc leo dốc, xăng trong bình xăng phụ bị nghiêng, một lượng xăng nhỏ tràn ra ngoài qua ống dẫn xăng thừa.

Từ đặc điểm trên cho thấy, đối với xe máy thì hơi xăng thoát ra ngoài là điều không tránh khỏi. Tuy vậy, lượng xăng thoát ra cũng đã được nhà sản xuất hạn chế ở mức an toàn, chỉ khi dựng xe lâu ngày trong phòng kín, thì người ta mới phát hiện ra mùi xăng. Vì thế, nếu không phải do chuột cắn đứt đường ống, chủ xe quên không đóng nắp bình xăng hoặc thợ sửa chữa sơ suất làm hở đường ống thì khả năng cháy do xăng rò rỉ là rất thấp.

Để tránh nguy cơ cháy nổ, chuyên gia trong ngành khuyến cáo người sử dụng trước khi vận hành nên kiểm tra tình trạng xe theo sách hướng dẫn sử dụng xem xăng có bị rò rỉ không, chuột có vào xe không. Đi trên đường nếu xe bị bám rơm, rạ vướng nên dừng lại gỡ bỏ sạch. Sau khi rửa xe cần loại bỏ vải rách vướng vào, đặc biệt ở khu vực ống xả.

Theo VnExpress