Dân Việt

Doanh nhân Trần Uyên Phương: “Bữa cơm là nơi chúng ta kết nối và chia sẻ yêu thương”

P.V 08/12/2017 17:46 GMT+7
“Với tôi, bữa cơm gia đình luôn thiêng liêng và ấm áp nhất. Đó là lý do dù bận thế nào, cả nhà tôi cũng luôn sắp xếp ăn cơm cùng nhau”, chị Trần Uyên Phương – Phó TGĐ Tân Hiệp Phát kiêm Giám đốc sản xuất phim "Mỹ nhân vào bếp" tâm sự.

Thị trường phim có rất nhiều đề tài hot, vì sao chị lại chọn ẩm thực - một chủ đề khó tạo sóng?

- Tôi mong muốn tôn vinh các giá trị gia đình. Xã hội càng hiện đại, thì cuộc sống càng bận rộn. Thời gian vợ chồng dành cho nhau, bố mẹ ở bên cho con cái, các cặp đôi bên nhau là rất ít. Bởi thế, cùng nhau nấu ăn, quây quần bên mâm cơm là cách tốt nhất để giữ lửa hạnh phúc.

img

img

Bên cạnh đó, xã hội hiện nay đã thay đổi một số quan điểm xưa cũ. Hình ảnh phụ nữ nấu ăn chờ chồng dần thay bằng những hoạt động tích cực ngoài xã hội, các cô cũng kinh doanh, kiếm tiền như đàn ông. Tương tự, việc đàn ông xắn tay vào bếp không còn tạo cảm giác yếu đuối mà chính là sự quan tâm, chăm sóc, chia sẻ công việc thường ngày, đỡ đần những người mình yêu thương.

Thế nhưng ngày nay, dường như bữa cơm gia đình đang thưa dần?

img

- Có thể vì cuộc sống bận rộn nên bữa cơm gia đình, nhất là các gia đình tại thành phố, ít đi so với ở quê. Tuy nhiên, ý nghĩa thiêng liêng của bữa ăn gia đình không vì thế mà mất đi. Bữa cơm là nơi chúng ta chia sẻ, trò chuyện với nhau, nó hiện thân cho sự gắn kết và yêu thương. Khi đi xa, chúng ta chỉ muốn về nhà ăn một bữa cơm với gia đình là vì vậy. Với tôi, bữa cơm gia đình luôn thiêng liêng và ấm áp nhất. Đó là lý do dù bận thế nào, cả nhà tôi cũng luôn sắp xếp ăn cơm cùng nhau.

Thông điệp mà chị và ê-kíp gửi đến người xem qua “Mỹ nhân vào bếp” là gì?

img

- Đó là tôn vinh giá trị gia đình, đặc biệt là trong mùa Tết, khi những người con xa quê được về bên mái ấm hạnh phúc. Mọi thành viên sum vầy đông đủ trong bữa ăn - đó là điều hạnh phúc nhất mà ai cũng mong muốn. Tôi tin rằng những giá trị truyền thống tốt đẹp này luôn trường tồn. Mặt khác, bộ phim Mỹ nhân vào bếp còn tôn vinh ẩm thực Việt cùng 9 loại thảo mộc tự nhiên. Đó là món quà cho sức khỏe mà chúng tôi gửi tới các gia đình với mong muốn góp phần làm bữa cơm thêm ấm cúng.

img

Là doanh nhân nhưng vẫn dành thời gian viết sách, ca hát và bây giờ là làm phim, bằng cách nào chị có thể làm được nhiều việc như vậy?

- Mọi thành quả đều phải nỗ lực mới đạt được. Để trở thành Phó TGĐ Tập đoàn Tân Hiệp Phát, tôi đã phải nỗ lực đi lên từ vị trí thư ký. Để viết được cuốn Chuyện nhà Dr. Thanh, tôi phải ấp ủ và miệt mài trong 10 năm. Tất cả đều là những hành trình dài và khó khăn, quan trọng là sống và làm việc hết mình với tinh thần “không gì là không thể” thì sẽ gặt hát được kết quả tốt. 

Là một người trẻ, tôi luôn mong muốn có cơ hội thử sức ở các lĩnh vực khác nhau, kể cả thể thao như cuộc thi khắc nghiệt nhất thế giới Ironman Vietnam 70.3… Những trải nghiệm mới mẻ này giúp tôi cân bằng cuộc sống và khám phá giới hạn của bản thân nhiều hơn.

Sau “Mỹ nhân vào bếp”, chị có ý định lấn sang lĩnh vực ẩm thực hay phim ảnh?

img

- Tôi chưa có dự định này. Mục tiêu trước mắt của tôi là tập trung hiện thực hóa việc đưa Tân Hiệp Phát trở thành thương hiệu mang tầm châu Á với doanh thu đạt 1 tỷ USD vào 2020 và 3 tỷ USD vào năm 2027. Tuy nhiên, đã làm thì phải nỗ lực tối đa, phải cháy hết mình cho thành quả cuối cùng. Có nhiều cộng sự hay đùa rằng tôi hay trốn việc tại Tân Hiệp Phát để “chạy” cùng ê-kíp Mỹ nhân vào bếp (cười).

img

Mỹ nhân vào bếp do tổng đạo diễn Văn Công Viễn và giám đốc sản xuất Trần Uyên Phương hợp tác sản xuất. Bộ phim xoay quanh việc chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, công thức nấu ăn và những mẹo vặt trong cuộc sống để thực hiện những món ăn dinh dưỡng, kết hợp các loại thảo dược tốt cho cơ thể qua những tình huống hài hước. Bộ phim gồm 130 tập phát sóng trên kênh truyền hình SCTV14 (11h30 thứ 6, 7, chủ nhật), HTV9 (23h10 thứ 2, 4, 6), Let’s Việt (22h15 thứ 2, 4, 6), và phát online trên Youtube, fanpage.