“Đại ca từ thuở trăng tròn”
Ngôi nhà nhỏ chưa đầy 25m2 nằm sâu trong ngõ hẹp đường Đoàn Thị Điểm (phường Hải Châu 2, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) là nơi trú ngụ của hơn chục người gồm thành viên gia đình và những đứa em lang thang được Nguyễn Văn Lợi (43 tuổi) đưa về nuôi dưỡng và dạy nghề. Hôm chúng tôi tới gặp anh đang dọn hàng cho vợ . Anh cho biết, mình vừa làm lồng chim bán, vừa tranh thủ phụ giúp vợ, ban đêm đi tuần tra đội dân phòng của phường.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Lợi cho biết mình sinh ra trong một gia đình khá bề thế, có 9 chị em, bố mẹ đều là công chức nhà nước. Anh là anh trai cả, thuở nhỏ được bố mẹ cho ăn học đàng hoàng nên học rất khá. Đến lớp 8, sau sự ra đi đột ngột của người mẹ, gia đình anh trở nên suy sụp. Bố anh không thôi thương nhớ vợ, rượu chè suốt ngày và thường xuyên gọi tên mẹ lúc nửa đêm. Không khí gia đình nặng trĩu, anh bỏ học ra phố lang thang kiếm tiền từ nghề bán vé số, khiêng vác hàng ở chợ cho các tiểu thương.
Anh Nguyễn Văn Lợi
Nơi Lợi “bước vào đời” là khu vực chợ Tăng Bạch Hổ (cũ) - nơi mà gần 30 năm về trước, tập trung nhiều hàng hóa và quán xá nhất Đà Thành, cũng nổi tiếng bởi sự quy tụ lắm giang hồ lúc bấy giờ . Khi ấy Lợi chỉ là một cậu bé nhỏ con, theo chân đàn anh, đàn chị đi phiêu bạt này đây mai đó. Rồi dần dà, Lợi bị tiêm nhiễm những thói thư hùng bậc anh chị. Những đấu đá tranh giành lãnh địa, sẵn tính lì lợm, ngang tàng, nên khi nào Lợi cũng là “người tiên phong” nên rất được lòng các đại ca. Kể từ đó Lợi gắn liền với những cuộc thư hùng, đâm chém giữa các bang hội.
Tiếng Lợi ngày càng vang dội trong giới giang hồ. Những đại ca có tuổi, người bị bắt, người lui về ở ẩn, Lợi được suy tôn làm đại ca khi bước vào ngưỡng tuổi 20. Sau thời gian quậy phá ở quê nhà, mang đến nhiều phiền phức cho người thân, Lợi lên kế hoạch “khi phá những vùng đất mới”. Quy tụ được những đàn em thân tín, “đội quân” của Lợi chọn Bắc tiến làm cho sự khởi đầu “khai phá”. Sau đó là những cuộc di dời từ Hải Phòng, Lạng Sơn, Bắc Giang... Nhưng vì không chịu được cái lạnh mùa đông xứ Bắc, đội quân của Lợi quyết định lên Tây Nguyên vùng vẫy. Sau đó là trôi dạt xuống Tây Ninh, nơi giáp biên giới Campuchia làm nghề cửu vạn và đòi nợ thuê.
Điều đặc biệt trong đội quân giang hồ của Lợi đều là những thành viên lang bạt, không cha không mẹ được lôi kéo về. Đối với Lợi, những tên đàn em này chỉ tham gia những cuộc thư hùng đâm chém, tranh giành lãnh địa... chứ không bao giờ dính líu đến đến xì ke, ma túy, trộm cắp, cướp giật. Anh Lợi chia sẻ: “Hồi mới “vào đời”, nhiều lần các bậc anh chị từ rủ rê đến cưỡng ép dùng ma túy nhưng mình vẫn từ chối thẳng thừng. Va khi lên làm đại ca, “chỉ huy” hơn mấy chục “đệ tử” trong tay, tôi ra điều cấm kỵ đội với mỗi thành viên “đừng bao giờ đụng đến những thứ tao ghét”.
Sau thời quấy phá, tứ xứ giang hồ, đôi chân cũng đã chùn gối, Lợi muốn “gác kiếm giang hồ”, quay về quê hương. Anh được bố xin vào làm chân bảo vệ khu chợ, nơi anh từng “vào đời”. Cuộc sống cứ lặng trôi, với đồng lương nhỏ mọn từ nghề bảo vệ chợ, nhưng được gần bố, gần các em, Lợi cũng thấy sự ấm áp trong gia đình. Tuy nhiên cuộc sống hoàn lương của Lợi kéo dài không được lâu. Lợi cho hay, vào tháng 8.1997, nghe tiếng anh đã hồi tâm, tu chí làm ăn thì có tên đại ca vùng khác đến quấy rối, lên mặt mắng nhiếc anh và ra tay đối với các chiến hữu. Lợi đã hạ nhục xin tha nhưng bọn giang hồ này được đà càng lấn tới. “Khi tới đỉnh điểm, thói thư hùng trong người lại bùng lên, tôi chạy vội vào nhà, lấy “bảo kiếm” được cất giấu cẩn thận ở phía góc tủ, rồi vung tay chém lấy chém để trước sự can ngăn của nhiều người. Tên đối thủ bị thương nặng, được cấp cứu kịp thời nên thoát chết trong gang tấc. Trận đó, tôi phải lĩnh án 4 năm tù trong trại giam Bình Đình”, anh Lợi nhớ lại.
Quyết chí hoàn lương
Thời gian trong tù, làm bạn với bốn bức tường kín mít, anh mới có khoảng lặng để nghĩ về những tội lỗi trong quá khứ . Anh Lợi tâm sự: “Hồi đó, tôi nghĩ về bố và các em rất nhiều và nhận ra chính tôi đã làm họ khổ”. Sau những ngày nằm suy nghĩ, anh Lợi tâm sự với quản giáo rồi quyết tâm cải tạo thật tốt để đựoc ra tù trước thời hạn. Ngày Lợi bước ra khỏi cổng trại giam, đã có bố anh cùng các em và bạn bè chờ đón. Trong câu chuyện kể với bố cùng các em, Lợi đã nói: “Con không muốn trở lại con đường cũ, con muốn làm lại cuộc đời”. Lúc đó người người cha có mai tóc lấm chấm pha sương chỉ biết ôm con mà khóc...
Ngày trở về, tái hòa nhập cộng đồng đối với Lợi không hề dễ. Lúc đó, phần vì do bản thân luôn tự ti, mặc cảm, phần vì sợ những ánh mắt kỳ thị, dị nghị của bà con lối xóm. Rồi anh nghĩ mình đã đánh mất quá nhiều, nên cần quyết tâm lấy lại những gì đã mất, phần nào bù đắp chữ hiếu cho bố, tình huynh đệ. Cùng lúc anh nhận được sự động viên của gia đình, sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương, Lợi lấy lại niềm tin nơi bản thân. Bao đêm thức trắng, trằn trọc, Lợi nảy sinh ra ý tưởng “sao mình không làm cái nghề làm lồng chim đã học được ở trong tại giam”. Rồi anh quyết định viết đơn và xin hỗ trợ vốn từ “quỹ hoàn lương” được vài triệu đồng. Về nhà anh sắm máy móc, đục, khoan... để phục vụ cho công việc.
Nói đến hành trình phục thiện, anh thầm cảm ơn người vợ của mình đã đến và động viên anh trong những ngày khó khăn nhất. Anh kể: “Hồi đó, phong trào nuôi chim không sôi động như bây giờ, nên số lượng đặt hàng lồng chim cũng chẳng bao nhiêu. Thời gian rảnh, tôi đến xin phụ quán cơm gần nhà để kiếm thêm thu nhập. Tôi cũng có dáng dấp nghệ sỹ, mê đàn nên thỉnh thoảng là tôi lại ôm cây đàn qua quán nọ, rồi cô gái Võ Thị Hương Thủy (SN 1975) phụ bán cơm mê tít khi nào không hay”. Khi gặp chị Thủy, anh Lợi cũng không hề giấu giếm quá khứ của mình. Nhưng Thủy không hề e dè mà ngày cảm thấy gần gũi và chia sẻ, tâm sự với nhau nhiều hơn.
Anh Lợi cho biết: “Ngày hai đứa quyết định đi đến hôn nhân, điều bất ngờ là bên anh em, họ hàng của Thủy không hề phản đối. Trái lại, họ rất ủng hộ. Tôi còn nhớ như in lời của mẹ vợ dặn trong ngày cưới năm 2001 la, ở đời ai có lỗi lầm, nhưng điều khác biệt là người đó phải biết rũ bỏ quá khứ và xây đắp cho tương lai”. Giờ vợ chồng anh đã có hai đứa con trai kháu khỉnh, đứa học lớp 5, đứa sau mới vào mẫu giáo.Vợ anh cũng chịu khó làm ăn, mở được một quán tạp hóa nhỏ gần chơ. Còn anh ngoài nghề làm lồng chim, năm 2008 anh được giới thiệu vào đội dân phòng của phường Hải Châu 2. Anh nhận được nhiều bằng khen của phường, quận và thành phố bởi là một trong những đội viên dân phòng xuất sắc nhất thành phố Đà Nẵng.
Điều đặc biệt ở anh Nguyễn Văn Lợi là, sẵn có cái nghề trong tay nên nghĩ đến những đứa trẻ lang thang, có “tiềm ẩn” vi phạm pháp luật, được anh đưa về chỉ giáo, khuyên nhủ và bày vẻ cách làm lồng chim để kiếm những đồng tiền sạch sẽ từ chính bàn tay lao động của mình. Tính đến nay, anh chẳng còn nhớ mình đã giúp bao nhiêu đứa nữa. Nhưng tất cả đã được anh bày vẻ rồi lấy nghề làm lồng chim mưu sinh hướng thiện. Điển hình như Nguyễn Bá Khánh, từng chìm trong nghiện ngập, được anh tìm gặp khuyên nhủ rồi “đồng hành” cùng Khánh trong quá trình cai nghiện tại trung tâm. Sau thời gian dứt cơn, Khánh đã học làm lồng chim để làm mưu sinh, nay đã có có vợ con và làm đội viên dân phòng tại phường. Đó chỉ mà một trong nhiều số trẻ em từng sai lầm lao vào nghiện ngập chích hút, cướp giật.. được anh Lợi cảm hóa và dạy nghề.
Công việc làm lòng chim của anh Lợi đã cứu giúp nhiều trẻ vị thành niên lầm lỡ.
Tấm gương tiêu biểu Trung tá Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Công an phường Hải Châu 2 (quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) cho biết: “Anh Lợi là đội viên dân phòng năng nổ và nhiệt tình. Quá trình công tác, anh đã trực tiếp tham gia giải quyết nhiều vụ việc phức tạp trên địa bàn như bắt trộm, bắt quả tang nhiều vụ buôn bán trái phép chất ma túy và ngăn chặn thành công các trận đánh nhau giữa các băng nhóm xã hội. Ngoài ra, anh còn cảm hóa được nhiều em lang thang, cơ nhỡ hoặc lỡ sa chân vào phạm pháp có được con đường sáng để quay về làm ăn. |