Sau khi kêu gọi áp dụng một loạt lệnh trừng phạt, Nhà Trắng đang muốn Trung Quốc ngừng cung cấp dầu mỏ cho Triều Tiên. Thể hiện rõ quan điểm của Washington, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ H.R. McMaster phát biểu rằng “anh sẽ không thể phóng tên lửa mà không có nhiên liệu”.
Lãnh đạo Kim Jong-un đến thăm một nhà máy khoai tây ở Triều Tiên.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia Mỹ tin rằng động thái của chính quyền Mỹ sẽ có tác động không đáng kể đối với chương trình tên lửa của Triều Tiên, nhưng sẽ đánh mạnh vào ngành nông nghiệp của nước này và dẫn đến nạn đói.
“Việc cắt đứt hoàn toàn nguồn cung cấp dầu mỏ của Triều Tiên chắc chắn sẽ khiến số lượng các mặt hàng nông nghiệp của Triều Tiên giảm mạnh”, ông David von Hippel, một nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu An ninh và Ổn định Nautilus ở Mỹ cho biết.
Ông Von Hippel cảnh báo rằng ảnh hưởng của việc cấm vận dầu mỏ đối với Triều Tiên sẽ gây ra thảm họa nhân đạo lớn. “Trừ phi Trung Quốc hoặc các nước khác xuất khẩu hoặc viện trợ lương thực cho Triều Tiên, nạn đói sẽ xảy ra ở nước này”, ông nói.
Hậu quả của việc cấm vận dầu mỏ đối với Triều Tiên sẽ rất nghiêm trọng. Phần lớn lãnh thổ của nước này là đồi núi. Theo thống kê của CIA, chỉ có khoảng 22% lãnh thổ Triều Tiên được dùng cho mục đích nông nghiệp. Người Triều Tiên tận dụng bất kỳ khoảnh đất nào có thể để nuôi trồng, và họ phụ thuộc rất nhiều vào máy xúc, bơm tưới tiêu và xe chờ để thu hoạch và phân phối sản phẩm nông nghiệp.
Ông Von Hippel nhận định rằng ngay cả khi không bị trừng phạt nặng hơn, các biện pháp này sẽ khiến Triều Tiên trở nên nghèo hơn. “Người dân sẽ cảm nhận được sức ép từ các hành động cấm vận trước tiên. Ngành nông nghiệp của họ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do cấm vận”, ông nói.
Bà Elizabeth Rosenberg, một nhà nghiên cứu thuộc một viện nghiên cứu tại Washington (Mỹ) nói rằng nạn đói là “một trong những khả năng” mà các nghị sĩ cần phải cân nhắc trước khi áp dụng các biện pháp trừng phạt nặng hơn.
Trong quá khứ, từ năm 1994 đến 1998, Triều Tiên đã trải qua một nạn đói khiến khoảng 1 triệu người thiệt mạng. Nhiều người cho rằng một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do thiếu dầu mỏ dành cho ngành nông nghiệp sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991. Từ đó đến nay, cuộc sống của người dân Triều Tiên ngoài thủ đô Bình Nhưỡng đang ngày càng khó khăn hơn.
Triều Tiên vẫn chi tiêu rất nhiều cho mục đích quốc phòng.
Vào tháng 9 vừa qua, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã giới hạn số lượng thùng xăng pha chế mà Triều Tiên có thể nhập khẩu xuống còn 2 triệu thùng/năm.
“Hiện có rất ít bằng chứng cho thấy việc giới hạn số lượng dầu mỏ đang tác động trực tiếp đến chương trình tên lửa của Triều Tiên”, ông George A. Lopez, một giáo sư tại Đại học Notre Dame (Mỹ) cho biết.
“Những người nghèo nhất mà anh không được thấy ở Bình Nhưỡng cũng như những người sống ở những khu vực khác ở Triều Tiên sẽ thiếu thốn dầu để vận hành lò sưởi. Đến mùa xuân, mùa hè, ảnh hưởng của lệnh trừng phạt đối với nông nghiệp sẽ rất khủng khiếp”, ông nói thêm.
Một số chuyên gia đã nhận định rằng việc cắt đứt hoàn toàn nguồn cung dầu mỏ của Triều Tiên là điều gần như không thể. Để làm được điều này, chính quyền Trump phải thuyết phục được Trung Quốc làm theo yêu cầu của họ, đồng thời ngăn chặn toàn bộ các hoạt động vận chuyển ngầm vào Triều Tiên.
Một báo cáo của Viện nghiên cứu Khoa học và An nình Quốc tế Mỹ cho biết, có tổng cộng 49 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, đang không tuân thủ lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc nhằm vào Triều Tiên.
Cả bà Rosenberg và ông Lopez nhất trí rằng cách trừng phạt tốt nhất đối với Triều Tiên không phải là giới hạn xuất nhập khẩu các mặt hàng vật chất của nước này, mà là ngăn các hoạt động tài chính có liên quan đến họ. Các biện pháp trừng phạt tài chính đang xuất hiện rất nhiều trong các nghị định của Mỹ và Liên Hợp Quốc.
“Đó là những biện pháp có thể được áp dụng vào hiện tại và tương lai”, ông Lopez nói. “Chúng ta có thể cắt đứt mọi nguồn tiền hợp pháp hoặc bất hợp pháp dành cho Triều Tiên”.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mới đây có chuyến đi đến núi Trường Bạch, nơi cao nhất nước này để thể hiện...