Dân Việt

Đưa địa lan-loài hoa "giấc mộng vua Trần" di cư tránh rét

Vân Thảo 11/12/2017 05:35 GMT+7
Tháng 12, Sa Pa (Lào Cai) rét căm căm. Đó là lúc người trồng địa lan-loài hoa "Trần mộng-giấc mộng vua Trần" rục rịch cho một cuộc “di cư”, đưa những chậu lan về vùng có thời tiết ấm. Cuộc “di cư” tránh rét ấy tốn biết bao công sức, tiền bạc mà có khi đổi lại chỉ là những tiếng thở dài...

“Ăn lán, nằm trời”

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sa Pa, toàn huyện có khoảng 70.000 chậu địa lan, tập trung chủ yếu tại thị trấn Sa Pa và các xã: Tả Phìn, Sa Pả, Tả Giàng Phìn, Hầu Thào… Để đảm bảo chất lượng hoa lan và hạn chế tình trạng hoa không nở do thời tiết quá rét, một số hộ có điều kiện đã di chuyển địa lan về vùng ấm hơn.

img

Người trồng hoa địa lan huyện Sa Pa di chuyển địa lan về xã Tòng Sành, huyện Bát Xát.

Khi trời còn chưa tan sương, cái lạnh ở Tòng Sành (Bát Xát) dù không cứa da, cứa thịt, nhưng cũng đủ khiến chân tay run rẩy, ông Nguyễn Tiến Cường đã dậy từ sớm, cầm đèn pin soi đếm một lượt xem 157 chậu địa lan có thiếu chậu nào. Sau đợt rét vào cuối tháng 11 vừa qua, ông Cường quyết định “di cư” cùng những chậu địa lan xuống Tòng Sành. Đây là nơi ông đã tiền trạm kỹ, khoảng đất này sát với Quốc lộ 4D, thuận lợi cho việc tiêu thụ địa lan và thời tiết không quá ấm, không quá lạnh, thích hợp để kích những tai lan bật nụ. Để tiện cho việc trông coi và chăm sóc hoa lan, ông Cường thuê thêm một người.

Sau một hồi kiểm tra, ông Cường quay trở về lán được dựng tạm bằng khung tre, vách và mái được phủ bạt. Trong lán chứa đủ các vật dụng phục vụ sinh hoạt hằng ngày, gồm chăn màn, xoong nồi… và thứ không thể thiếu chính là bàn trà, điếu thuốc lào làm bạn với hai người đàn ông từ giờ đến Tết Nguyên đán. Thức ăn của họ chủ yếu là mì ăn liền, thỉnh thoảng vào nhà dân gần đó nấu nhờ bữa cơm cho đỡ nhớ. Ông Cường bảo: “Hơn 2 tháng chuyển lan xuống đây là quãng thời gian thiếu thốn, nhưng nếu tết này hoa lan bán được giá thì những vất vả kia có là gì”.

Chi phí “di cư” hàng trăm triệu đồng

Với người trồng địa lan, mỗi lần di chuyển “vườn địa lan” tốn hàng trăm triệu đồng, nhưng nếu không di chuyển, họ sẽ phải đối mặt với rủi ro khi lan không bật nụ và khó tiêu thụ. Bỏ ra chi phí lớn, nhưng đổi lại các chủ vườn có thể chắc chắn thời điểm lan nở đẹp cũng như chọn được vị trí đắc địa để tiêu thụ.

Tại một bãi đất rộng

img

Nếu cuộc di cư thành công, thời tiết thuận lợi, nhiều nhà vườn trồng địa lan, nhất là loài lan "Trần mộng-giấc mộng vua Trần" sẽ thu hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng lợi nhuận sau 1 năm chăm sóc. Ảnh: HaTV.

khác ở xã Tòng Sành, ông Nguyễn Văn Dũng, một chủ vườn địa lan lớn ở Sa Pa đang xếp những giá sắt ngay ngắn, thẳng hàng. Chiếc xe tải chở những chậu lan được buộc và bọc cẩn thận đỗ gần đó, 4 lao động người bản địa được thuê với giá 200.000 đồng/ngày để khiêng những chậu địa lan xếp lên giá sắt. Trước đó, khu đất này được ông Dũng quây lưới sắt và lưới đen nhằm điều tiết ánh nắng cũng như nhiệt độ phù hợp với địa lan.

Ông Dũng cho biết: “Thời gian này, tôi chuyển 400 chậu địa lan từ Sa Pa xuống, tính ra các loại chi phí hết gần trăm triệu đồng”. Nhưng theo ông Dũng, đó là chi phí đáng phải đầu tư, bởi theo dự báo, nếu rét đậm kéo dài như vừa qua thì địa lan ở Sa Pa sẽ khó nở đúng dịp tết. Cũng nhờ cuộc “di cư” của vườn địa lan mà nhiều lao động địa phương kiếm được nguồn thu khá.

Niềm tin về vụ lan tết

Thời điểm này, các chủ vườn địa lan ở Sa Pa đang bận rộn cho việc chuyển lan về vùng ấm hơn. Chỉ khoảng 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, đây cũng là quãng thời gian các chủ vườn vất vả hơn và thậm chí mất ăn, mất ngủ vì địa lan. Cuộc sống xa nhà thiếu thốn, phải ăn ngủ ở những chiếc lán tạm không đủ che chắn gió, vất vả là thế, nhưng những người nông dân vẫn không ngừng hy vọng. Người trồng lan tin rằng, Tết Nguyên đán năm nay sẽ có thêm nhiều khách hàng, những chậu lan được mang đi khắp nơi và người trồng được đền đáp xứng đáng với mồ hôi, công sức bỏ ra suốt năm qua.

img

Ông Nguyễn Tiến Cường chăm sóc vườn địa lan.

Ngồi nhấp ngụm chè đặc, ông Nguyễn Tiến Cường vẫn chưa quên vụ lan Tết Nguyên đán năm 2016. Đó là vụ lan ông lỗ lớn nhất kể từ khi trồng địa lan. “Nếu tính các chi phí, tôi lỗ hơn 100 triệu đồng”. Với nông dân, đó là con số lớn cho những gì họ phải bỏ ra trong một năm lao động. Nhưng không vì thế mà ông Cường nản lòng, gác lại muộn phiền về vụ lan năm trước, ông tươi cười nói: “Lỗ lãi là chuyện bình thường, năm trước lỗ, biết đâu vụ này “trời thương” lại cho lãi lớn thì sao!”.

Còn với chủ vườn Nguyễn Văn Dũng, kết quả của vụ lan Tết Nguyên đán năm 2016 như động lực giúp ông làm việc quên nghỉ ngơi. Ông tin rằng, những nỗ lực và tâm huyết không biết mệt mỏi của ông đối với vườn địa lan sẽ đem về số doanh thu cao hơn năm trước.

Bữa cơm chiều muộn của những chủ vườn đưa lan đi “tránh rét” rất đạm bạc, chốc chốc, những người đàn ông xa gia đình lại nhấp ngụm rượu cho ấm người giữa cái lạnh tê tái. Thỉnh thoảng, vài người dân quanh khu vực ra những vườn lan “tạm” để ngắm nghía, bàn chuyện về chăm hoa lan sao cho hoa bật nụ đẹp nhất vào đúng dịp tết. Những câu chuyện cứ nối tiếp như không muốn dứt. Nhưng điều các chủ vườn quan tâm nhất ở thời điểm này chính là giá địa lan năm nay và những dự định trong tương lai nếu như vụ lan này lãi lớn.