Tỷ lệ lao động qua học nghề tăng cao
Ông Văn Phúc Thụ - Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Bắc Kạn cho biết, thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã mở rộng các hình thức dạy nghề trong doanh nghiệp, công ty, dạy nghề gắn với sản xuất, dạy nghề theo nhu cầu của xã hội, nhờ đó tỷ lệ người lao động qua học nghề có việc làm ngày một tăng lên. Đặc biệt, tỷ lệ lao động nghề qua đào tạo chung của toàn tỉnh đã tăng lên trên 35%, riêng khu vực nông thôn đạt 32%.
Đề án đào tạo nghề là cách để tăng năng suất lao động nông thôn. ảnh: Internet
Trong giai đoạn 2017 - 2020, tỉnh Bắc Kạn phấn đấu giải quyết việc làm mới cho 20.000 lao động. Theo đó, nâng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn lên trên 85% vào năm 2020, kiểm soát tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới mức 3,5%; tổ chức tư vấn việc làm cho trên 14.000 người.
Hiện nay, Bắc Kạn có 19 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có Trường Cao đẳng nghề Dân tộc nội trú Bắc Kạn là trường có kinh nghiệm đào tạo nghề tốt. Sự thay đổi trong tư duy, nhận thức của người dân về việc học nghề sau khi tốt nghiệp THPT cũng đã tác động trực tiếp đến kết quả tuyển sinh của trường.
Đào tạo nghề cho 3.000 lao động nông thôn
Được biết năm 2016, toàn tỉnh đã mở được 77 lớp, đào tạo nghề cho 2.331 người. Riêng 11 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho hơn 2.600 lao động nông thôn (đạt hơn 90% kế hoạch). Một số nghề sau khi đào tạo đã giúp người dân phát triển kinh tế hiệu quả như: Chăn nuôi gia súc, gia cầm; trồng rau; sản xuất phân vi sinh; kỹ thuật sửa chữa máy nông nghiệp... |
Song song với công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung, tỉnh Bắc Kạn cũng rất chú trọng vào thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhằm tạo việc làm, giảm tỷ lệ hộ nghèo của địa phương. Hiện nay, Bắc Kạn gắn việc thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” với chương trình xây dựng nông thôn mới. Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, năm 2017, tỉnh Bắc Kạn phấn đấu hỗ trợ đào tạo nghề cho khoảng 3.000 lao động nông thôn.
Ông Thụ cho biết, tỉnh tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý về giáo dục nghề nghiệp, nghiệp vụ đào tạo nghề cho 130 cán bộ làm công tác quản lý về dạy nghề cấp huyện và cán bộ làm công tác LĐTBXH cấp xã, phường, thị trấn; đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho 120 cán bộ làm công tác quản lý, nhà giáo dạy trình độ sơ cấp, thuộc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn của tỉnh. Thêm vào đó, xây dựng mới 7 bộ giáo trình dạy nghề trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng để áp dụng trong công tác đào tạo cho các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh.
“Các cơ sở đào tạo đã liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp trong khâu đào tạo, tạo việc làm chính vì vậy tỷ lệ học sinh sau học có việc làm ổn định tăng cao trong 3 năm trở lại đây, liên tục trên 75%” – ông Thụ nói.
Theo ông Thụ, mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đặt ra là mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 6.000 lao động, trong đó phải đào tạo nghề cho khoảng 3.000 lao động nông thôn.