Hội Phụ nữ huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) là một trong những đơn vị quản lý có hiệu quả và phát huy được đồng vốn từ nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Bà Phạm Thị Hòa – Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Diên Khánh cho biết: Cứ vào đầu tháng, khi họp giao ban với các tổ tiết kiệm và vay vốn, căn cứ vào danh sách, lãnh đạo Hội sẽ nắm bắt lại tình hình, thường xuyên nhắc nhở các hộ vay trả nợ đúng thời hạn. Chính cách làm này đã góp phần hạn chế được những rủi ro nợ xấu.
Gia đình chị Lý Thị Thanh Hoa làm ăn ổn định nhờ đồng vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Diên Khánh. Ảnh: C.T
Theo bà Hòa, có được kết quả trên là nhờ Hội đưa ra giải pháp, vận động các thành viên tích góp gửi tiền tiết kiệm hàng tháng, mỗi thành viên từ 100.000 – 500.000 đồng/tháng, tùy theo điều kiện kinh tế của từng hộ. Để quản lý chặt chẽ nguồn vốn ủy thác, Hội còn để cho các thành viên tự kiểm tra chéo nhau, khi phát hiện những vấn đề bất cập cần thông tin kịp thời đến tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn biết.
“Quy trình xét duyệt hộ vay cũng khá chặt chẽ, đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích. Đối với những hộ nghèo, cận nghèo, gia đình khó khăn có nhu cầu vay vốn sẽ đăng ký cho các tổ trưởng. Từ đây, tổ trưởng báo lên và phối hợp với cán bộ hội đi kiểm tra, xét chọn hộ vay...” – bà Hòa khẳng định. Nhờ cách làm hiệu quả này mà dư nợ nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Diên Khánh qua Hội Phụ nữ ngày càng tăng lên, hiện đạt trên 140 tỷ đồng, với163 tổ tiết kiệm, 7.800 hộ vay. Thông qua nguồn vốn, năm 2016 đã có 200 hộ thoát nghèo, nhiều tổ liên kết đi vào hoạt động có hiệu quả, xuất hiện nhiều tấm gương sản xuất giỏi.
Điển hình như trường hợp chị Lý Thị Thanh Hoa (thôn Trường Thạnh, xã Diên Thạnh). Chị Hoa chia sẻ: “Nhờ được vay nguồn vốn giải quyết việc làm từ Ngân hàng Chính sách xã hội mà tôi có được công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập. Hiện gia đình chuyên làm thang tre, mỗi tháng làm từ 200 – 250 cây thang, giá bán dao động từ 130.000 – 180.000 đồng/cây, thu nhập trên 3 triệu đồng/tháng...”.