Dân Việt

Màn hạ độc khét tiếng của đại ca giang hồ Bắc Kỳ Con

Quỳnh Nguyễn 17/12/2017 20:30 GMT+7
Năm 2000, Phạm Văn Hướng tay trắng một thân một mình vào đất Sài Gòn mưu sinh. Với món võ học được từ người thầy Campuchia cộng với công phu "giết người trong chớp mắt", gã nhanh chóng lọt vào mắt giới giang hồ và chiếm được một chân thủ lĩnh.

Sau khi tranh giành quyền lực với Anh Bảy và cướp địa bàn của bà Mai Sa Cảng tại Chợ Lớn quận 5, cái tên Bắc Kỳ Con là nỗi ám ảnh của dân xã hội đen thời đó. Sau lần thoát chết trong gang tấc trước "ngàn lưỡi dao", cuộc đời gã cũng bước sang trang khác. Chuyện đời về giang hồ Bắc Kỳ Con sau 10 năm quy ẩn lần đầu được hé lộ.

Sinh ra tại một mảnh đất nghèo quê lúa, Phạm Văn Hướng có một tuổi thơ không yên ả. Năm lên 8 tuổi, sau khi người cha sa vào tội lỗi rồi phải đi tù, cuộc đời Hướng luôn xảy ra biến cố. Bỏ học, Hướng tha hương làm đủ nghề, từ khuân vác thuê đến bảo vệ rồi sau này trở thành bảo kê. Với chút võ nghệ học được từ các đàn anh, đàn chị, Hướng nhanh chóng lọt vào con mắt của các đại ca giang hồ đất Sài thành. 20 tuổi, sau trận náo loạn tại vũ trường Phi Thuyền, đánh dấu "bước chân lớn" trong giang hồ với cái tên "Bắc Kỳ Con".

Đi làm phu vàng từ năm 13 tuổi

Tôi gặp Phạm Văn Hướng qua lời giới thiệu của một người bạn. Điều khiến tôi bất ngờ nhất khi nghe mọi người nhắc đến anh của 10 năm trước - Một đại ca trẻ khét tiếng Sài Gòn với biệt danh "Bắc Kỳ Con".

Phạm Văn Hướng sinh năm 1982 trong một gia đình 4 anh chị em, quê gốc ở Vũ Thư, Thái Bình. Từ nhỏ, Hướng đã sinh sống ở Yên Bái và bước ngoặt cuộc đời khi anh lên 8 tuổi. Hướng kể: "Bố tôi phải ở tù 3 năm sau một lần vận chuyển đá quý trái phép. Gia đình lúc ấy có bao nhiêu tài sản phải bán hết, tôi về ở với ông bà nội. Cuộc sống của tôi từ lúc đó cho đến hết những năm học cấp 3 thì lúc nào cũng xảy ra biến cố khiến tôi từng bỏ học nhiều lần. Những bữa cơm của gia đình chan trong nước mắt".

img

Vũ trường Phi Thuyền nơi Hướng hạ gục Thuận chân to (ảnh minh họa).

Hè năm lớp 7, Hướng ngược trở về Yên Bái đi làm đá đỏ cùng với người anh rể. Hàng ngày, Hướng phải xuống hầm để làm cùng các phu vàng khác. "Hồi đó tôi nghe mọi người nói những gì mình làm được thì phải giữ lấy bằng mọi giá, kể cả bằng sinh mạng nên tôi học theo. Thế là những lần bị người khác đến chiếm bãi vàng tôi giành lại. Sau mỗi lần đó là những trận đòn thừa sống, thiếu chết. Dần dần tôi học cách chấp nhận cuộc sống, không phản kháng và cũng không còn có sức để kháng cự. Trong đợt bão to, cuốn hết cả lán, than bùn vùng hạ lưu tràn lênh láng, mỗi người tan tác một nẻo. Nhân cơ hội đó, tôi cùng với người anh rể của mình trốn về quê. Hai anh em cứ thế chạy rồi thay nhau chèo thuyền qua sông. Bị sóng đánh lật thuyền, rất may hai anh em trôi dạt vào bờ thoát chết", anh Hướng nhớ lại.

Làm bảo kê gái gọi rồi bảo vệ cho đại ca

Một điều đặc biệt ở Phạm Văn Hướng là rất yêu thích võ thuật. Năm 1998, Hướng bỏ nghề phu vàng tìm thầy học võ. Ngày đó, anh may mắn được võ sư Kathada - người Campuchia đào tạo đối kháng ngoài đời. Những chiêu thức vẫn còn giữ vẻ nguyên sơ của môn võ thuật này là đã đánh thì sẽ gây sát thương. Với ngón võ này, mỗi võ sĩ lên sàn đấu thì như sát thủ máu lạnh, "một là bị đuổi ra khỏi sàn đấu, hai là không để đối phương đánh mình".

Bằng sự chăm chỉ, đam mê và thông minh, anh được cấp chứng chỉ để đứng lớp. Nhưng không ngờ, tiếng tăm từ chiếc huyền đai khiến anh lọt vào "mắt xanh" của trùm giang hồ khét tiếng. Đây cũng là mầm mống, dấu hiệu mở đầu cho những chuỗi ngày "lạc bước" sau này...

Đó là buổi chiều muộn cuối tháng 6.2000, một người "gợi ý" đưa anh vào Sài Gòn và trả lương là 2 triệu 400 nghìn đồng một tháng. Hành trang của Hướng chỉ duy nhất là một cây sáo đánh võ.

Chuyến xe vào Nam, bữa ăn đầu tiên họ dồn mọi người vào hàng rào thép bắt ăn bữa cơm 15 ngàn đồng. Trong túi chỉ còn 10 ngàn đồng, anh mua bánh mì ăn dần. Rất sợ nhà xe bắt phải ăn uống mà trong túi thì không còn một đồng nào, anh đã trốn trên gầm xe, trốn vào nhà vệ sinh của quán ăn. Cho đến khi đáp chân được xuống bến xe miền Đông, anh đi tiếp vào gần Cầu Đen, là địa bàn hoạt động mà anh được giới thiệu đến.

Hướng được dẫn đến chỗ bà Mai Sa Cảng, người đàn bà tầm 40 tuổi vóc dáng to béo. Bà ta sắp xếp cho anh một căn phòng (thực chất là kho chứa những hũ rượu lớn), bên cạnh là phòng chứa két sắt đựng tiền của bà Mai Sa Cảng. Anh được giao nhiệm vụ bảo vệ căn nhà đó.

Ngày đầu tiên vào nghề, bà Mai Sa Cảng giao cho anh một chiếc xe máy Dream màu mận chín cùng một chiếc điện thoại di dộng. Anh được dẫn đi làm quen và khảo sát địa bàn. Địa bàn hoạt động được phân chia rất rõ ràng, khu vực của bà Mai Sa Cảng từ cầu Đen tới Chợ Lớn Quận 5. Họ dẫn anh đến và chỉ anh về phía bên kia đường. Anh nhìn thấy rất nhiều con gái đứng xếp hàng, cười ríu rít. Sau đó anh mới biết, ngoài việc cho vay nặng lãi, bà Mai Sa Cảng còn làm chủ đường dây gái gọi. Công việc của Hướng lúc đó là bảo kê cho các cô gái đó. Trong đội có 6 vệ sỹ để bảo kê cho vài trăm người. Tại đây, anh không trực tiếp tham gia mà chỉ làm công tác quản lý chung. Trong băng, có người anh trai bà chủ là anh Bảy, người già nhất trong đội và cũng là người nhà của bà Mai Sa Cảng nên được tôn trọng nhất. Với tiếng tăm từ chiếc huyền đai cộng với việc tinh thông võ thuật, Hướng được giao thêm công việc bảo vệ cho anh Bảy.

img

Phạm Văn Hướng kể về việc giắt dao vào tay để cắt tai Thuận chân to trong nháy mắt.

Xuống tay trong “rừng xã hội đen”

Khoảng tháng 7.2001, Hướng cùng "anh em" ra dốc Sương Mù chơi - nơi xảy ra vụ Hải Bánh - Dung Hà rầm rộ trong giới giang hồ ngày đó. Mục đích buổi họp mặt thực chất là bài kiểm tra sát hạch về bản lĩnh của mỗi người trước giang hồ. Dân đàn anh, đàn chị trước đó đã có quy định, sau mỗi buổi nhậu nhẹt anh em sẽ chia tiền trả. Nếu như ai không muốn trả tiền thì phải chứng mình bản lĩnh của mình. Địa điểm anh Bảy, Hướng cùng anh em quy tụ là vũ trường Phi Thuyền - nơi ăn chơi và quy tập của dân xã hội đen khét tiếng Sài thành hồi đó.

Đến lúc chia tiền, thấy Hướng ấp úng vì không có tiền trả, Anh Bảy chỉ vào một người đàn ông to cao trong vũ trường và nói: "Mày hạ thằng đó trong vòng bao lâu?". Hướng tự tin trả lời: "Em đánh nó không cần đến 1 phút". Tất cả những con mắt đổ dồn về phía người thanh niên mới chân ướt chân ráo vào giới giang hồ này.

Người mà Hướng phải đánh gục là Thuận chân to, một thủ lĩnh của băng đảng đối địch với băng đảng của bà Mai Sa Cảng. Khi đến vũ trường, Thuận chân to đi bằng chiếc xu-xì-bo giá cả trăm triệu đồng cùng nhiều vệ sỹ. Hướng cùng Linh Miên, một đàn em của anh Bảy bước đến gặp Thuận chân to ở khu vực bàn vip. Chỉ trong vòng một phút, Hướng đi một vòng quanh người Thuận chân to một cách nhẹ nhàng rồi bước ra. Hai người vừa bước chân ra khỏi cửa thì cũng là lúc tên Thuận gục xuống. Đàn em của hắn nhớn nhác mà không hiểu tại sao. Bản thân Linh Miên cũng giật mình vì trong nháy mắt hắn chưa kịp nhìn xem Hướng đã làm gì. Chưa kịp định thần thì Hướng xòe bàn tay ra cho hắn xem: Đó là một một mẩu tai của Thuận chân to.

Miếng đòn hiểm khiến đối thủ khiếp sợ

Hướng kể lại: "Lúc đó, tôi dùng mu bàn tay gõ thật nhanh mà chính xác vào gáy của đối thủ. Chiêu này hạ gục đối thủ không đến vài giây, yêu cầu động tác phải thật nhanh gọn và đủ mạnh. Anh em của Thuận chân to nhiều như thế nếu mình không nhanh thì cái mạng tôi cũng không thể giữ lại được".