Để nâng cao thu nhập cho hội viên, những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường 3, thị xã Ngã Năm đã nhân rộng nhiều mô hình kinh tế có chi phí đầu tư thấp, dễ thực hiện, trong đó có mô hình trồng cỏ năn. Từ mô hình này mà nhiều hội viên phụ nữ có nguồn thu nhập cao, cải thiện cuộc sống.
Trao đổi với chúng tôi, bà Trương Thị Liễu - Chủ tịch Hội LHPN phường 3 cho biết: “Hiện nay, Hội duy trì nhiều mô hình, riêng mô hình trồng năn được các chị em phát triển rộng khắp trên địa bàn phường, nhưng tập trung chủ yếu ở khóm Vĩnh Hậu...".
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Mai cắt năn giao bán cho thương lái vào mỗi sáng sớm.
Theo bà Trương Thị Liễu, những năm gần đây, do biến đổi khí hậu, thời tiết thất thường nên trồng lúa cho năng suất thấp. Từ đó nhiều chị em phụ nữ đã chuyển đổi những vùng đất phèn, trũng trồng lúa và tồng các cây màu khác kém hiệu quả sang trồng năn, góp phần nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm và cải thiện cuộc sống gia đình...
Chị Phan Thị Bích Liễu ở khóm Vĩnh Hậu, phường 3 bộc bạch: “Gia đình tôi có 6 công đất, trước đây trồng 2 vụ lúa. Nếu vụ Đông - Xuân trúng mùa thì đỡ hơn, còn vụ lúa Hè - Thu là mùa nước nổi nên cây lúa hay bị đổ, bán không được giá, thu nhập không được bao nhiêu. Cách đây 2 năm, gia đình tôi chuyển sang trồng cỏ năn kết hợp nuôi cá đồng, mô hình này lợi nhuận cao gấp 3 lần so với trồng lúa”.
Theo chị Liễu, trồng năn không khó, để cây năn phát triển tốt và cho năng suất cao thì phải biết chọn giống năn. Khi mới trồng, gia đình chị Liễu đầu tư tiền giống năn khoảng 500.000 đồng/1 công, sau khi cho thu hoạch có thể tận dụng năn giống tại nhà.
Trồng năn một năm làm 2 vụ. Mùa nước nổi là mùa chính, vì trong thời gian này cây năn phát triển tốt, năng suất và chất lượng cao. Năn trồng 2 tháng cho thu hoạch, nhổ xoay vòng, mỗi ngày gia đình chị Liễu thu hoạch khoảng 100kg, trừ chi phí còn lời trên 500.000 đồng. Ngoài ra, thu nhập từ nuôi cá cũng được khoảng 30 triệu đồng mỗi năm.
Chị Nguyễn Thị Mai cũng ở khóm Vĩnh Hậu, không có nhiều đất sản xuất nhưng thấy lợi nhuận cây năn mang lại cao, chị đã mạnh dạn mướn đất để trồng. Chị Mai khoe: “Trước đây, gia đình tôi thuộc hộ nghèo, chỉ có 1 công đất. Thấy nhiều chị em trong Hội trồng năn cho thu nhập cao nên 2 vợ chồng mạnh dạn mướn thêm 7 công đất để trồng. Năn dễ trồng, chi phí thấp, một tháng chỉ rải phân một lần, mau cho thu hoạch, thời gian lại kéo dài...".
Để nhổ được năn non và kịp bán cho thương lái, hai vợ chồng chị Nguyễn Thị Mai phải đi nhổ năn từ lúc 2 giờ sáng để 6 giờ sáng kịp giao. Sau khi trừ hết chi phí, trung bình mỗi ngày chị Mai lời khoảng 700.000 đồng”.Từ khi mướn đất trồng năn, gia đình chị Mai có nguồn thu nhập ổn định, có của ăn của để và thực sự thoát nghèo.
Trao đổi với chúng tôi, bà Trương Thị Liễu cho biết thêm: “Để nâng cao đời sống, phấn đấu giảm nhanh tỷ lệ hội viên nghèo, chúng tôi tiếp tục nhân rộng, phát triển những mô hình kinh tế hiệu quả, phù hợp với hoàn cảnh từng chị em, trong đó có mô hình trồng năn. Đối với những hội viên không có ruộng đất thì vận động chị em phát triển mô hình chăn nuôi và tận dụng kênh mương trồng năn. Để mô hình phát huy hiệu quả lâu dài, hướng tới, chúng tôi sẽ thành lập tổ hợp tác chăn nuôi và trồng năn. Vì khi tham gia tổ hợp tác, các chị sẽ dễ dàng được tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống hội viên, xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh”...
"Trồng năn để làm gì? Cây năn sử dụng làm thức ăn như thế nào? Đó là câu nhiều người hỏi về cây năn. Thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng là 1 trong những địa phương có giống năn bộp (năn ngọt). Đọt năn bộp được chế biến thành nhiều món. Rau năn có vị ngọt thanh, có hậu và hơi ngai ngái mùi phèn mặn và mùi khói rơm rạ đốt trên đồng. Đọt năn cũng có thể nấu canh cá, canh thịt băm, canh ngao, canh cua đồng, nhúng lẩu mắm...Dưa chua năn cũng là món ăn được người dân miền Tây Nam Bộ ưa thích. Dưa năn có thể làm dạng muối xổi trộn dấm đường tỏi ớt và chút muối ăn sau đó để khoảng 30 phút là dùng được..."-Danviet |