Theo thống kê kết quả kinh doanh năm 2017 của 10 ngân hàng niêm yết trên sàn HSX và HNX đã cho thấy sự khởi sắc mạnh mẽ. Tổng thu nhập của 10 ngân hàng này đạt hơn 122 nghìn tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng hơn 29% so với cùng kỳ 2016.
Trong đó, thu nhập lãi tăng trưởng 27,3%, đóng góp khoảng 80%; thu nhập dịch vụ tăng trưởng 43%, đóng góp khoảng 9% vào tổng thu nhập. Tỷ trọng đóng góp của hoạt động dịch vụ tiếp tục cải thiện nhẹ nhưng động lực tăng trưởng vẫn đến từ thu nhập lãi của ngành.
Sự quay lại của “cổ phiếu vua”
Bên cạnh đó, cùng với sự đi lên của thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu ngân hàng đã liên tục bứt phá trong thời gian gần đây, trong đó, nhiều mã tăng hơn 100% như VCB, TCB, HDB… tại cả thị trường OTC và niêm yết.
Cùng với đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng được đánh giá sẽ duy trì thu hút sự chú ý của nhà đầu tư trong những tháng cuối năm 2017 và đầu năm 2018, một phần nhờ tình hình kinh doanh của các nhà băng khá lạc quan và làn sóng lên sàn dự báo giúp cổ phiếu ngành ngân hàng không bao giờ hết “nóng”, đặc biệt trong thời gian tới.
Hiện nay, các nhà băng đang nhận được nhiều hỗ trợ tích cực từ các yếu tố như tín dụng cải thiện, mục tiêu tăng trưởng dư nợ được nâng lên 21%; quá trình xử lý nợ xấu được đẩy nhanh kể từ khi có Nghị quyết 42/2017/QH14… Nhờ vậy, một số nhà băng đã sớm cán đích lợi nhuận cả năm ngay từ khi kết thúc quý III.2017.
“Cùng với đó là kết quả kinh doanh khả quan và tình hình thị trường ngày một sáng sủa sẽ tác động tích cực lên giá cổ phiếu của ngành ngân hàng - vốn một thời được xem là “vua”, giá các cổ phiếu ACB, VCB, MBB, VPB đã và sẽ giữ đà tăng”, CTCK KIS Việt Nam nhận định.
Cổ phiếu ngân hàng được dự báo sẽ tiếp tục bứt phá trong năm 2018 (Ảnh: IT)
CTCK Rồng Việt cũng đánh giá tiềm năng tăng trưởng cao hơn cho cổ phiếu của ngân hàng Vietcombank và ACB nhờ chất lượng tài sản tốt và khả năng sinh lời cao trong năm nay.
“Nếu như trước đây, việc các ngân hàng thông báo chuẩn bị niêm yết khó có tác động lên thị trường, bởi đã nhiều lần “thất hứa” khiến giới đầu tư thất vọng thì năm nay, hành động “nói đi đôi với làm” của các nhà băng đã góp phần củng cố niềm tin của giới đầu tư, từ đó hỗ trợ cho đà tăng giá của cổ phiếu “vua”, CTCK Rồng Việt nhận định.
Chẳng hạn, LienVietPostBank; VIB đã đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM và dự kiến sớm niêm yết; OCB, Techcombank, HDBank dự kiến niêm yết trên sàn HOSE đầu năm 2018…
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ chứng kiến sự phân hóa mạnh trong thời gian tới, khi nhà đầu tư cả trong và ngoài nước vẫn dành ưu ái cho một số cổ phiếu của ngân hàng quy mô lớn đã niêm yết trên sàn, nhất là những nhà băng có động thái xử lý tốt nợ xấu như: VCB, ACB, MB...
Cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục tạo sóng
Thị trường chứng khoán năm 2017 được đánh giá là năm thành công. Chỉ số VN-Index vượt đỉnh 9 năm đi kèm với khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch ở mức kỷ lục. Tất cả các nhóm ngành đều ghi nhận sự tăng trưởng trong đó dấu ấn lớn nhất là cổ phiếu đầu ngành. Hệ số giá/thu nhập (P/E) toàn thị trường được nâng lên mức cao. Khối ngoại giải ngân mạnh trên thị trường đặc biệt khi xét tới sự tăng trưởng danh mục đầu tư gián tiếp của khối này.
Đặc biệt là ngành ngân hàng, lần lượt trong năm, các tổ chức xếp hạng tín dụng như Fitch, S&P, Moody đã nâng xếp hạng tín nhiệm của nhiều ngân hàng Việt. Bên cạnh đó, nền kinh tế vĩ mô thuận lợi đã giúp các ngân hàng đạt tăng trưởng lợi nhuận cao và điều này đã thể hiện rõ nét trong kết quả kinh doanh.
“Năm 2018, hoạt động của các ngân hàng và theo đó là nhóm cổ phiếu ngân hàng có thể tiếp tục diễn biến tích cực. Ngoài các ngân hàng hiện đang niêm yết, một số ngân hàng đại chúng dự kiến sẽ lên sàn trong năm 2018. Đây có thể là một yếu tố giúp “tạo sóng” cho ngành này trong năm 2018”, CTCK Rồng Việt nhận định.
Ngoài ra, làn sóng IPO và niêm yết mới của nhiều ngân hàng trong đó có nhiều doanh nghiệp được nhà đầu tư săn đón như Techcombank, HDBank hay OCB cũng sẽ tạo sức hấp dẫn đặc biệt cho thị trường trong năm 2018.
Chính vì vậy, VCBS dự đoán, VN-Index trong năm tới sẽ tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh dòng tiền vẫn được duy trì trên thị trường. Khối lượng giao dịch trung bình trong năm 2018 sẽ tăng khoảng 20% so với con số trung bình cuối năm 2017. Giá trị giao dịch kỳ vọng mức tăng khoảng 25%. Kèm theo đó, các phiên giao dịch với giá trị hoặc khối lượng giao dịch đột biến có thể xuất hiện nhiều hơn.
“Theo chu kỳ điểm rơi của kết quả kinh doanh ở các ngân hàng, khả năng bước ngoặt của dòng ngân hàng sẽ diễn ra từ đầu năm 2018 sau thời điểm báo cáo KQKD 2017. Đến quý III.2018 “sóng”có thể tiếp tục diễn ra nhưng dài hạn ở một vài các cổ phiếu ngân hàng như VCB, BID, CTG... Bên cạnh đó, cũng cần tính đến sự đồng pha với nhịp sóng của thị trường” một nhà đầu tư nhận định.