Sau khi phản ánh về con đường liên thôn nối từ thôn Xuyên Hùng đến bản Đài Van - thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã Đài Xuyên, huyện Vân Đồn vừa làm xong đã hỏng, Dân Việt tiếp tục ghi nhận tại Trường THCS Đoàn Kết của huyện này bị rạn nứt cùng do đơn vị thi công là Công ty CP đầu tư xây dựng du lịch và thương mại Thẩm Gia thi công.
Theo thông tin phản ánh từ bạn đọc, trường THCS Đoàn Kết, xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) vừa được xây dựng xong chưa bàn giao đã có hiện tượng xuống cấp nghiêm trọng. Đơn vị thi công lại khắc phục bằng cách sơn, bả tạm bợ nhằm che đi những vết lún, nứt và khẳng định an toàn đảm bảo phục vụ công tác dạy và học.
Ngày 25.12 PV Dân Việt đã trực tiếp xuống trường THCS Đoàn Kết để khảo sát thực tế các vết nứt. Theo quan sát của PV, những vết nứt ngang, dọc nhỏ đã được đơn vị thi công bả lại và sơn đè lên, tuy nhiên những vết nứt này tiếp tục có dấu hiệu nứt rộng ra.
Những vết nứt lớn tại các trụ bê tông lớn có chỗ lên đến vài cm. Mái hiên bằng bê tông cũng nứt toác, nước mưa theo vết nứt chảy thẳng xuống ban công tầng 2. Các khối nhà được xây liền nhau không có khe hở.
Trường THCS Đoàn Kết, huyện Vân Đồn, chưa bàn giao đã xuống cấp nghiêm trọng
Qua tìm hiểu được biết, Công ty CP đầu tư xây dựng dịch vụ và thương mại Thẩm Gia đã trúng thầu thi công dự án Trường THCS Đoàn Kết với mức đầu tư lên tới 16 tỷ đồng. Trường được xây dựng từ đầu năm 2017, sau hơn 6 tháng thi công, đến tháng 9 vừa qua, trường đã đi vào hoạt động đúng dịp khai giảng năm học mới.
Mặc dù chưa được bàn giao, nhưng chủ đầu tư đã đồng ý cho thầy, trò trường THCS Đoàn Kết sử dụng ngôi trường cho kịp năm học. Tuy nhiên, chỉ sau hơn 1 tháng sử dụng công trình này liên tục xuất hiện các vết nứt, đứt gãy ở các tòa nhà.
Cụ thể, các dãy nhà 2 tầng có hiện tượng nước thấm xuống khu hội trường. Trần nhà có nước thấm theo các vết nứt chảy xuống, trong khi đó các vết nứt dày đặc như mạng nhện. Không những thế, toàn bộ các dãy nhà phục vụ cho việc học tập và giảng dạy của trường đều xuất hiện các vết nứt chằng chịt khắp nơi.
Nguy hiểm nhất là dãy nhà chức năng, các cây cột ghép đã xuất hiện nứt, tách lớn. Hầu hết các dãy nhà của trường đều bị nứt. Các vết nứt ngang, nứt dọc rất nguy hiểm. Đơn vị thi công xây dựng đã dùng matit để che các vết nứt đi nhưng không ăn thua. Các cây cột đơn nguyên ghép lại với nhau đã bị há nứt, nhiều chỗ nứt rộng hơn 1cm. Hệ thống bể phốt sau khu nhà chức năng mùi bốc lên nồng nặc.
Trước sự xuống cấp nghiêm trọng và nguy cơ mất an toàn của ngôi trường mới, Ban giám hiệu trường THCS Đoàn Kết đã có văn bản gửi các bên liên quan xem xét chất lượng công trình. Ban quản lý dự án công trình huyện Vân Đồn lập tức cử người xuống sơn bả vá víu những vết nứt để xóa dấu vết.
Theo lý giải của ông Vũ Mạnh Hưng, cán bộ kỹ thuật Ban Quản lý Dự án công trình huyện Vân Đồn với báo chí thì “công trình nhà học 2 tầng và nhà bộ môn nằm gần nhau. Theo thiết kế, vị trí của hai nhà trên nằm trên hai nền đất khác nhau. Phía dưới nhà bộ môn nền đất đắp và phía dưới nhà học 2 tầng là nền đất đào. Vì vậy, thiết kế phải bố trí hai khe lún để đảm bảo kết cấu công trình”.
Tuy nhiên có một thực tế mà ông Hưng không hề nhắc tới đó là những vết nứt chằng chịt như mạng nhện tại các bức tường vừa được bả, vá vẫn đang tiếp tục há rộng nguyên nhân do đâu?
Theo các chuyên gia về xây dựng, nếu trong thiết kế các khối trường học tách rời thì khi xây dựng đơn vị thi công phải chèn xốp hoặc silicon và giữa và không được phép chát vữa, ốp gạch liền lên trên, che khe tách hai khối nhà như thế. Hai khối nhà cũng phải thiết kế độc lập để tránh tình trạng mái hiên bê tông bị nứt làm đôi lại nằm giữa khu vực ban công nên khi có mưa, nước mưa theo vết nứt chảy lênh láng lối đi như khu nhà này.
Liên quan đến những phản ánh trên, ngày 28.12, trao đổi với PV, ông Thẩm Hồng Sơn - Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Du lịch và Thương Mại khẳng định: "Chúng tôi chắc chắn đã làm nghiêm túc. Chúng tôi sẽ đề nghị huyện thành lập đoàn vào kiểm tra công để đưa ra kết luận đúng, sai".
Những khớp nối đã xuất hiện những viết nứt
Tường lớp học xuất hiện vết nứt lớn
Văn bản kiến nghị của nhà trường trước sự xuống cấp nhanh chóng của công trình
Những vết nứt được bả, bá tạm bợ
Vết nứt dài tách đôi cả mái hiên bằng bê tông, trời mưa nước chảy tràn ra khu vực hành lang
Chủ đầu tư không nhắc tới những vết nứt như thế này
Dân Việt tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.