Hai doanh nhân Trịnh Văn Quyết và Lê Vĩnh Sơn giao lưu cùng sinh viên Đại học Xây dựng.
Mục tiêu của buổi giao lưu nhằm hỗ trợ cho sinh viên ngành xây dựng có nhận thức rõ ràng hơn về cơ hội phát triển nghề nghiệp, tư vấn cho sinh viên những kỹ năng thiết yếu trong quá trình xin việc, đồng thời giải đáp cụ thể những thắc mắc về cơ hội việc làm, khả năng thăng tiến…
Bằng lối nói chuyện cởi mở, gần gũi, hai doanh nhân trong ngành bất động sản, xây dựng - ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC và ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sơn Hà - đã làm nóng không khí hội trường qua phần hỏi đáp thẳng thắn, thú vị, khơi gợi nhiều định hướng nghề nghiệp tương lai cho sinh viên.
Chọn nẻo vào đời
Trước những băn khoăn của nhiều bạn trẻ về việc, có nhất thiết nên tìm việc đúng ngành, nghề được đào tạo hay không, ông Trịnh Văn Quyết cho biết, bản thân ông hiện cũng hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực khác ngành được đào tạo. Đây là điều bình thường, bởi không phải ai tốt nghiệp cũng tìm được công việc như ý muốn.
Chủ tịch FLC chia sẻ về chặng đường khởi nghiệp.
Ông tâm sự: “Cách đây 22 năm, dù tốt nghiệp Đại học Luật, nhưng chặng đường trở thành luật sư của tôi khá gian nan. Tôi bắt đầu bằng việc thực tập sinh tại một hãng luật và tranh thủ làm thêm, kinh doanh. Sau khi trở thành luật sư, tôi mở công ty luật SMiC, nhưng chính những thành công của SMiC lại tạo ra cơ duyên đưa tôi đến với lĩnh vực xây dựng, bất động sản.”
Từ trải nghiệm của bản thân, ông Quyết cho rằng, công việc đúng ngành được đào tạo hay không thực ra cũng không quan trọng, điều quan trọng nằm ở nhiệt huyết và quyết tâm.
Tuy nhiên, “khi đã được đào tạo bài bản, thì dù sau này chọn trở thành người nông dân, đường cày của bạn cũng vẫn đẹp hơn”, ông hóm hỉnh so sánh.
Trả lời câu hỏi về lựa chọn khởi nghiệp, theo ông Quyết, trước tiên phải đủ khả năng “nuôi” được mình thì mới nên nghĩ đến chuyện khởi nghiệp.
Cùng chung quan điểm, ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà cho rằng, điều quan trọng nhất là phải biết mình muốn gì, từ đó mới lựa chọn con đường phù hợp với thế mạnh bản thân.
“Đối với các bạn muốn làm doanh nhân, phải có một tâm huyết học tập thật tốt khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Nếu muốn trở thành người thành đạt, bạn vẫn nên trải qua lộ trình làm việc tại các công ty”, ông Sơn nói.
“Chìa khóa” xin việc
Bên cạnh các câu hỏi về khởi nghiệp, vấn đề được nhiều sinh viên quan tâm là làm thế nào để một sinh viên xây dựng vừa mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm, có thể được tuyển dụng vào những công ty bất động sản, xây dựng lớn?
Sinh viên Đại học Xây dựng hào hứng đối thoại với các doanh nhân.
Người đứng đầu FLC khẳng định: “Đối với các sinh viên ngành xây dựng, kiến trúc, cho dù chưa có kinh nghiệm làm việc, nhưng nếu có thành tích học tập tốt và có niềm đam mê với nghề, FLC luôn có chính sách để tuyển dụng và đào tạo”.
Đánh giá về thị trường nhân sự Việt Nam nói chung và ngành xây dựng nói riêng, ông Quyết nhìn nhận, hiện tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” vẫn còn phổ biến. Mỗi năm, thị trường lao động Việt Nam đón một lượng lớn sinh viên mới tốt nghiệp. Tuy nhiên số cử nhân, kỹ sư nói chung và trong ngành xây dựng nói riêng có tay nghề cao, đáp ứng được yêu cầu của công việc thì lại rất ít. Đa số các bạn thiếu kỹ năng, kinh nghiệm thực hành, nên khi ứng dụng lý thuyết vào công việc thực tiễn thường lúng túng.
Đứng trước những khó khăn của thị trường nhân sự, ông Quyết cho rằng để tiếp cận được nhiều cơ hội việc làm tốt sau khi ra trường, sinh viên nên chủ động đi làm thêm tại các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản nhằm tích lũy kinh nghiệm, bên cạnh việc trau dồi kiến thức.
Trong khi đó, theo Chủ tịch Sơn Hà: “Nếu các bạn muốn khởi nghiệp ngay trước khi ra trường, khả năng thất bại cực lớn. Vì vậy hãy tìm những công ty phù hợp để làm việc, và phấn đấu dần dần từ nhân viên lên các vị trí cao. Khi đó bạn sẽ biết rõ được bạn cần phải làm gì để tự mình khởi nghiệp thành công”.
Ngay tại buổi tọa đàm, Chủ tịch FLC cũng đề nghị Đại học Xây dựng thường xuyên giới thiệu và tạo điều kiện cho những sinh viên tiềm năng tới thực tập tại FLC. “Nếu trường Đại học Xây dựng có nhu cầu, FLC sẵn sàng tạo điều kiện cho các sinh viên Xây dựng đến thực tập tại Tập đoàn để giúp các em có thêm nhiều cơ hội việc làm tốt sau khi ra trường.”
Câu trả lời của ông đã nhận được tràng pháo tay hưởng ứng của cả hội trường.
Liên kết nhà trường - doanh nghiệp
.Không khí sôi nổi của buổi giao lưu.
Mặc dù thời lượng chương trình đã hết, nhưng nhiều sinh viên vẫn liên tiếp đặt câu hỏi cho hai doanh nhân Trịnh Văn Quyết và Lê Vĩnh Sơn về các vấn đề như: bí quyết trở thành nhà lãnh đạo giỏi, xây dựng thương hiệu, chiến lược cạnh tranh… khiến không khí của buổi giao lưu càng thêm sôi nổi.
PGS. TS Phạm Duy Hòa, Hiệu trưởng Đại học Xây dựng mong muốn, buổi giao lưu này sẽ là tiền đề để hoạt động liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp được đẩy mạnh hơn nữa, gắn kết chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn, thực hiện mục tiêu doanh nghiệp và nhà trường cùng đồng hành trong sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước.
Nhân dịp này, Tập đoàn FLC cũng tặng 100 suất học bổng dành cho các bạn sinh viên Đại học Xây dựng có thành tích học tập tốt, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, với mong muốn động viên, tiếp sức cho quá trình học tập của các em.