Người đi bộ sai quy định gây tai nạn chết người sẽ bị xử lý hình sự (ảnh minh họa)
Người đi bộ, dẫn dắt súc vật gây tai nạn có thể bị phạt tù
Từ ngày 1.1.2018, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự 2015 (sau đây gọi là Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi) sẽ chính thức có hiệu lực.
So với Bộ luật Hình sự 1999 đang được áp dụng, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi có nhiều điểm mới. Trong đó, đáng chú ý là những điều chỉnh ở “Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” (Điều 260, Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi).
Trao đổi với PV, luật sư Hà Huy Phong (Giám đốc Công ty luật Inteco, Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, ở Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, đối tượng phạm tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đã được mở rộng hơn, không giới hạn chỉ xử lý đối với “người điều khiển phương tiện giao thông” như Bộ luật Hình sự 1999.
“Luật giao thông đường bộ năm 2008 nêu rõ “người tham gia giao thông gồm người điều khiển, người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển, dẫn dắt súc vật; người đi bộ trên đường bộ”.
Tuy nhiên, tại Điều 202 Bộ luật hình sự 1999 quy định về “Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” chỉ xử lý hình sự với “người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác.
Như vậy, theo Bộ luật Hình sự 1999 thì không thể xử lý trách nhiệm hình sự đối với người dẫn dắt súc vật hoặc người đi bộ dù họ cũng tham gia giao thông và có thể gây ra tai nạn.
Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi đã mở rộng đối tượng xử lý khi sử dụng cụm từ “Người tham gia giao thông đường bộ”, tức là ngoài người điều khiển, sử dụng phương tiện giao thông thì người đi bộ, người dẫn dắt xúc vật đi trên đường bộ mà vi phạm quy định về đảm bảo an toàn giao thông thì đều có thể bị xử lý hình sự về tội này”, luật sư Phong phân tích.
Điều kiện xử lý hình sự người đi bộ sai luật
Luật sư Phong cho biết, “Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” là tội phạm có cấu thành tội phạm vật chất, tức là vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự được đặt ra đối với hành vi phạm tội khi có hậu quả xảy ra. Hình phạt được áp dụng phải căn cứ vào mức độ hậu quả xảy ra.
Luật sư Hà Huy Phong
Ví dụ, theo khoản 1, Điều 260 quy định, điều kiện cấu thành tội phạm là người tham gia giao thông (bao gồm cả người đi bộ) mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây hậu quả như:
Làm chết 1 người;
Gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cho 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 2 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
“Hình phạt áp dụng cho khoản 1 Điều 260 là phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Tuy nhiên, hình phạt với người phạm tội này sẽ tăng lên tùy theo mức độ vi phạm và tình tiết tăng nặng.
Ví dụ, người đi bộ đi không đúng phần đường dẫn tới tai nạn làm 1 người tử vong. Với hành vi này, người đi bộ có thể bị phạt từ 1-5 năm tù.
Tuy nhiên, hình phạt sẽ tăng lên từ 3-10 năm nếu làm 2 người chết hoặc thời điểm gây tai nạn, người đi bộ sử dụng ma túy, chất kích thích mạnh hoặc cố tình không tuân theo chỉ hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông dẫn tới tai nạn.
Thậm chí, theo khoản 3 Điều 260, người đi bộ còn đối mặt với án phạt 7-15 năm nếu hành vi đi không đúng phần đường gây ra tai nạn làm 3 người chết; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản trên 1,5 tỷ đồng”, luật sư Phong cho biết.
Luật sư Phong cho biết thêm, khoản 4 Điều 260 Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi cũng có quy định, hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 260 (làm chết 3 người…) nếu không được ngăn chặn kịp thời cũng bị xử lý hình sự.
“Như vậy, ngay cả trong trường hợp hành vi vi phạm như việc đi bộ sai phần đường chưa gây ra hậu quả nhưng có nguy cơ gây tai nạn nghiêm trọng thì người vi phạm có thể bị xử lý hình sự.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, việc áp dụng khoản 4 Điều 260 vào thực tiễn sẽ gặp khó khăn bởi việc đánh giá “có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả nếu không được ngăn chặn kịp thời” sẽ phụ thuộc rất nhiều vào ý chí chủ quan của con người. Như vậy dễ dẫn tới việc xử lý vụ việc thiếu khách quan”, luật sư Phong đánh giá.
Dù có cầu vượt hay vạch kẻ đường nhưng một số người đi bộ ở Hà Nội vẫn luồn lách qua các làn xe cộ đông đúc...