Dân Việt

Tỷ phú Thái ôm 53% cổ phần Sabeco: "Đừng chỉ suy nghĩ về vài tỷ USD"

Nguyễn Tuyền (Thực hiện) 19/12/2017 08:32 GMT+7
Sau khi đại gia Thái hoàn tất thương vụ mua “cô gái đẹp” bia Sabeco giá gần 5 tỷ USD, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã chia sẻ rất thẳng thắn về việc thoái vốn này. Nữ chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam cảnh báo việc người Thái đang "gặm nhấm" thị trường Việt; nỗi lo bị thâu tóm hệ thống bán lẻ, đến các lĩnh vực sản xuất khác ở Việt Nam.

img

SAB thuộc về tay người Thái trong phiên đấu giá cạnh tranh mà không gặp nhiều đối thủ trong ngày 18.12.

Quan điểm của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, phản ánh góc nhìn độc lập về vấn đề đang được dư luận quan tâm: Người Thái nắm 53% cổ phần của Sabeco khi đấu giá công khai ngày 18.12.

Thưa chuyên gia, câu chuyện giá cổ phần SAB rất đặc biệt, khi định giá, SAB có mức giá 320.000 đồng/cổ phần, ít ngày sau đó tăng dựng đứng lên 330.000 đồng/cổ phần nhưng chốt phiên đấu giá mức giá lại quay về ngưỡng 320.000 đồng/cổ phần. Biến động giá này khiến nhiều nhà đầu tư ngoại chùn chân và cuộc đấu giá cạnh tranh ngày 18/12 kết thúc chóng vánh khi nhà đầu tư Thái mua trọn và sở hữu hơn 53% cổ phần, bà đánh giá sao về vấn đề này?

Cần câu trả lời về chuỗi tăng giá SAB

- Tôi nghĩ rằng cần làm sáng tỏ câu chuyện này để giải đáp cho dư luận chu kỳ tăng giá trên là sao và tìm câu trả lời thỏa đáng.

Về phần mình, tôi không phải là người uống bia, sành bia nên không quan tâm đến người Thái họ có sản phẩm gì và phân khúc sản phẩm của họ ra sao nhưng tôi có cái nhìn của thị trường, của góc độ phân tích kinh tế.

Một số nhà đầu tư nước ngoài mua lại DN, thương hiệu Việt không phải để duy trì và phát triển thương hiệu đó mà họ mua lấy thị phần. Việc nhà đầu tư Thái mua Sabeco, hay người Thái muốn mua thêm cổ phần của Vinamilk là để chiếm lĩnh thị phần, chứ không phải là câu chuyện quản trị hay kỹ năng..

Thực tế, nhiều ý kiến cho rằng thoái vốn Sabeco vì Nhà nước không nên nắm những ngành không cần thiết, bán cho Thái vì họ có kinh nghiệm quản lý tốt, có DN hàng đầu trong lĩnh vực bia rượi, nước giải khát Thái Lan, để từ đây làm bệ phóng bán ra các thị trường quốc tế khác. Bà nghĩ sao về ý kiến này?

- Ai cũng nói câu chuyện bán bia, bán sữa không nên để Nhà nước quản lý, điều này đúng nhưng trước đó chúng ta đã từng nuôi các DN này với nhiều ưu đãi. Giờ đây, nếu bán đi, chúng ta phải đặt vấn đề bán như thế nào? Chúng ta đã ưu đãi, cho đặc quyền bao nhiêu năm giờ bán phải bán với mức giá tốt nhất, chứ không phải bán là xong.

Bán cho Thái Lan thì mức độ hiện đại về ngành hàng tiêu dùng cũng không phải quá cao như châu Mỹ, châu Âu hoặc Nhật Bản để chúng ta học được nhiều điều. So với Việt Nam, các nhà đầu tư Thái có thể trên tài nhưng không phải quá xa để chúng ta bắt tay, học hỏi làm ăn hoặc tấn công vào các thị trường khác. Tôi rất lo sợ một bài học xương máu khi bắt tay không thành họ nói sản phẩm này người Việt không làm được nên đưa hàng Thái sang.

Trong một thế giới toàn cầu, sẽ không tránh khỏi toàn cầu hoá, khu vực hoá. Việc M&A đang diễn ra trên khắp thế giới, đa dạng hóa thị trường có thể sẽ tốt cho người tiêu dùng hơn?

- Tôi không phủ nhận vấn đề toàn cầu, nhưng mở như nào và tham gia sân chơi như nào mới là quan trọng. Hiện nay các thị trường cao cấp hơn thì họ đang khắt khe, khó tính hơn nhiều, cứ thử xuất sang EU, Mỹ thì sẽ biết, trong khi đó tại Việt Nam, hàng rào thuế được bỏ, hàng rào kỹ thuật, an toàn vệ sinh lỏng lẻo họ thừa cơ tràn vào, trong khi nhiều năm trước do bao cấp DN lớn ngành khiến các DN nhỏ không phát triển được.

Các công ty lớn, làm ăn lớn không nên bán cho người nước ngoài với tỷ lệ trên 50%. Tại sao Việt Nam cứ tự coi mình có nhiệm vụ mở cửa hoàn toàn, kể cả mua lại và sáp nhập.

Các nước khác người ta không hề làm thế và WTO cũng không hề có quy định nào bắt buộc các nước tham gia WTO phải mở cửa hoàn toàn cho các nhà đầu tư nước ngoài, kể cả mua lại. Như vậy là thôn tính các công ty nội địa, điều đó là không nên.

Ý bà là chúng ta cần bảo vệ thị trường, mở cửa có tính toán, có chọn lọc?

- Hiện người dân Việt Nam ngày càng có thu nhập cao hơn, mức độ tiêu dùng phát triển đã và đang khiến thị trường của chúng ta béo bở hơn. Thu nhập cao, xu hướng tiêu dùng tốt, trong con mắt các nhà tư bản là mảnh đất màu mỡ không gì sánh bằng.

Người Thái nhiều năm tổ chức hội chợ ở Việt Nam, đi sâu tìm hiểu thị trường, trong khi Việt Nam tự hào hội nhập, nhưng các cơ quan Việt Nam cũng ít dự báo, các Bộ, ngành lại vui vẻ khi M&A được cho là thành công bởi họ nghĩ là DN Việt Nam hấp dẫn, không lo sợ cái họa mất đầu ra đang lớn dần cho ngành sản xuất Việt.

Về bán lẻ, Thái đang nắm cả BigC, Metro, hàng Thái dù chưa ồ ạt vào và chiếm lĩnh nhưng đầu ra lớn đã có. Chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim đã bị mua cổ phần để làm đầu ra cho sản phẩm "made in Thailand".

Chuỗi mua sắm Việt Nam của người Thái gây lo ngại

Từ bán lẻ hàng hoá, siêu thị điện máy, cung ứng thức ăn, giờ đến sản phẩm tiêu dùng, người Thái đang muốn nắm đầu ra, muốn thâu tóm thế mạnh của Việt Nam khi ThaiBev hiện cũng có rất nhiều thương hiệu lớn của ASEAN.

Tôi phải lưu ý sự bắt tay này có thực sự đưa hàng Việt ra nước ngoài hay không khi mà Việt Nam mở cửa với nước ngoài xuất khẩu tăng trưởng chậm, mà nhập khẩu lại tăng trưởng cao. Trong nghiên cứu khảo sát các DN Thái về việc họ đánh giá như nào về cơ hội tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN, họ nói rằng cơ hội lớn nhất là thị trường Việt Nam.

Bà có nhắc đến cụm từ "đừng có suy nghĩ chỉ vài tỷ USD" khi bán Sabeco, quan điểm này nên hiểu thế nào cho đúng?

- Vài tỷ USD đối với Việt Nam, nếu bán được và sử dụng hiệu quả thì rất tốt. Nhưng chúng ta cũng phải nhìn rộng, đặt vấn đề lớn là qua hàng chục năm trời các DN con cưng được ưu đãi nhiều thứ, có thương hiệu, có thị phần rồi mà bây giờ chỉ có giá vài tỷ đô thì có hiệu quả không?

Dư luận đặt ra câu hỏi bán được vài tỷ USD có đắt, có rẻ gì hay không, tương lai của các công ty này như thế nào? Dù trước đó là tài sản Nhà nước đầu tư nhưng cũng là tài sản, là DN được thừa hưởng nhiều ưu đãi… Nếu cộng dồn cả những cái được, cái mất, chúng ta đã tính được chi phí cơ hội của tỷ USD hay chưa?

Nếu chỉ bán cho xong nhiệm vụ tái cơ cấu thì sẽ là thành công, nhưng nuôi con lớn, bán con đi thì cũng phải xác định tương lai thế nào, thương hiệu ra sao. Mấy năm trở lại đây chúng ta bán nhiều DN, tổng kết, rút kinh nghiệm đã có và nhiều bài học rút ra. Tôi đau nhất vẫn là không chỉ Sabeco mà nhiều DN Nhà nước sau bao năm nuôi dưỡng, phải bán cho đối tác ngoại.

Sính ngoại không phải lỗi của người dân

Việc nắm cổ phần trên 50% thông qua 1 công ty trong nước, cho thấy đại gia bia Thái Lan đã tính rất kỹ đường đi nước bước để lách luật sở hữu nước ngoài của Việt Nam. Sắp tới sẽ còn nhiều DN, tập đoàn, công ty con nhà nước được bán đi như PVN, Than khoáng sản hay EVN, bài học cần rút ra từ bán cổ phần, thoái vốn tại Sabeco là gì?

- Tôi không hiểu tại sao cứ quan tâm đối với nước ngoài. Các DN trong nước vẫn đủ điều kiện để mua và có thể mua được. Tôi nghĩ xu hướng sính ngoại không chỉ trách người dân Việt Nam mà chính ngay từ chính sách của chúng ta.

DN trong nước nếu nhìn thẳng vào, họ có tư duy rất tốt, họ không có công nghệ thì họ thuê về, mạnh dạn đầu tư và thuê lại nhà quản trị giỏi... Quan trọng là cho họ cơ hội, còn nếu họ tìm ở đâu, như nào về công nghệ, kỹ năng quản trị thì điều đó họ phải tự nghiên cứu.

Niềm tin phải xuất phát từ chính sách, chủ trương thoái vốn của Nhà nước là làm sao để bán tốt nhất chứ không phải chỉ bán cho nước ngoài mới là tốt. Tôi không nghĩ các nhà đầu tư Thái lại có trình độ cao hơn nhà đầu tư Nhật, EU và tài sản của Việt Nam không thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn khác.

Việt Nam, chúng ta mở cửa, chấp nhận cho nước ngoài cơ hội nhưng phần giá trị đem về cho nền kinh tế rất ít. Việt Nam xuất khẩu nhiều nhưng hiện FDI chiếm lĩnh 70% giá trị xuất khẩu. Nếu các DN FDI vào Việt Nam sản xuất, chế tác và đem lại giá trị gia tăng lớn cho nền kinh tế vì môi trường tốt còn được, đằng này đa phần là họ hưởng ưu đãi, hưởng lợi ích thị trường mở cửa để làm bàn đạp xuất khẩu đi nước ngoài, dệt may, điện tử là điển hình.

Xin trân trọng cảm ơn chuyên gia!