Cổ phiếu BFC của Công ty CP Phân bón Bình Điền liên tục sụt giảm trong hơn 2 tháng gần đây dù tính đến hết quý 3.2017, chỉ tiêu lợi nhuận mà HĐQT BFC đặt ra tại đại hội cổ đông năm nay đã hoàn thành và chỉ đợi ghi nhận thêm số % tăng trưởng từ nay đến cuối năm. Thế nhưng, vì sao cổ phiếu BFC lại quay đầu giảm?
CEO Lê Quốc Phong chuẩn bị về hưu khiến cổ phiếu Bình Điền giảm mạnh trong hơn 2 tháng nay dù kết quả kinh doanh của DN này vẫn đang rất tốt.
Cổ phiếu quay đầu vì CEO sắp về hưu?
Liên quan đến cổ phiếu BFC quay đầu sụt giảm, từ vùng giá 40.000 - 41.000 đồng/CP cách nay hơn 2 tháng xuống còn 33.000 - 34.000 đồng/CP như hiện tại, một chuyên gia chứng khoán của Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng, có thể thông tin ông Lê Quốc Phong, Tổng giám đốc chính thức về hưu trong tháng 12 này có tác động đến giá cổ phiếu BFC chứ thực tế các chỉ số tài chính của DN này đang rất ổn.
Thực tế, theo chuyên gia này, lũy kế 9 tháng đầu năm 2017, doanh thu BFC đạt 4.779,1 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ. Nhờ giai đoạn nửa đầu năm giá vốn giảm sâu, nên lũy kế 9 tháng, giá vốn tăng chậm hơn mức tăng doanh thu, do vậy lợi nhuận gộp từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 728,2 tỷ đồng, tăng 9,3% so với hơn 666 tỷ đồng lợi nhuận gộp đạt được 9 tháng đầu năm ngoái.
Kết quả, sau 9 tháng, BFC báo lãi sau thuế gần 280 tỷ đồng, tăng trưởng 9,6% so với cùng kỳ năm 2016 và cũng sắp sửa hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận cả năm mà ĐHCĐ giao phó (282 tỷ đồng).
Thông tin về hưu của ông Phong gây tác động không tốt với thị giá cổ phiếu BFC trên thị trường chứng khoán chính thức được ông này xác nhận mới đây. "Đúng là có chuyện nhiều cổ đông gọi điện hỏi thăm vì sao tôi về hưu. Tôi đến tuổi thì về hưu thôi, chứ Bình Điền vẫn hoạt động bình thường. Từ lâu nay Bình Điền cũng đã xây dựng được một đội ngũ lãnh đạo kế thừa nên chuyện tôi về hưu sẽ không ảnh hưởng gì đến Bình Điền", ông Phong nói.
Cũng theo ông Phong: “Tính đến hết quý 3.2017, BFC đã gần như hoàn thành chỉ tiêu đặt ra cho cả năm 2017 và trong quý 4 này, cổ đông sẽ chứng kiến sự tăng trưởng mạnh so với kế hoạch đề ra của BFC từ đầu năm. Điều đó chứng tỏ Bình Điền đã có sự chuẩn bị và không có gì xáo trộn cho đợt chuyển giao này”.
CEO Vinamilk Mai Kiều Liên và CEO PNJ Cao Thị Ngọc Dung đều là những "thuyển trưởng" xuất sắc
Doanh nghiệp có chắc tay lái?
Câu chuyện của CEO Lê Quốc Phong về hưu khiến nhà đầu tư hoang mang không phải là chuyện hiếm. Còn nhớ, tại kỳ đại hội đồng cổ đông 2017 của Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã chứng khoán PNJ), có 1 cổ đông đã đặt câu hỏi: “Bao giờ thì bà Cao Thị Ngọc Dung từ nhiệm về hưu?”. Hoặc, trước đó nữa, tại roadshow SCIC thoái vốn Vinamilk mới đây, 1 nhà đầu tư cũng đứng lên đặt câu hỏi với bà Mai Kiều Liên, CEO Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã chứng khoán VNM): "Bà Liên sắp kết thúc nhiệm kỳ và về hưu. Vậy bà đã chọn được người thay thế?”... Rõ ràng, những CEO kể trên đều là những “linh hồn” của DN nên chuyện họ ở lại hay về hưu là vấn đề được nhiều cổ đông quan tâm.
Với một CEO như ông Lê Quốc Phong - người đưa Bình Điền từ một nhà máy đang đứng bên bờ vực phá sản, trở thành một xí nghiệp, một công ty sản xuất phân bón hỗn hợp NPK lớn hàng đầu cả nước, đưa thương hiệu Đầu Trâu trở nên uy tín, không chỉ với nông dân cả nước, mà với cả Campuchia, Lào, Mianmar, Thái Lan… thì chuyện ông chuẩn bị về hưu khiến cổ phiếu BFC ảnh hưởng là khó tránh khỏi.
Tuy nhiên, dù những CEO nổi tiếng này có về hưu hay không thì với BFC, Vinamilk hay PNJ, chắc chắn sẽ có một sự chuẩn bị kỹ càng cho một đội ngũ lãnh đạo kế thừa. Về vấn đề này, bà Mai Kiều Liên, CEO của Vinamilk cho rằng: “Với một DN có nền tảng và hệ thống như Vinamilk, vị trí CEO tuy quan trọng nhưng thành tựu của một công ty không chỉ dựa 1 vào cá nhân. Vì vậy, dù là ai được đề cử trọng trách nắm quyền điều hành, trên đà phát triển và những gì mà Vinamilk đang có, tin rằng đều có thể điều hành DN xuất sắc...”.
Trong khi đó, đánh giá về vai trò của một CEO nổi tiếng với DN mà mình sáng lập, đưa đến “đỉnh” vinh quang, LS.TS Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế cho rằng, có nhiều yếu tố để tạo nên danh tiếng của một DN như kết quả hoạt động, môi trường làm việc, chất lượng sản phẩm và dịch vụ,... và trong các yếu tố đó khả năng điều hành doanh nghiệp, tầm nhìn của CEO đóng vai trò quan trọng. Đặc biệt, danh tiếng cá nhân của chính CEO cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến danh tiếng của doanh nghiệp.