Dân Việt

Mạng xã hội đầu tiên của Việt Nam có giống với Alibaba của Jack Ma?

Thanh Xuân 21/12/2017 09:18 GMT+7
Sau sự kiện ra mắt mạng xã hội (MXH) kinh doanh đầu tiên của Việt Nam với tên gọi Azibai, rất nhiều người đã thắc mắc vì sao MXH của Việt Nam lại có tên “na ná” như một tên tuổi lớn của Trung Quốc là Alibaba của Jack Ma. Ông Trần Xuân Tùng – Cổ đông sáng lập, Giám đốc điều hành Azibai đã lý giải với Dân Việt về vấn đề này.

img

Mạng xã hội đầu tiên của Việt Nam có giống với Alibaba của Jack Ma? (Ảnh: TX)

Mua bán từ A đến Z

Trao đổi với Dân Việt, ông Trần Xuân Tùng – Cổ đông sáng lập và là Giám đốc điều hành Azibai cho biết: Azibai là cái tên được người sáng lập ra MXH đặt với ý nghĩa: “mua bán từ A đến Z”. Người sáng lập ra Azibai chính là ông Phạm Hoài Trung, trước đây từng làm việc tại Honda Việt Nam và được Honda Việt Nam cử sang Nhật để tham gia khóa đào tạo “Nguồn nhân lực hải ngoại” do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (Jica) đào tạo. “Do có ảnh hưởng của văn hóa Nhật và trong tiếng Nhật “bai” có nghĩa là mua bán nên ông Phạm Hoài Trung đã đặt tên cho “đứa con” tinh thần của mình là Azibai với ý nghĩa “mua bán từ A-Z”, ông Tùng cho biết.

Cũng theo ông Tùng, hiện ở Trung Quốc đúng là có sàn thương mại điện tử rất nổi tiếng là Alibaba, còn Việt Nam cũng có sàn thương mại điện tử khá mạnh là Adayroi. Tuy nhiên, Azibai không ngại sự hiểu lầm và cũng không hướng theo hình thức là sàn thương mại điện tử mà Azibai là MXH kinh doanh. “Chúng tôi khẳng định, toàn bộ thuật toán, ý tưởng 100% là do người Việt Nam thực hiện. Đến thời điểm hiện tại chúng tôi đã có khoảng 15 nhân sự nòng cốt với trụ sở chính đặt tại TP. Hồ Chí Minh và có văn phòng đại diện tại Hà Nội. Azibai cũng đang tiến hành đăng ký sở hữu trí tuệ để bảo vệ bản quyền. Có thể mọi người đọc hoặc nghe đâu đó đã dẫn tới hiểu lầm Azibai giống với Alibaba của Trung Quốc nhưng chúng tôi khẳng định 100% là của người Việt!”, ông Tùng nhấn mạnh.

Ông Tùng cũng cho biết thêm, Azibai là một cái tên dễ gọi và khá gần gũi với người Việt và cả người nước ngoài khi mà chỉ nhắc một lần họ cũng gọi rất chính xác từ này. “Hiện tại, một số khách hàng Hàn Quốc như K-Group (công ty con của eBay và là đơn vị sở hữu Gmarket - sàn thương mại điện tử lớn nhất Hàn Quốc) cũng đã tìm hiểu và ký ghi nhớ hợp tác với Azibai về việc đưa các sản phẩm nổi tiếng của Hàn Quốc vào Việt Nam thông qua MXH kinh doanh đầu tiên này”, ông Tùng chia sẻ.

Hướng tới nâng cao chất lượng hàng hóa

Nói về những thắc mắc vì sao trong thời gian vừa qua, nhiều người muốn tìm hiểu đăng ký bán hàng trên Azibai nhưng lại không thực hiện đăng ký tự do được giống như MXH đang thịnh hành là Facebook, ông Tùng cho biết: Thời gian đầu, Azibai để chế độ bất cứ ai cũng có thể đăng sản phẩm lên Azibai để bán hàng. Tuy nhiên, sau một thời gian thấy nhiều người đưa các sản phẩm lên không “chăm chút” về thông tin và hình ảnh sản phẩm, thậm chí có cả hình ảnh rất xấu nếu không nói là “tạp nham” và Azibai cũng khó kiểm soát được chất lượng của các thông tin đó. Do vậy, tạm thời Azibai sẽ trực tiếp tư vấn, hỗ trợ đăng sản phẩm cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp muốn bán hàng trên Azibai. “Chúng tôi sẽ chủ động tư vấn và hướng dẫn chi tiết cho khách hàng cách sử dụng MXH kinh doanh Azibai để đăng bán hàng hóa dịch vụ của họ sao cho hiệu quả nhất!”, ông Tùng cho biết.

 "Mục tiêu năm 2108, Azibai dự kiến có 10.000 doanh nghiệp tham gia và 1 triệu CTV bán hàng. Đến năm 2020 sẽ có khoảng 50.000 doanh nghiệp tham gia vào MXH của Azibai và có 10 triệu CTV bán hàng. Hiện tại, đã có một số trường ĐH đã liên hệ với Azibai để hỗ trợ ứng dụng cho các sinh viên khởi nghiệp. Các bạn sinh viên sẽ không cần bỏ vốn, không phải đi vận chuyển hàng hóa, chỉ cần chia sẻ cho những người có nhu cầu là đã trở thành CTV kinh doanh, có thêm thu nhập trong những lúc nhàn rỗi", ông Tùng cho biết.

Chia sẻ về khả năng cạnh tranh với các MXH lớn như Facebook, Youtube, ông Tùng cho biết, “Facbook đã ra đời được 13 năm và họ có đội ngũ nhân sự hùng hậu để nghiên cứu các tính năng, tiện ích cho người dùng. Còn Azibai thì mới bắt đầu ra đời nên cũng đang tiếp tục nghiên cứu các tính năng chat, tạo nhóm, gọi điện thoại…dự kiến sẽ hoàn thiện cuối tháng 1.2018 để đáp ứng nhu cầu của người dùng”. 

Theo ông Tùng, hạn chế của các sàn thương mại điện tử hiện tại là không khuyến khích được tính năng chia sẻ từ người dùng; còn nền tảng Facebook tính năng chia sẻ rất tốt nhưng nền tảng giao nhận và thanh toán online lại không có. Đặc biệt, hệ thống tiếp thị liên kết, giúp cho các doanh nghiệp xây dựng ra một đội ngũ cộng tác viên là không có…trong khi Azibai là đơn vị cung cấp cho người dùng tất cả các tính năng công cụ này, trong đó tính năng hỗ trợ xây dựng hệ thống cộng tác viên cho doanh nghiệp bán hàng ăn theo sản phẩm là một trong những tính năng được dự báo sẽ là xu thế phát triển mạnh trong thời đại công nghệ 4.0, xu thế của nền kinh tế chia sẻ trong tương lai gần.

Trước đó, ngày 10.12.2017, ông Phạm Hoài Trung – Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Mọi Người Cùng Vui cho biết đã chính thức cho ra mắt mạng xã hội (MXH) kinh doanh đầu tiên tại Việt Nam mang tên Azibai. “Thay vì Grab, Uber tận dụng sự nhàn rỗi của chiếc xe gia đình để kinh doanh thì Azibai là một MXH đầu tiên của Việt Nam tận dụng thời gian nhàn rỗi của mỗi cá nhân nên tiềm năng thời gian nhàn rỗi của mọi người là còn rất lớn. Các cá nhân hoàn toàn có thể tham gia vào quá trình phân phối và lưu thông hàng hóa của Doanh nghiệp để có thêm thu nhập chính đáng cho chính mình.”, ông Phạm Hoài Trung - Chủ nhân của MXH kinh doanh đầu tiên ở Việt Nam chia sẻ