Ông Phan Đình Đức (ảnh IT).
Đó là trường hợp của bị can Phan Đình Đức, thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Ông Đức bị khởi tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165, Bộ luật Hình sự.
Ngày 18.12.2017, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã phê chuẩn quyết định và lệnh trên. Cùng ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thực hiện tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và thi hành lệnh khám xét đối với ông Phan Đình Đức.
Đúng một ngày sau, Cơ quan Công an đã có kết luận điều tra về sai phạm của ông Đinh La Thăng và đồng phạm, trong đó có sai phạm của ông Phan Đình Đức.
Ông Phan Đình Đức được bổ nhiệm là thành viên Hội đồng thành viên PVN từ tháng 11.2010 đến nay, được Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) qua các thời kỳ giao phụ trách giám sát, theo dõi lĩnh vực lọc hóa dầu và giám sát hoạt động của các đơn vị của PVN như Công ty PVFCCo, Công ty PVTEX, Công ty PVCFC…
Từ năm 2008 đến 2011, PVN có 3 lần góp vốn mua cổ phần của OceanBank (800 tỷ đồng – PV), ông Phan Đình Đức có liên quan đến việc biểu quyết cho ý kiến để Hội đồng thành viên PVN ra Nghị quyết đối với lần góp vốn thứ 3, PVN bổ sung số tiền 100 tỷ đồng vốn điều lệ vào OceanBank.
Cụ thể, thông qua Thư ký HĐTV, ông Đức nhận được báo cáo do ông Nguyễn Xuân Sơn, Phó Tổng GĐ phụ trách tài chính, kế toán ký (ông bị tòa cấp sơ thẩm tuyên tử hình trong vụ Hà Văn Thắm và đồng phạm), báo cáo các thành viên HĐTV đề nghị xem xét và chấp thuận tiếp tục hỗ trợ OceanBank tăng vốn điều lệ ở mức tối đa 20% vào OceanBank với số vốn tăng thêm 500 tỷ đồng x 20% = 100 tỷ đồng trước ngày 15.5.2011.
Ông Đức khai, nhận được báo cáo số 124/CVNB-NXS (viết tắt 124) ngày 12.5.2011, đến ngày 17.5.2011 ông Đức đồng ý và ký biểu quyết trên báo cáo số 124. Việc ông Đức đồng ý sau khi HĐTV của PVN đã ban hành Nghị quyết 4266/NQ-ĐKVN ngày 16.5.2011 về việc chấp thuận điều chỉnh phương án tăng vốn điều lệ của OceanBank. Lý do ông Đức ký biểu quyết chậm là do ông đi vắng, sau đó Thư ký HĐTV của PVN đưa cho ông Đức ký.
Đối với nội dung trong báo cáo trên, ông Đức khai đã nắm được chủ trương từ trước và ông cũng biểu quyết đồng ý tăng vốn, nên việc ông ký đồng ký sau khi HĐTV ban hành Nghị quyết 4266 là hoàn toàn bình thường.
Với hành vi trên, ông Phan Đình Đức bị đề nghị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Đánh giá về trường hợp của ông Phan Đình Đức được điều tra rất nhanh, luật sư Nguyễn Quang Tiến (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết: Trong Bộ luật tố tụng hình sự chỉ có quy định thời hạn điều tra tối đa, không có quy định thời hạn tối thiểu. “Việc một bị can bị khởi tố, một ngày, hai ngày, thậm chí trong ngày, cơ quan điều tra đã có kết luận điều tra ngay, việc đó hoàn toàn đúng”, luật sư Tiến cho biết.
Vẫn theo luật sư Tiến, sở dĩ việc kết luận điều tra với trường hợp ông Phan Đình Đức nhanh vì hai lý do: Thứ nhất, là toàn bộ hồ sơ vụ án, trong đó có phần liên quan đến hành vi của ông Đức đã được cơ quan điều tra thu thập từ giai đoạn I vụ án Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank và đồng phạm. Khi tòa xét xử vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm, cơ quan điều tra tiếp tục giai đoạn II, thông qua việc khởi tố các bị can khác để điều tra về việc PVN góp vốn vào OceanBank. Lý do thứ hai là hành vi của ông Phan Đình Đức trong vụ án này là đơn giản, không có những chi tiết phức tạp cần phải làm rõ.
Trong vụ án này có 7 bị can bị đề nghị truy tố gồm: Ông Đinh La Thăng, Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường, Phan Đình Đức tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Ninh Văn Quỳnh, 59 tuổi, cựu Phó tổng giám đốc PVN bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản. |