Băng bó vết thương cho một người bị rắn kịch độc cắn.
Theo CNN, đây là khoảng thời gian nguy hiểm với những người làm việc trên cánh đồng, bởi họ là những người có nguy cơ bị rắn cắn cao nhất.
Khoảng 250 người chết trong vòng 3 tuần qua vì bị rắn độc cắn tại các bang Gombe và Plateau. Cuộc khủng hoảng đã khiến các bác sĩ địa phương làm việc không xuể và tạo nên làn sóng phản đối rộng rãi toàn quốc.
Nigeria là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi nạn rắn độc hoành hành khắp nơi.
Ước tính 32.000 người chết vì rắn cắn mỗi năm và 100.000 người khác bị thương tật vĩnh viễn ở khu vực cận Sahara, thường là do phải cắt bỏ phần cơ thể nhiễm độc.
Bất chấp cuộc khủng hoảng ngày càng lan rộng, các chuyên gia nói chính phủ Nigeria đã không có các biện pháp ứng phó kịp thời.
Theo CNN, nhiều nạn nhân bị rắn độc cắn ở khu vực cận Sahara thậm chí còn không được thống kê đầy đủ.
Người đàn ông bị cắt rời chân vì nọc độc rắn.
“Chúng tôi không thể thu thập được số liệu đầy đủ vì không phải bệnh nhân nào cũng đến cơ sở y tế”, bác sĩ Jean-Philippe Chippaux, chuyên gia về nọc độc rắn nói.
Một phần nguyên nhân là do các nạn nhân thường tìm đến thầy lang để chữa theo phương pháp truyền thống, ông Chippaux nói. Điều này là hết sức nguy hiểm bởi nọc rắn có thể giết chết người chỉ trong vài giờ.
Một vấn đề khác là cộng đồng dân cư hẻo lánh không được tiếp cận đầy đủ với cơ sở y tế và chuyên gia trong lĩnh vực chữa rắn cắn.
“Bệnh dịch lan tràn ở Nigeria và các nước châu Phi thường xảy ra đối với những người nông dân nghèo khổ nhất, vốn không có tiền để chữa trị”, ông Chippaux nói.
Một vấn đề khác là các bệnh nhân không nhận được đúng loại thuốc giải độc. “Một số loại thuốc có thể rẻ hơn nhưng nó không vô hiệu hóa được tất cả nọc rắn và cứu mạng người”, Thea Litschka-Koen, người sáng lập Quỹ Swaziland nói.
Một số chuyên gia về rắn độc cho rằng, đã đến lúc các chính phủ châu Phi cần phải tự lực chế thuốc giải nội địa, thay vì phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài.
Rắn kịch độc đang trở thành nỗi khiếp sợ của người dân ở khu vực cận Sahara.
“Đây là cơ hội để bắt đầu sản xuất thuốc giải độc ở châu Phi”, bác sĩ Abdulrazaq Habib, người làm việc với Bộ Y tế Nigeria nói.
Nam Phi hiện là quốc gia duy nhất ở khu vực cận Sahara có thể sản xuất thuốc giải độc. Nhưng ông Habib nói Nigeria đã theo đuổi chiến lược này từ lâu.
Trong những năm 1990, chính phủ nước này đầu tư 3 triệu USD để liên kết với các trung tâm nước ngoài, sản xuất hai loại thuốc giải độc. Nhưng kế hoạch này đã rơi vào ngõ cụt.
David Williams, người đứng đầu viện nghiên cứu về nọc rắn ở Đại học Melbourne, Úc nói: “Chúng tôi có thể giảm số người chết vì rắn cắn ở Nigeria và khu vực lân cận xuống còn một nửa trong thời gian ngắn nếu có đủ nguồn lực. Tôi hy vọng trong vòng 3 năm tới, chúng tôi có thể tạo ra sự thay đổi lớn”.
Hiện tại, thảm kịch rắn độc ở Nigeria và các quốc gia vùng cận Sahara vẫn là một trong những nỗi khiếp sợ lớn nhất của người dân, đặc biệt là những người sống ở khu vực hẻo lánh.
Đại bàng tưởng được một bữa ngon khi tấn công rắn độc nhưng kẻ phá bĩnh báo gấm đã cho nó một bài học.