Người nuôi tiếp tục "treo ao"
Giá cá tra đang ở mức cao, nhưng rất nhiều người nuôi cá tra nhỏ lẻ ở ĐBSCL vẫn còn "treo ao" vì giá cá tra rất bấp bênh. Ở một số địa phương như tỉnh Trà Vinh, số hộ nuôi treo ao lên tới 50%. Các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, TP.Cần Thơ... cũng có rất nhiều nông dân "bỏ" cá tra.
Nhiều người nuôi cá tra đã ngán ngẩm với sự thất thường của giá bán mặt hàng này. |
Ông Trần Văn Hùng (xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) đã nuôi cá tra hơn 15 năm, trước đây ông có 2 ao nuôi với sản lượng trên 200 tấn/vụ, nhưng giờ diện tích đó đã chuyển làm lò sấy lúa và nuôi cá lóc.
Ông Hùng cho biết: "Sau bao nhiêu năm nuôi cá tra hết lên rồi xuống, bây giờ tui quá ngán ngẩm! Bây giờ vùng này 10 người nuôi thì còn có 2 người cầm cự nhưng diện tích thả nuôi và số lượng con giống thả cũng giảm đáng kể".
Hiện tại, tỉnh An Giang đã thả nuôi vụ 2011 gần 800ha cá tra, giảm hơn 30% diện tích so với năm 2010. Diện tích cá tra giảm chủ yếu là do người nuôi thua lỗ nên lấp ao để trồng trọt hay chuyển sang nuôi các loại thủy sản khác...
Những người tiếp tục nuôi thì chỉ nuôi cầm chừng chờ thời cơ. Ông Võ Văn Đệ (khu vực Thới Bình 2, phường Thuận An, quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ), vẫn tiếp tục nuôi cá tra nhưng không dám nuôi nhiều như trước kia. Cách đây hơn nửa tháng, ông thu hoạch ao cá tra bán được 18,7 tấn với giá 26.300 đồng/kg. Với giá bán như vậy, ông lời khoảng 2.000 đồng/kg nhưng vẫn không mặn mà với con cá tra.
Ông Đệ cho biết: "Hơn chục năm nuôi cá không ổn định về giá cả nên người nuôi đã bỏ ao gần hết. Tui tiếp tục đeo bám nhưng không dám nuôi nhiều lại sợ cá rớt giá lại tiếp tục thua lỗ nặng". Tuy đã bán cá nhưng ông vẫn chưa nhận được tiền vì "dính" chuyện hợp đồng với công ty.
Ông Đệ cho hay: Nhân viên công ty xuống mổ cá, kiểm tra đến 4 lần rồi mới xuống ký hợp đồng bắt cá, hẹn 21 ngày sau sẽ thanh toán 100% tiền. Tuy nhiên khi bắt cá được 1 ngày thì nhân viên công ty điện xuống nói rằng cá tra bị bệnh gạo tới 70%, đồng thời đòi hạ giá mua xuống.
Lo thiếu cá nguyên liệu
Ông Lê Chí Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản An Giang, cho biết: "Dù giá có tăng nhưng tình hình nuôi cá tra vẫn chưa có tín hiệu khả quan. Do vậy, tình trạng thiếu cá tra nguyên liệu vẫn khó tránh khỏi".
Theo ông Bình thì xuất khẩu cá tra có thể đạt kế hoạch nhưng tình hình sắp tới vẫn chưa khả quan do bất ổn về chính trị, khủng hoảng kinh tế ở một số nước. Còn ông Nguyễn Văn Đạo - Giám đốc Công ty CP Thủy sản Gò Đàng (Tiền Giang) thông tin: Sản lượng cá tra hiện không còn nhiều nên các nhà máy chỉ chạy khoảng 50% - 60% công suất.
Theo nhiều chuyên gia trong ngành xuất khẩu và chế biến cá tra, để giải quyết tình trạng thiếu nguyên liệu hiện nay thì cần có sự liên kết chặt chẽ giữa người nuôi và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Khi đó, người nuôi có thể đáp ứng yêu cầu về chất lượng nguyên liệu do các doanh nghiệp đưa ra.
Hoàng Mai