Dân Việt

Vấn nạn tôm bơm tạp chất, vì sao xử phạt mãi vẫn không chặn được?

Chúc Ly 24/12/2017 06:58 GMT+7
Tình trạng bơm chích tạp chất trên con tôm ở ĐBSCL đang “nóng” hơn bao giờ hết. Trước vấn nạn trên, để kiểm soát, ngăn chặn kiểu làm ăn gian dối này nhiều tỉnh, thành ở ĐBSCL đã cùng nhau ký kết quyết tâm ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm.

img

Ngày 10.6, lực lượng liên ngành Bạc Liêu bắt quả tang 2 cơ sở kinh doanh tôm tại xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long bơm tạp chất. Ảnh: C.L

Tôm “ăn” rau câu để tăng trọng lượng

Ngày 10.6, Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an), phối hợp với Công an tỉnh Bạc Liêu, Thanh tra Bộ NNPTNT, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm ngư nghiệp tỉnh Bạc Liêu, bắt quả tang 2 hộ kinh doanh đang bơm tạp chất vào tôm.

Vào thời điểm trên, lực lượng chức năng kiểm tra hộ kinh doanh Phạm Thị Mộng và Lê Văn Bông (ngụ ấp Bình Hổ, xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long), phát hiện 12 nhân viên đang bơm tạp chất agar (rau câu) vào 800kg tôm sú và tôm thẻ. Khai nhận với ngành chức năng, 2 hộ kinh doanh trên cho biết: Cứ 100gram bột rau câu nấu lên sẽ bơm được 100kg tôm thành phẩm; mỗi ngày bơm được trên 200kg tôm thành phẩm.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết: Từ năm 2010 đến tháng 5.2017, Sở đã phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh thanh, kiểm tra phát hiện 217 trường hợp vi phạm với số lượng hơn 73,9 tấn tôm có chứa tạp chất (chủ yếu là agar và CMC). Còn tại tỉnh Cà Mau, từ năm 2016 đến nay ngành chức năng đã phát hiện khoảng 63 vụ vi phạm, số lượng trên 15 tấn tôm có chứa tạp chất.

Xử lý mạnh với tôm tạp chất

Theo Sở NNPTNT các địa phương, hiện Trung Quốc và một số nước Trung Đông sẵn sàng mua các sản phẩm tôm có tạp chất. Doanh nghiệp tiêu thụ con tôm tại thị trường Trung Quốc dễ hơn so với các nơi khác, và họ có thể mua con tôm chích tạp chất về để xử lý lại để xuất bán cho những thị trường khác.

Ngoài ra, tại các địa phương vùng nuôi tôm rộng lớn, lực lượng lái thu gom cũng mấy ngàn người. Trong khi đó lực lượng để quản lý vấn đề này rất mỏng, khó kiểm soát chặt địa bàn.

Ông Võ Thành Tiếm - Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh Cà Mau cho biết: “Đừng giao phần ngọn cho địa phương, cái gốc là phải tăng cường công tác kiểm soát một cách nghiêm ngặt ở các nhà máy xuất khẩu. Tôm tạp chất vào nhà máy, thì cuối cùng cũng đem xuất khẩu. Vậy ai là người chứng nhận cho sản phẩm đó được xuất đi? Tại sao sản phẩm chứa tạp chất qua được mọi công đoạn kiểm soát, kiểm tra?”.

 “Công khai trên phương tiện thông tin đại chúng tất cả các cơ sở vi phạm; rút giấy phép kinh doanh đối với vơ sở vi phạm…” - ông Trịnh Hoài Thanh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu nêu giải pháp.

Đề án kiểm soát, ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất đặt ra mục tiêu: Đến hết năm 2017 (100% các cơ sở nuôi tôm) tại 4 tỉnh trọng điểm Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang phải ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm trước khi tiêu thụ; 100% cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến tại 4 tỉnh nêu trên phải ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm, không mua tôm tạp chất; phấn đấu đến năm 2018, cơ bản chấm dứt tình trạng đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu tại các tỉnh trọng điểm.