Dân Việt

Vụ 100% mẫu ớt bột nhiễm chất gây ung thư: Cần xem lại cách lấy mẫu

Thuận Hải 21/12/2017 18:58 GMT+7
Bà Lê Thị Hồng Hảo – Viện trưởng Viện kiểm nghiệm Vệ sinh ATTP Quốc gia cho rằng, người dân không nên sử dụng các sản phẩm bị mốc, vì có thể bị nhiễm Aflatoxin, ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu sử dụng thức ăn có Aflatoxin với hàm lượng cao còn có thể gây ung thư.

Mới đây, Viện Pasteur công bố kết quả một khảo sát trên 48 mẫu ớt khô dạng bột tại TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ. Theo đó, 100% các mẫu ớt khô dạng bột này đều có nhiễm Aflatoxin, một chất có khả năng gây ung thư gan. Dân Việt có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Hồng Hảo – Viện trưởng Viện kiểm nghiệm Vệ sinh ATTP Quốc gia.

img

Bà Lê Thị Hồng Hảo – Viện trưởng Viện kiểm nghiệm Vệ sinh ATTP quốc gia. Ảnh: Infonet

Nguyên nhân nào dẫn đến thực phẩm, cụ thể là ớt bột dạng khô, bị nhiễm Aflatoxin, thưa bà? Tình trạng nông sản, thực phẩm bị nhiễm Aflatoxin trong thực phẩm có phổ biến trên thị trường Việt Nam không?

- Ớt bột nói chung và một số sản phẩm nông sản, sau khi thu hoạch nếu không được bảo quản đúng cách có thể nhiễm một số loài nấm mốc. Một số loài nấm mốc thuộc Aspergillus sp. hay Fusarium sp. có thể sinh ra một số độc tố, còn gọi là độc tố vi nấm.

Aflatoxin là một trong những độc tố vi nấm phổ biến và độc hại đối với sức khỏe ở hàm lượng cao. Có 4 loại  Aflatoxin thường gặp trong nông sản thực phẩm là Aflatoxin B1, B2, G1, G2.

Tình trạng nông sản, thực phẩm bị nhiễm độc tố vi nấm trên thị trường Việt Nam chủ yếu do khâu bảo quản không đúng cách. Nếu được bảo quản đúng cách, không sử dụng các loại nông sản thực phẩm bị mốc thì nguy cơ nhiễm Aflatoxin từ thực phẩm rất thấp. 

Hiện nay, theo QCVN 8-1:2011/BYT quy định giới hạn tối đa của một số độc tố vi nấm, trong đó có Aflatoxin. Theo đó, hàm lượng Aflatoxin tổng số và Aflatoxin B1 được quy định với giới hạn tối đa trên nông sản. Trong bột ớt, hàm lượng tối đa của  Aflatoxin B1 là 5 mcg/kg và của  Aflatoxin tổng là 10 mcg/g. 

img

Chuyên gia cho rằng, ớt nhiễm Aflatoxin chủ yếu do quá trình thu hoạch, bảo quản sản phẩm

Vậy còn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của các nhóm Aflatoxin trong thực phẩm, nông sản này như thế nào?

- Về độc tính cấp, Aflatoxin B1 có thể gây một số triệu chứng độc đối với gan nếu ở hàm lượng rất cao (vài mg/kg).  Còn về độc tính lâu dài, Aflatoxin B1 là chất gây ung thư, được xếp vào nhóm có khả năng gây ung thư trên người. Nếu hàm lượng Aflatoxin B1 trong thực phẩm vượt quá mức quy định và sử dụng thực phẩm trong thời gian dài, người sử dụng có nguy cơ mắc ung thư. 

Hiện nay, nguy cơ nhất là đối với dân tộc ít người ở vùng miền núi phía Bắc với tập tục sử dụng ngô làm thực phẩm chính và bảo quản ngô trong thời gian dài dẫn đến nguy cơ nhiễm Aflatoxin và một số độc tố vi nấm khác trong ngô. Những năm vừa qua, đều có các trường hợp ngộ độc bánh trôi ngô, nguyên nhân chính là Aflatoxin B1. 

Có cách nào phòng ngừa các nguy cơ gây hại khi sử dụng thực phẩm có Aflatoxin, thưa bà?

- Người sử dụng, nhà sản xuất cần phải bảo quản thực phẩm để đảm bảo không sinh độc tố vi nấm trong quá trình bảo quản. Không sử dụng các sản phẩm thực phẩm đã bị mốc. Còn bàn luận thêm về kết quả khảo sát 100% mẫu ớt bột có Aflatoxin của Viện Pasteur TP.HCM mới đây, theo tôi, để đánh giá mức độ nhiễm Aflatoxin nói chung cần xem xét rõ hơn về cách lấy mẫu: Lấy mẫu ngẫu nhiên hay lấy mẫu nguy cơ? Mẫu có bao gói, nhãn mác không?... Ngoài ra, hàm lượng nhiễm Aflatoxin là bao nhiêu?...

Xin cám ơn Viện trưởng!

Tại Việt Nam, các giới hạn tối đa (ML) về dư lượng Aflatoxin theo Quy định giới hạn tối đa ô nhiễm sinh học và hóa học trong thực phẩm ban hành kèm theo Quyết định số 46/2007/QĐ-BYT ngày 19 tháng 12 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế như sau:

Đối với Aflatoxin B1 trong thực phẩm nói chung, giới hạn tối đa ở mức 5 microgam/kg. Đối với Aflatoxin B1, B2, G1, G2 trong thực phẩm nói chung, giới hạn tối đa ở mức 15 microgam/kg. Đối với Aflatoxin M1 trong sữa và các sản phẩm sữa, giới hạn tối đa ở mức 0,5 microgam/kg.